(MPI Portal) - Tiếp nối sự kiện được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/5, Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CRS) với chủ đề Công nghệ thông tin xanh đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc văn phòng Hỗ trợ phát triển Bền vững (VCCI), Đại diện Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu (GCNV); ông Florian Beranek, Cố vấn trưởng dự án CRS; ông Nguyễn Thanh Tuyên, Vụ phó Vụ Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các chuyên gia về CNTT đến từ nhiều Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp thành viên của GCNV.
Công nghệ thông tin xanh
Diễn đàn là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao hiểu biết và thực hiện Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết với Chuỗi cung ứng Toàn cầu trong Sản xuất bền vững” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với sự phối hợp của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Các đối tác thực hiện dự án khác gồm: Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm), Hiệp hội Da giầy Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Dianh nghiệp điện tử Việt nam (VEIA), Viện Khoa học Lao động xã hội (ILLISA), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất Lượng (STAMEQ), Trung tâm Kim loại và Công nghệ Vật liệu quốc gia Thái Lan (MTEC) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (SEQUA).
|
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc văn phòng Hỗ trợ phát triển Bền vững (VCCI), Đại diện GCNV phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Phương Linh (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc văn phòng Hỗ trợ phát triển Bền vững (VCCI), Đại diện GCNV cho biết UNIDO và VCCI sẽ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoạch định Chiến lược Tăng trưởng xanh trong đó có CNTT xanh.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Rene Van Berkel đã đưa ra một số biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của CNTT: Tiết kiệm năng lượng (các thiết bị và hệ thống); thực hiện 3R (Reduce-Reuse-Recycle) trong các giai đoạn của vòng đời sản phẩm; sử dụng các hóa chất thay thế an toàn; quản lý rác thải.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động hướng tới CNTT xanh, bảo vệ môi trường đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại Trung Quốc, các điều luật có liên quan đến bảo vệ môi trường rất được chú trọng hoàn thiện. Ấn Độ xúc tiến CNTT xanh thông qua việc giảm khí thải nhà kính, xanh hóa các tòa văn phòng… Tại một số quốc gia như Úc, Mỹ, các sản phẩm CNTT đều phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Đối với riêng Việt Nam, trước những tác động tiêu cực của CNTT tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Vụ phó Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất một số hoạt động CNTT xanh ở Việt Nam. Đối với các cơ quan nhà nước: tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội xanh, trong đó có vai trò của CNTT; nghiên cứu về khả năng áp dụng CNTT xanh tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp; tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, sinh hoạt, truyền tải, chiếu sáng và các lĩnh vực khác bằng việc ứng dụng các phương pháp quản lý năng lượng tiên tiến trên cơ sở sử dụng các giải pháp CNTT và các hệ thống cảm biến, đo lường chính xác; chính sách khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường và các sản phẩm có thể tái chế; thu gom và xử lý rác thải điện tử; dịch vụ tái chế phụ tùng linh kiện, tân trang làm mới các sản phẩm CNTT. Đối với doanh nghiệp: tuân thủ các văn bản pháp luật về môi trường; ứng dụng các biện pháp sản xuất sạch, các giải pháp bao toàn và sử dụng năng lượng; sử dụng các công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường; nâng cao kiến thức và năng lực trong điều kiện sản xuất kinh doanh có những yêu cầu về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đối với cộng đồng, cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen khi lựa chọn sản phẩm và dịch vụ.
Trách nhiệm của dự án là giúp các doanh nghiệp hiểu được những tác động tiêu cực của CNTT tới môi trường, theo đó từng bước đề ra các phương án đối phó, ông Florian Beranek, Cố vấn trưởng dự án CRS phát biểu. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng việc quan trọng là Việt Nam phải tự hoạch định những chiến lược riêng của quốc gia mình.
Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Việt Nam.
|
Các đại biểu tham dự tại diễn đàn. Ảnh: Phương Linh (MPI Portal)
|
Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam (GCNV) là một liên minh của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính phủ, trường đại học và các học viện tại Việt Nam cùng chung tay để thực hiện Trách nhiệm Xã hội tại Việt Nam. Thành viên của GCNV hướng đến những hoạt động bảo vệ quyền con người, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường và ủng hộ chống tham nhũng.
GCNV được thành lập vào năm 2007, là sáng kiến dựa trên mối quan hệ đối tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UN).
GCNV bao gồm hơn 95 tổ chức trong và ngoài nước là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, học viện, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các cơ quan chính phủ tại Việt Nam.
Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc (UNGC) là mạng lưới lớn nhất hoạt động trên các tiêu chí về tính bền vững cho doanh nghiệp, đi đầu trong những sáng kiến được các Giám đốc doanh nghiệp thông qua. UNGC mong muốn kết nối tất cả các hoạt động và chiến lược kinh doanh ở mọi nơi dựa theo 10 nguyên tắc đã được chấp nhận và mang tính toàn cầu về các lĩnh vực Quyền con người, Lao động, Môi trường và Chống tham nhũng.
UNGCđược phát động bởi ông Kofi Annan - Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 2000 nhằm gắn kết khối doanh nghiệp tư nhân trong việc chỉ ra những thách thức trong tiến trình phát triển với sự tham gia của trên 7000 thành viên bao gồm hơn 5200 doanh nghiệp từ 130 quốc gia trên thế giới.
GCNV đến nay đã có hiều hoạt động thiết thực không chỉ hỗ trợ đơn thuần về kỹ thuật mà còn hỗ trợ tài chính trong việc thực hiện các dự án của nhiều tổ chức.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc văn phòng Hỗ trợ phát triển Bền vững (VCCI), Đại diện GCNV cho biết GCNV được sự bảo trợ của UNIDO đã có những sáng kiến quan trọng, mà một trong số đó được xem là tài sản quý giá của GCNV là giáo trình Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã được biên soạn và giảng dạy thí điểm tại 4 trường đại học: ĐH Thái Nguyên, ĐH Ngoại Thương, Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐH Quốc gia HN và ĐH Kinh tế TP HCM. GCNV hướng tới đưa giáo trình này vào giảng dạy ở các khóa đào tạo quản trị kinh doanh và các khóa đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp. Trong tương lai, GCNV hy vọng rằng, Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp sẽ trở thành môn học bắt buộc trong các trường đại học tại Việt Nam.
Buổi tham vấn ý kiến thành viên nhằm phát triển GCNV đã nhận được nhiều ý kiến hữu ích, theo đó việc quan trọng là cần nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp; nâng cao nhận thức của các thành viên để hoạt động của GCNV từ định hướng chuyển thành những hành động thiết thực và hiệu quả./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư