(MPI Portal) – Nhằm giới thiệu và đẩy mạnh giá trị mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam, sáng ngày 16/5, tại Hà Nội, Hội đồng Anh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng đồng tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: khái niệm, bối cảnh và chính sách”.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
|
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội Nguyễn Văn Tiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Robin Rickard, cùng đại diện của các cơ quan Bộ, ngành của Chính phủ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các Tổ chức quốc tế, Cộng đồng doanh nghiệp xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí.
Hội thảo là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức xã hội về DNXH ở Việt Nam từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhóm doanh nghiệp này. DNXH được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng nhu cầu giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của người sáng lập.
DNXH là mô hình tổ chức có ba đặc điểm then chốt như đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội lên hàng đầu ngay từ khi sáng lập; Sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt mục tiêu xã hội đó; Tái phân bổ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trở lại cho tổ chức, cộng đồng và mục tiêu xã hội.
Theo báo cáo nghiên cứu, DNXH là một xu thế mới xuất hiện ở Việt Nam, và đã có những phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên toàn thế giới. DNXH, cũng như các doanh nghiệp truyền thống, tổ chức các hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường, DNXH được hình thành với mục đích đối tượng là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề mà xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, chứ không nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện DNXH của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức về DNXH còn hạn chế, chưa được công nhận chính thức từ phía nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết với cộng đồng, cũng như thiếu một hệ thống tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối…
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, DNXH đang có vai trò ngày càng lớn và tích cực trong giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật,.. và tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Đó là những doanh nhân xã hội năng động, sáng tạo, luôn cố gắng để vượt qua những hạn chế về khả năng, nguồn lực, đóng góp tích cực cho cộng đồng.
DNXH kết hợp với các hội, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận…tạo thành khu vực riêng nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội. Do đó, đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của chính phủ, của cộng đồng xã hội từ nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, để giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bên cạnh nguồn lực và các nỗ lực trực tiếp của chính phủ, các cấp chính quyền địa phương thì Chính phủ đã ngày càng chú trọng hơn đến việc huy động sáng kiến, nguồn lực và sự tham gia của tư nhân và cộng đồng. Mô hình DNXH là một bước đi kịp thời và mang ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cũng như các cơ quan nhà nước trong việc lập chính sách về DNXH.
Nhằm phát triển hơn nữa nhóm doanh nghiệp này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, trong thời gian tới cần có định hướng và giải pháp cụ thể như: Thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ hơn các DNXH ở Việt Nam; Thúc đẩy sự phối hợp có hiệu quả giữa khu vực Nhà nước, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, các DNXH và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách hiệu quả và bền vững; Áp dụng tinh thần kinh doanh và phương thức hoạt động của DNXH trong đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp.
|
Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Robin Rickard phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Robin Rickard cho biết, 3 năm qua đã chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của DNXH tại Việt Nam. Tuy nhiên, là một lĩnh vực mới, DNXH cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình tạo ra những ảnh hưởng tích cực, sâu rộng lên nền kinh tế và xã hội Việt Nam.
Ông Robin Rickard khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng DNXH, các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác có liên quan khác, nhằm vận động cho việc hình thành một môi trường thuận lợi nhất cho DNXH phát triển trong một xã hội mà các thành quả hoạt động của họ được nhìn nhận và đánh giá.
Việc xây dựng môi trường hỗ trợ để đẩy mạnh mô hình này tại Việt Nam là quan trọng, qua đó góp phần thúc đẩy việc giao lưu, chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Anh quốc, ông Robin Rickard nhấn mạnh.
Trong 20 năm gần đây, mô hình DNXH ngày càng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều Chính phủ, DN và các tổ chức phát triển trên thế giới. Hiện nay, hiểu biết về DNXH ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển và nhân rộng các mô hình thành công. Ngoài ra, DNXH chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn…. Tuy nhiên, cơ hội và tính cần thiết phải phát triển DNXH như một mô hình kinh tế bền vững nhằm giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề xã hội và môi trường ngày một trở nên bức thiết.
Báo cáo DNXH tại Việt Nam được thiết kế với hai phần tương ứng: Phần I là tìm hiểu một cách toàn diện về khái niệm DNXH trên thế giới và Việt Nam; Phần II phân tích thực trạng, bối cảnh tổng thể để đưa ra các khuyến nghị, chính sách nhằm phát triển DNXH ở Việt Nam. Báo cáo cũng chỉ rõ đã đến lúc Chính phủ cần coi các DNXH như những đối tác quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội và đồng thời hỗ trợ DNXH phát triển bằng việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khung khổ pháp lý, chính thức công nhận, và đề ra các chính sách cụ thể để khuyến khích sự phát triển của mô hình này./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư