Theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện tại đang có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần xuất khẩu. Nguyên nhân là thời gian gần đây, giá sản phẩm nhựa của Trung Quốc không còn rẻ nữa mà ngang bằng với giá sản phẩm nhựa của Việt Nam.
Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu hiện cũng đang đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm nhựa của Việt Nam nên ngay từ đầu năm lượng đặt hàng đã tăng đáng kể, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn đặt hàng tới hết tháng 8/2012.
Theo VPA, tính chung cả ba tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam đạt 360 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 26,5%). Với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tháng 4/2012 đạt 160 triệu USD, VPA cho rằng đạt được 400 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong quý II/2012 là con số hoàn toàn khả quan đối với ngành nhựa Việt Nam.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam; túi nhựa, sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển đóng gói, sản phẩm nhựa công nghiệp là ba sản phẩm chính được xuất khẩu sang thị trường này. Cùng đó, Mỹ là thị trường đứng thứ 2 sau Nhật Bản về nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,58 triệu USD, chiếm 10,8% tỷ trọng xuất khẩu và tăng tới 81,1% so với cùng kỳ.
Cũng theo VPA, mặc dù nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn nhưng đơn đặt hàng từ thị trường này vẫn có xu hướng tăng trong quý II/2012. Điều đó chứng tỏ sản phẩm nhựa của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm được dùng nhiều cho ngành xây dựng, như: sản phẩm tấm, miếng, màng nhựa…
Ngoài ra, thị trường Ấn Độ cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng và đầy triển vọng về xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong tương lai. Phạm vi sử dụng sản phẩm nhựa trong các ngành công nghiệp của Ấn Độ đang được mở rộng, nhu cầu đóng gói tăng mạnh, sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp, thu nhập khả dụng tăng và sự tập trung dân cư tại thành thị… đã đẩy nhu cầu về sản phẩm nhựa công nghiệp, hàng tiêu dùng có sử dụng nhựa tăng mạnh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành nhựa cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm và tìm hiểu những xu thế mới của các thị trường để đáp ứng kịp thời./.