Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/04/2011-14:16:00 PM
Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các Doanh nghiệp Việt Nam
Các ngành may mặc, thủy sản, điện tử dù đã đạt tăng trưởng xuất khẩu khá cao trong thời gian qua, nhưng vẫn cần phải cải thiện năng lực cạnh tranh để duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Đó là nhận xét của các chuyên gia nêu trong Hội thảo “Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” mới được tổ chức.
Để đưa ra nhận xét trên, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nghiên cứu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) ở 3 ngành sản xuất có kim ngạch xuất khẩu (XK) quan trọng là may mặc, thủy sản, điện tử.
Ngành may mặc thuộc nhóm DN đạt kim ngạch XK cao nhất trong những năm qua. Năm 2010 đạt hơn 11 tỷ USD và đứng Top 5 thế giới. Ngành Thủy sản cũng có những bứt phá mạnh mẽ, năm 2010 đạt kim ngạch 4,95 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Trong khi đó, XK điện tử năm 2010 đạt 3,59 tỷ USD.
Những kết quả trên cho thấy, may mặc, thủy sản, điện tử là những ngành hàng có sản phẩm giữ vai trò chủ lực trong XK của nước ta. Điều đó cũng khẳng định, mặc dù phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu, các DN Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định trên con đường chiếm lĩnh thị phần thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngành xuất khẩu chủ lực này vẫn bộc lộ những hạn chế rất cần được khắc phục.
Chẳng hạn, ngành may mặc tuy mức độ đa dạng hóa sản phẩm khá cao nhưng việc đa dạng hóa thị trường lại thấp do chủ yếu XK vào thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị gia tăng thấp. Ngành điện tử chủ yếu vẫn là các sản phẩm gia công, lắp ráp và phụ thuộc vào các linh phụ kiện nhập khẩu. Đây vẫn là những hạn chế của chính nội tại các DN từng được nhắc đến từ lâu.
Ở một khía cạnh khác, qua khảo sát, các chuyên gia của CIEM cũng thu thập các kiến nghị của DN về các chính sách, cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia cũng đã nêu một số ý kiến nhằm góp phần giúp DN có thể nghiên cứu để từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng CIEM, vấn đề quan trọng là không thể để tình trạng các sản phẩm XK của Việt Nam nằm ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế.
Do đó, các DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn, ngành may mặc cần chú ý đầu tư phát triển khâu thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm bắt kịp xu thế hiện đại của thế giới, đồng thời không chỉ may gia công theo đơn đặt hàng đã có thiết kế sẵn.
Đối với ngành điện tử, do các DN XK phần lớn là có vốn đầu tư nước ngoài nên cần phải có chính sách thu hút đầu tư kết hợp với chuyển giao công nghệ cao; hình thành các cụm công nghiệp tương hỗ cũng như các đơn vị nghiên cứu công nghệ cao đủ mạnh.
Cần khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do, các thị trường mới (ví dụ như những nền kinh tế mới của EU như Hungary, Ba Lan, Czec, Slovakia….).
Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; nâng cao thị phần xuất khẩu đối với những mặt hàng chế biến, chế tác may mặc, thủy sản và điện tử mà Việt Nam vẫn còn lợi thế so sánh. Đồng thời, cần giảm chi phí song song với tăng năng suất lao động./.
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1074
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)