Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/03/2011-13:41:00 PM
Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2010
(MPI Portal) – Sáng ngày 16/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam đã tổ chức lễ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2010.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI) tiến hành nghiên cứu và công bố thường niên kể từ năm 2005 đến nay. Chỉ số PCI 2010 là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam thông qua 7.300 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam tham gia khảo sát ở một số lĩnh vực như chất lượng đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai...
Phát biểu khai mạc Lễ công bố, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng chỉ số PCI là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký VCCI, trình bày kết quả chỉ số PCI 2010. Ảnh:Đức Trung (MPI Portal)

Để phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, lần đầu tiên VCCI và USAID/VNCI tiến hành điều tra 1155 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia và đang hoạt động trên 63 tỉnh thành. Kết quả điều tra đã cung cấp những đánh giá sâu sắc về hiện trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và những thách thức trong việc thu hút đầu tư giá trị tăng cao hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Theo bảng công bố và xếp hạng, thì đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2010, tiếp theo là Lào Cai và Đồng Tháp. Còn Bình Dương sau 3 năm liên tiếp ở vị trí đứng đầu (2005-2007) và 2 năm ở vị trí thứ hai, đến năm thứ 6 ở vị trí thứ 5, lần đầu tiên chính thức tách khỏi nhóm có chất lượng điều hành Rất tốt. So với năm ngoái, số tỉnh nằm trong nhóm Rất tốt giảm từ 6 xuống còn 3. Số tỉnh nằm trong nhóm Tốt cũng bị giảm 1. Tuy nhiên, không còn tỉnh nào phải xếp ở hạng Thấp mà chỉ có nhóm Tương đối thấp.
So với một năm trước, cộng đồng doanh nghiệp năm 2010 ghi nhận những chỉ số được cải thiện là đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng của doanh nghiệp tư nhân về chất lượng lao động tăng đều từ 35,2% năm 2008 lên 45,45% năm 2009 và 47% năm 2010.
Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm không tăng nhưng chất lượng của dịch vụ giới thiệu việc làm đã được cải thiện, có đến 62,5% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ này cho biết có kế hoạch tiếp tục sử dụng, so với 27,8% của năm 2009.
Đối với các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin kinh doanh tăng từ 60,36% năm 2009 lên 64,35% năm 2010. Số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ do khu vực tư nhân cung cấp cũng tăng, đặc biệt là chất lượng được cải thiện hơn khi có một nửa trong số các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ cho biết sẽ tiếp tục sử dụng, so với tỷ lệ 16,44% năm 2009.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như gia nhập thị trường và tính minh bạch. Điểm số về tính minh bạch giảm mạnh so với năm trước gây khó khăn cho các quyết định đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp. Cụ thể là chỉ số tính minh bạch thể hiện sự sụt giảm mạnh. Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu của chỉ số tính minh bạch đều sụt giảm so với năm 2009. Khả năng tiếp cận tài liệu kế hoạch cũng như văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đều có xu hướng giảm.
Theo đại diện của VCCI, chỉ số minh bạch sụt giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là một chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Chỉ số này tác động lớn nhất đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và là một trong hai chỉ số có trọng số cao nhất trong hệ thống các chỉ số thành phần của PCI.

Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Vì vậy để cải thiện điện những thách thức, theo bà Virgina Palmer, cần cải thiện chất lượng điều hành kinh tế đòi hỏi có sự lãnh đạo và cam kết liên tục từ lãnh đạo của Chính phủ ở cả Trung ương và địa phương trong việc đối phó với những thách thức như cơ sở hạ tầng, quản lý hành chính, tham nhũng và phát triển nguồn nhân lực.
Trong khi ấy, theo quan điểm của đa số doanh nghiệp, chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng. Đáng chú ý, trong năm 2010, tình trạng cắt điện diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người dân và gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài Lễ công bố bảng xếp hạng và kết quả điều tra về cảm nhận môi trường kinh doanh PCI 2010, VCCI và VNCI đã trao giải thưởng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho ba tỉnh xuất sắc là Đà Nẵng, Lào Cai và Đồng Tháp nhằm ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Đại diện các tỉnh được trao giải, ông Văn Hữu Chiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng PCI là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là căn cứ quan trọng của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trong việc đánh giá năng lực điều hành kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt trong việc hoạch định chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ số PCI cũng là một kênh thông tin hữu dụng giúp các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc cân nhắc khả năng mở rộng sản xuất và kinh doanh để đạt hiệu quả mong muốn. Do vậy, trong những năm gần đây chỉ số PCI đã góp phần quảng bá đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PCI 2010 cung cấp những phân tích về vấn đề chi phí không chính thức trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những thông tin này nhằm hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong việc định hướng các nỗ lực, xác định ưu tiên cho các lĩnh vực mà doanh nghiệp dễ có xu hướng chi trả chi phí không chính thức cũng như trong việc áp dụng kết hợp các giải pháp quản lývà công nghệ nhằm giảm thiểu tham nhũng và nâng cao hiệu quả nền kinh tế./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2092
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)