Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/10/2011-09:42:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 9 tháng đầu năm 2011
Báo cáo ngày 05 tháng 10 năm 2011 của tỉnh Tiền Giang.
Chín tháng đầu năm 2011, ngoài lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh năm 2011. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức ; thực hiện thắng lợi công tác bầu cử Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 trên địa bàn tỉnh; thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đạt kết quả tích cực... Kinh tế - xã hội của Tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2011 đạt mức tăng trưởng khá, an sinh xã hội được bảo đảm, nhiều vấn đề xã hội bức xúc được giải quyết. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:
A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ:
1. Tăng trưởng kinh tế:
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) 9 tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 11.616,5 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2010, quý I tăng 9%, quý II tăng 10,5%, quý III tăng 10,4%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13%, khu vực dịch vụ tăng 12%.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Theo giá so sánh năm 1994
Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước - %
Đóng góp của năm 2011 vào tăng trưởng (%)
9 tháng đầu năm 2009
9 tháng đầu năm 2010
9 tháng đầu năm 2011
Tổng số
8,8
10,2
10,0
10,0
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản
5,1
5,6
5,9
2,2
Khu vực công nghiệp và xây dựng
15,4
18,5
13,0
3,2
Khu vực dịch vụ
9,2
10,0
12,0
4,3
Tốc độ tăng tổng sản phẩm 9 tháng đầu năm 2011 tuy có thấp hơn so cùng kỳ năm 2010 nhưng vẫn ở mức tăng khá. Trong điều kiện khó khăn giữ được mức tăng trưởng trên có sự lãnh đạo của các ngành, các cấp trong tỉnh, bám sát diễn biến tình hình kinh tế, triển khai tốt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
So với cùng kỳ 2010: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,9%, trong đó nông nghiệp tăng 4,3%; Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13%, tăng thấp hơn 9 tháng đầu năm 2010 là 5,5%. Ngành công nghiệp tăng 18,2%, ngành xây dựng chỉ bằng 98,8%; Khu vực dịch vụ tăng trưởng 12%, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2010 là 2%, hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng, vận tải tăng 9,5%; thương nghiệp tăng 10%; tài chính - tín dụng tăng 12%... riêng du lịch tăng cao 22,1%.
Cơ cấu kinh tế: giá cả trong 9 tháng đầu năm diễn biến rất phức tạp, giá các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản tăng cao, cộng với việc ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng giảm so cùng kỳ, làm cho cơ cấu kinh tế của tỉnh gần như không chuyển dịch. Khu vực nông lâm thủy sản chiếm 48,4%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,2%, khu vực dịch vụ chiếm 24,4% (9 tháng đầu năm 2010 các tỷ lệ này lần lượt là: 46,1%; 28,6% và 25,3%).
2. Tài chính, ngân hàng:
a. Tài chính:
Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm ước đạt 5.062,7 tỷ đồng, tăng 16,2% so cùng kỳ, trong đó thu từ kinh tế địa phương thực hiện được 2.579,2 tỷ đồng, đạt 86,3% so dự toán và tăng 16% so cùng kỳ. Các khoản thu đạt cao so dự toán gồm: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 79,3%, thuế xuất nhập khẩu đạt 319,4%, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 100,1%... Tuy nhiên cũng có một số khoản thu đạt thấp so với dự toán năm như: thu tiền sử dụng đất đạt 34,7%, thu tiền thuê đất 51,3%, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 61,1%,... thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh là khoản thu lớn nhất trong tổng thu ngân sách của tỉnh, 9 tháng đạt 90,4% so dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 4.122,7 tỷ đồng, trong đó chi trong cân đối ngân sách là 3.371,7 tỷ đồng, đạt 80% dự toán và tăng 13,1% so cùng kỳ. Chi thường xuyên 9 tháng 2.009 tỷ đồng, đạt 74,5% dự toán và tăng 30% so cùng kỳ, trong đó chi hành chính sự nghiệp 1.929 tỷ đồng đạt 75,6% dự toán và tăng 30,1%, chi sự nghiệp kinh tế 250,2 tỷ đồng đạt 80,5% dự toán, tăng 58,6%, chi sự nghiệp văn xã 1.275,2 tỷ đồng đạt 73,4% dự toán, tăng 25,6%. Riêng chi đầu tư phát triển đạt 93,2% dự toán và giảm 3,1%.
b. Tín dụng - ngân hàng:
Tổng thu tiền mặt 9 tháng đầu năm 2011 ước thực hiện được 150.989 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 96,6% so cùng kỳ. Tổng chi tiền mặt 159.109,7 tỷ đồng tăng 94,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn huy động trên địa bàn đến ngày 10/9 đạt 17.179 tỷ đồng tăng 3.323 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 24% so cùng kỳ, trong đó huy động từ tiền gửi tiết kiệm 14.556 tỷ đồng. Dự kiến 9 tháng huy động vốn trên địa bàn đạt 18.500 tỷ đồng tăng 4.644 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ cho vay đến ngày 10/9 đạt 15.990 tỷ đồng, tăng 1.563 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 11.626 tỷ đồng. Chương trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất đến ngày 10/9/2011 có 6.821 khách hàng vay với tổng dư nợ 397,3 tỷ đồng.
3. Đầu tư và xây dựng:
Vốn đầu tư toàn xã hội: ước thực hiện 9 tháng đầu năm được 10.299,2 tỷ đồng, đạt 66,5% kế hoạch, tăng 18,9% so cùng kỳ; gồm vốn khu vực Nhà nước 1.774,4 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư, khu vực ngoài Nhà nước 6.592,9 tỷ đồng, bằng 96,4%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 1.931,9 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần. Vốn đầu tư 9 tháng đầu năm 2011 có tăng so cùng kỳ nhưng tốc độ tăng thấp hơn (9 tháng đầu năm 2010 tăng 20,9%), do giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, giá điện, xăng dầu tăng, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã rà soát cắt giảm một số công trình, với tổng vốn điều chỉnh giảm là 94 tỷ so với kế hoạch đầu năm. Mặt khác trong những tháng đầu năm lãi suất cho vay của các ngân hàng khá cao đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, dẫn đến tốc độ tăng vốn đầu tư chậm lại.
Vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước do địa phương quản lý: thực hiện 1.311,9 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương 159,9 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.152 tỷ đồng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: 9 tháng đầu năm 2011 thu hút 14 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 387,9 triệu USD, tăng 2,6 lần so cùng kỳ, bình quân 27,7 triệu USD/dự án. Khu công nghiệp Tân Hương có 5 dự án, KCN Long Giang 3 dự án, 4 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 2,3 triệu USD và 2 dự án trong cụm công nghiệp Trung an với tổng vốn đăng ký 12 triệu USD. Các dự án mới có 5 dự án đến từ Hàn Quốc, 02 của Trung Quốc, 01 của Singapore, 02 của Nhật Bản, 01 của Hồng Kông, 01 của Hunggary, 01 của Mỹ, 01 của Đan Mạch.
Trong số 14 dự án FDI đăng ký mới trong những tháng đầu năm có 8 dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 373,6 triệu USD (Khu công nghiệp Tân Hương 5 dự án, KCN Long Giang 3 dự án....), 4 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 2,3 triệu USD và 2 dự án trong cụm công nghiệp Trung an với tổng vốn đăng ký 12 triệu USD. Mười bốn dự án đăng ký mới có: 5 Hàn Quốc, 2 Trung Quốc, 1 Singapor, 2 Nhật Bản, 1 Hồng Kông, 1 Hunggary, 1 Mỹ, 1 Đan Mạch
4. Chỉ số giá:
Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2011 tăng 17,49%, bình quân 1 tháng tăng 1,81%. So với cùng kỳ chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2011 tăng 19,12%. Chỉ số giá tiêu dùng trong các qua diễn biến rất phức tạp, tháng sau luôn tăng so tháng trước, đỉnh điểm là tháng 4 tăng 4,37% so tháng 3, sau đó tốc độ tăng chậm lại, từ tháng 6 đến tháng 9 tốc độ tăng giá tháng sau so tháng trước tăng dưới 1%/tháng. Qua kết quả trên cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên tốc độ tăng giá vẫn còn cao. Trong 9 tháng qua các nhóm hàng tăng cao gồm: giáo dục tăng 51,1%; thực phẩm tăng 23,74%; giao thông tăng 22,95%; nhà ở, điện, nước, chất đốt tăng 18,81%... chỉ duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,5%. (Xem biểu Chỉ số giá tiêu dùng)
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:
a) Nông nghiệp:
* Trồng trọt:
Diện tích cây lương thực có hạt 9 tháng đầu năm 2011 gieo trồng được 245.485 ha, đạt 102,2% kế hoạch, giảm 1% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch được 1.143.479 tấn, đạt 89,4% so với kế hoạch tăng 0,1% so với cùng kỳ. Cụ thể như sau:
Cây lúa gieo trồng được 241.052 ha, đạt 102,3% kế hoạch và giảm 1% (giảm 2.416ha) so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch được 1.130.422 tấn, tăng 0,1% so cùng kỳ. Vụ Đông Xuân: kết thúc vụ, đã gieo trồng và thu hoạch 81.023 ha, đạt 102,8% kế hoạch giảm 1,1%, năng suất bình quân được 66,7 tạ/ha, đạt 102,1% kế hoạch và tăng 1,7%. Sản lượng thu hoạch 540.424 tấn, đạt 105% kế hoạch, diện tích gieo sạ giảm nhưng năng suất tăng nên sản lượng tăng 0,6%; Vụ Hè Thu sớm: tập trung ở các huyện phía Tây gồm Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành với diện tích 39.627 ha, đạt 101,5% kế hoạch và giảm 0,3%, thu hoạch 100% diện tích, năng suất bình quân được 55,3 tạ/ha, đạt 101,7% kế hoạch và tăng 0,3%; sản lượng thu hoạch 219.296 tấn, đạt 103,2% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ. Vụ Hè Thu chính vụ: xuống giống được 80.152 ha, đạt 101,3% kế hoạch và giảm 0,4%; năng suất bình quân được 46,3 tạ/ha đạt 101,8% kế hoạch, giảm 0,2%; sản lượng 370.702 tấn đạt 103% kế hoạch, giảm 0,6%. Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành cơ bản thu hoạch trước khi lũ về. Vụ Hè Thu muộn đã gieo trồng được 40.250 ha, đạt 104,2% kế hoạch và giảm 2,7%. Trà lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và phát triển bình thường.
Các loại cây hàng năm khác: Cây bắp gieo trồng được 4.399 ha, đạt 95,6% kế hoạch, giảm 1,7% so cùng kỳ, năng suất bình quân 33,5 tạ/ha, tăng 1,2% với sản lượng 12.981 tấn, đạt 84,7% kế hoạch, giảm 2,2%. Mô hình luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ bắp đã khẳng định là mô hình canh tác bền vững đang được khuếch trương trong tỉnh, ngoài thu nhập cao, nông dân còn tận dụng các phụ phẩm lá, thân bắp để chăn nuôi bò tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Cây chất bột có củ: gieo trồng được 1.621 ha, đạt 95,4% kế hoạch, giảm 7,1% so cùng kỳ, chủ yếu là cây khoai mỡ với diện tích 1.069 ha; Cây rau, đậu các loại gieo trồng được 36.263 ha, đạt 99,4% kế hoạch, tăng 7,4% so cùng kỳ, đã thu hoạch 30.213 ha, năng suất 161 tạ/ha, đạt 99% kế hoạch, giảm 0,4%, với sản lượng 486.371 tấn, đạt 81,9% kế hoạch, tăng 1,5%, năng suất giảm do ảnh hưởng nguồn nước tưới như mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong đó rau các loại gieo trồng 36.124 ha, tăng 7,3% so cùng kỳ, năng suất 161,5 tạ/ha, giảm 0,3%, với sản lượng 486.101 tấn, tăng 1,5%. Các địa phương có phong trào trồng màu xen lúa nhiều là Chợ Gạo, Cai Lậy. (Xem biểu Sản xuất nông nghiệp)
- Cây lâu năm:
Ngày 12/9/2011, UBND tỉnh Tiền Giang chính thức công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở huyện Cai Lậy và Cái Bè. Toàn tỉnh có khoảng 8.500 ha nhãn, diện tích nhiễm bệnh chổi rồng là 4.165 ha chủ yếu trên nhãn tiêu quế; trong đó, huyện Cái Bè bị nhiễm trên 1,3 nghìn ha, huyện Cai Lậy khoảng 1,4 nghìn ha, huyện Châu Thành có trên 1,2 nghìn ha và TP Mỹ Tho nhiễm 184 ha... Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi tỉnh đã tổ chức dập dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn, kinh phí hỗ trợ cho nông dân có nhãn bị thiệt hại nặng là 2 triệu đồng/ha, diện tích hỗ trợ khoảng 6.000 ha. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi tỉnh yêu cầu nông dân không nên chặt phá những cây nhãn đã nhiễm bệnh. Tỉnh sẽ áp dụng đồng loạt các biện pháp để diệt nhện lông nhung trên cây nhãn - côn trùng gây bệnh chổi rồng, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật chống dịch, tổ chức nông dân thực hiện đồng loạt các biện pháp được khuyến cáo theo quy trình trên diện tích của hộ mình canh tác... nhưng tình hình bệnh chổi rồng chưa giảm.
* Chăn nuôi:
Sau ngày 10/5/2011 trên địa bàn tỉnh không còn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên tình hình chăn nuôi đang phát triển trở lại. Tuy nhiên việc tái đàn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Trong tháng 6, 7 vừa qua giá thịt lợn hơi đạt mức giá kỷ lục từ 6 - 6,2 triệu đồng/tạ cao nhất từ trước đến nay, hiện tại giá giảm còn 5 - 5,2 triệu đồng/tạ đã gây tâm lý hoang mang cho người nuôi, đặc biệt là những hộ mới tái đàn trong thời gian gần đây. Theo hộ chăn nuôi, nhà nước cần có các biện pháp kiểm tra tích cực việc tăng giá của các loại thức ăn nhanh hơn giá thịt hơi và định giá thành đầu ra cho sản phẩm nhằm tạo sự an tâm cho người chăn nuôi tái đàn đầu tư phát triển trong thời gian tới.
b) Lâm nghiệp:
Toàn tỉnh trồng mới được 4.241 ngàn cây các loại, tăng 24,7% so cùng kỳ. Rừng trồng mới đến hết tháng 9 trồng được 147 ha ở huyện Tân Phú Đông, tăng 61,7% so cùng kỳ, chủ yếu là các loại cây bần, sú, đước... diện tích trồng dọc theo tuyến đê thuộc các khu vực xung yếu đê ven biển Gò Công với các loại cây bần, đước, mắm, dừa nước.
c) Thủy hải sản:
*Nuôi trồng:
Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại 9 tháng được 14.078 ha, đạt 107,1% kế hoạch và tăng 7,5% so cùng kỳ, gồm: Nuôi thủy sản nước ngọt 6.552 ha, đạt 104,1% kế hoạch, tăng 4,2% so cùng kỳ, diện tích thả nuôi ổn định với nhiều chủng loại cá, dịch bệnh ít xảy ra. Riêng nuôi cá tra công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu nằm dọc bờ sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè cũng được duy trì với diện tích khoảng 110 ha. Giá cá tra trong 9 tháng dao động 27.000 - 28.500 đ/kg, giảm khoảng 3.000-7.000đ/kg so cùng kỳ 2010; Nuôi thủy sản mặn, lợ 7.526 ha, đạt 109,7% kế hoạch và tăng 10,6% so cùng kỳ, trong đó diện tích tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 3.758 ha đạt 93,95% so với cùng kỳ, còn lại là diện tích nghêu. Diện tích tôm giảm so cùng kỳ là do những tháng đầu năm thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió chướng nên số diện tích nuôi tôm công nghiệp thả nuôi đạt thấp. Tình hình dịch bệnh trên tôm (tính đến ngày 15/9/2011) đã gây thiệt hại 224,3 triệu con giống/803,05 ha, chiếm 16,8% diện tích và 16,3% lượng giống thả nuôi. Riêng nuôi nghêu: ttrong tháng 6 có 1.158,8 ha nghêu nuôi của 156 hộ ở Gò Công bị chết do gió mùa Đông bắc thổi mạnh, thời tiết nắng nóng kéo dài... ước tính thiệt hại khoảng 5.086 triệu đồng.
* Sản lượng nuôi trồng và khai thác:
Sản lượng nuôi trồng và khai thác được 176.611 tấn, đạt 83,2% kế hoạch và tăng 16,8% so cùng kỳ, gồm: Sản lượng nuôi trồng 112.246 tấn, tăng 25,5%, trong đó thu hoạch từ nuôi cá tra công nghiệp được 19.500 tấn. Sản lượng cá đạt cao là do phong trào nuôi lồng bè phát triển mạnh trên sông Tiền và các hộ nuôi tôm khu vực Gò Công đang đã vào mùa thu hoạch, đạt năng suất cao; Sản lượng khai thác biển 61.243 tấn đạt 81,2% kế hoạch, tăng 4,7%, do ngư dân cải hoán tàu thuyền theo kinh phí hỗ trợ của Chính phủ; mặt khác do ngư trường trúng mùa nhất là nghề cào đơn, cào đôi. Tuy nhiên do giá nhiên liệu và chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân; Sản lượng khai thác nội địa 3.122 tấn, đạt 82,2% kế hoạch, giảm 3,9%, khai thác nội địa chủ yếu là các nghề chày, lưới đăng. Hiện nay nước từ đầu nguồn đã về tuy nhiên dự báo về một mùa cá bội thu đã không xảy ra là do các năm qua lũ không về hoặc lũ nhỏ nên lượng cá bố mẹ di cư lên thượng nguồn để sinh sản giảm. Mặt khác, người dân mắc lưới nhỏ và đánh bắt cá bằng xung điện là tác nhân lớn nhất gây nên tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản. (Xem biểu Thuỷ sản)
6. Sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: công nghiệp chế biến tăng 16,4%, sản xuất phân phối điện, ga và nước tăng 9,4%, riêng công nghiệp khai thác mỏ giảm 21,6%. Chia theo các loại hình kinh tế như sau: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 7,5%, chủ yếu là do Công ty Nông sản thực phẩm Tiển Giang sản xuất và kinh doanh tăng mạnh; Khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,6%. Gia công chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh Tiền Giang, đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu với các nước. Mặt khác cá tra Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chuẩn trong của hệ thống quản lý SQF 1000 CM do Hiệp hội tiếp thị thực phẩm (FMI) Hoa Kỳ làm chủ sở hữu và điều hành. Tiêu chuẩn này đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của Hoa kỳ và nhiều nước khác...; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,1%, do Công ty TNHH VBL Tiền Giang sau khi chuyển đổi loại hình đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, gia công đa dạng các sản phẩm bia nổi tiếng như Heineiken, Tiger, Saigon, Foster nên sản lượng bia tăng mạnh so cùng kỳ; Công ty Badavina sau thời gian thiếu nguyên liệu cá biển, nay hoạt động sản xuất ổn định góp phần làm tăng chỉ số phát triển công nghiệp 9 tháng năm 2011.(Xem biểu chỉ số sản xuất công nghiệp)
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2011 tính theo giá cố định năm 1994 đạt 7.606,4 tỷ đồng, đạt 76,1% kế hoạch và tăng 19% so cùng kỳ, gồm khu vực kinh tế nhà nước thực hiện 332,8 tỷ đồng, tăng 13,5%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 5.656,1 tỷ đồng, tăng 19,3%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 1.617,5 tỷ đồng, tăng 19,2%. Ngành công nghiệp chế biến tăng 19,3% so cùng kỳ, ngành sản xuất công nghiệp điện, khí đốt, nước tăng 9,9%, ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 7,4%.
7. Bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng:
a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội:
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội thực hiện được 20.303 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ, gồm trong đó kinh tế nhà nước thực hiện được 744 tỷ đồng, tăng 44,3%, kinh tế tập thể thực hiện 122 tỷ đồng, tăng 22,2%, kinh tế cá thể thực hiện được 10.832 tỷ đồng, tăng 16,4% so cùng kỳ, kinh tế tư nhân thực hiện được 8.605 tỷ đồng, tăng 18,3%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp thực hiện 18.021 tỷ đồng, tăng 17,9% so cùng kỳ; lưu trú và ăn uống thực hiện 1.801 đồng, tăng 25,2%, du lịch lữ hành thực hiện 25 tỷ đồng, tăng 64,3% và dịch vụ thực hiện 465 tỷ đồng, tương đương so cùng kỳ. (Xem biểu Tổng mức bán lẻ HH và doanh thu dịch vụ)
b) Cân đối thương mại:
* Xuất khẩu hàng hóa:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 592,3 triệu USD, đạt 102,1% kế hoạch và tăng 60,9% so cùng kỳ, gồm kinh tế nhà nước thực hiện đạt 117,7 triệu USD, tăng 21%, kinh tế tập thể đạt 1,5 triệu USD, giảm 7,8%, kinh tế tư nhân đạt 359,9 triệu USD, tăng 45,2%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 113,2 triệu USD, bằng gấp 5,3 lần. So cùng kỳ trị giá xuất khẩu ngành công nghiệp tăng 67,6% trong đó sản xuất thực phẩm và đồ uống tăng 56%, may mặc tăng 24,3%, sản xuất các sản phẩm từ cao su plastic tăng 45,4%... Một số doanh nghiệp có trị giá xuất khẩu tăng khá như Công ty CP may Tiền Tiến tăng 35,6%, Công ty CP rau quả tăng 45%, công ty CP nhựa Mekong tăng 45,4%, công ty CP Gò Đàng tăng 60,4% so cùng kỳ... và tập trung ở các khu, cụm công nghiệp như huyện Tân Phước tăng 284,3%, Châu thành tăng 49,6%, Cái Bè tăng 42% và thành phố Mỹ tho tăng 26,8%.
Mặt hàng xuất khẩu tập trung ở các nhóm hàng chính: Hàng thủy sản đông lạnh xuất 83.422 tấn, tăng 12,1%, đạt kim ngạch 238 triệu USD tăng 35,4% so cùng kỳ; Hàng rau quả: xuất khẩu đạt 6.351 tấn tăng 34,4% so cùng kỳ, đạt kim ngạch 7,9 triệu USD tăng 54,6%. So cùng kỳ giá xuất bình quân mặt hàng rau quả tăng 15%, trong đó quả đóng hộp tăng 28,9%, nước dứa cô đặc tăng 16,2%; Gạo: Xuất khẩu đạt 264.005 tấn, đạt 135,4% kế hoạch và tăng 84,1% so cùng kỳ, đạt kim ngạch 122,7 triệu USD tăng 80,7%. Lượng gạo xuất trực tiếp tập trung vào công ty Lương thực tỉnh chiếm trên 48%, chủ yếu xuất gạo chất lượng cao (không quá 5% tấm) và gạo thơm vào một số thị trường như Hoa Kỳ, Hồng Kông... Do mưa nhiều lúa không phơi được, giá lúa tăng làm cho gạo nguyên liệu xuất khẩu tăng theo. Giá gạo nội địa tăng trong khi đó giá xuất không tăng, nếu ký hợp đồng xuất gạo sẽ bị lỗ, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh tạm ngưng xuất gạo trong tháng 9. Giá xuất bình quân gạo năm 2010 tương đương 473,4 USD/tấn, năm 2011 chỉ còn 464,6 USD, giảm 1,8%; Hàng dệt may xuất đạt 9.512,5 ngàn sản phẩm tăng 7,2%, đạt kim ngạch 93,5 triệu USD tăng 25,4 % so cùng kỳ. Ngành dệt may năm nay có nhiều thuận lợi, so cùng kỳ năm 2010, một số doanh nghiệp lớn như công ty cổ phần may Tiền Tiến kim ngạch xuất khẩu tăng 35,6%, công ty TNHH Nam of London tăng 9,8%, công ty cổ phần may Sông Tiền tăng 9,3%... một số doanh nghiệp lớn đã mở rộng thị phần sang các thị trường khó tính như Nhật, Hoa kỳ,... với các hợp đồng gia công hàng cao cấp. So cùng kỳ giá xuất bình quân tăng 16,9%. (Xem biểu Xuất khẩu hàng hóa)
* Nhập khẩu hàng hóa:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 236,1 triệu USD, đạt 131,2% kế hoạch và bằng gấp 2,4 lần so cùng kỳ, gồm: kinh tế nhà nước đạt 28,7 triệu USD tăng 18,9%, kinh tế tư nhân đạt 110,9 triệu USD, tăng 65,3%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 96,5 triệu USD, bằng gấp 12,7 lần. Trị giá nhập khẩu cho ngành công nghiệp chế biến chiếm trên 96% và tăng 147,3% so cùng kỳ, trong đó chủ yếu là các mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến, vải và nguyên phụ liệu ngành may mặc, hạt nhựa... (Xem biểu Nhập khẩu hàng hóa)
c) Vận tải:
Doanh thu vận tải thực hiện 779,7 tỷ đồng, tăng 19,5% so cùng kỳ, trong đó vận tải hàng hóa đạt 458,3 tỷ tăng 21,1%, vận tải hành khách 293,5 tỷ tăng 11,3%. Vận tải hàng hóa 9 tháng vận chuyển được 7.560 ngàn tấn, tăng 8,3% so cùng kỳ, trong đó vận chuyển bằng đường sông 5.146 ngàn tấn, tăng 15%. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 683.942 ngàn tấn.km, tăng 13,4% so cùng kỳ, trong đó luân chuyển bằng đường sông 499.176 ngàn tấn.km, tăng 14,9%; Vận tải hành khách vận chuyển được 22.146 ngàn người, tăng 2,4% so cùng kỳ, trong đó vận chuyển bằng đường bộ thực hiện 17.400 ngàn người, tăng 2,7%. Khối lượng hành khách luân chuyển thực hiện 778.039 ngàn người.km, tăng 1,9% so cùng kỳ, trong đó luân chuyển bằng đường bộ 763.929 ngàn người.km, chiếm 98,2% tổng số.
Nhìn chung khối lượng hàng hóa và hành khách luân chuyển có tăng hơn so với cùng kỳ, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng tốc độ chậm hơn, do giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành vận tải hàng hóa và hành khách.
Công tác quản lý phương tiện giao thông:
Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 673.641 chiếc, gồm có 657.759 chiếc mô tô xe máy, 15.740 xe ô tô, 106 xe ba bánh và 36 xe khác.
d) Bưu chính viễn thông:
Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông 9 tháng đạt 706,6 tỷ đồng, tăng 27,5% so cùng kỳ, gồm doanh thu bưu chính 48,8 tỷ đồng giảm 7,7%, viễn thông 657,8 tỷ đồng tăng 31,2%. Đến cuối tháng 9 toàn tỉnh giảm 18 điểm phục vụ bưu điện so cùng kỳ do kinh doanh không hiệu quả, đồng thời mạng điện thoại di động, internet phát triển mạnh, giá rẻ nên nhu cầu sử dụng bưu chính của người dân giảm.
Tổng số thuê bao có trên mạng đến cuối tháng 9 là 371.705 thuê bao (chỉ có số thuê bao điện thoại cố định và di động trả sau). Mật độ điện thoại bình quân đạt 22,1 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao điện thoại phát triển dự kiến 9 tháng 22.161 thuê bao giảm 31,1% so cùng kỳ. Tổng thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 9 là 49.422 thuê bao (trong đó ADSL 49.247 thuê bao). Mật độ internet bình quân 2,9 thuê bao/100 dân. Dự kiến 9 tháng đầu năm internet phát triển 8.479 thuê bao tăng 34,9% so cùng kỳ.
e) Du lịch:
Chín tháng đầu năm 2011, lượng khách đến tỉnh tăng mạnh, tăng 26,4% so cùng kỳ, số khách tham quan du lịch 718,9 ngàn lượt, trong đó khách quốc tế là 382,4 ngàn lượt, đạt 75,5% kế hoạch và tăng 47,4% do tỉnh có nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, giao thông đến tỉnh thuận lợi hơn nhất là khi có đường cao tốc, cơ sở hạ tầng du lịch cũng được đầu tư. Hiện trong tỉnh có 3 khu du lịch đang hoạt động khai thác và đưa vào chương trình tham quan là khu du lịch Thới Sơn, khu du lịch biển Tân Thành và khu du lịch Cái Bè. Ngoài ra, còn có khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười mới đưa vào hoạt động - một địa điểm mới hứa hẹn sẽ thu hút khách trong thời gian tới. Tổng doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành thực hiện được 1.836,3 tỷ đồng, tăng 21,2% so cùng kỳ, trong đó doanh thu du lịch lữ hành chiếm 1,9%.
B - MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Việc làm:
Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm Tiền Giang đã tư vấn nghề và tư vấn việc làm 15.336 lượt người (9.202 nữ), đạt 95% so với kế hoạch năm 2011; tư vấn việc làm cho 14.377 lượt, tư vấn nghề cho 206 lựơt, giới thiệu việc làm cho 3.318 lượt người (2.323 nữ), tăng 2 lần so với cùng kỳ và đạt 67% so với kế hoạch năm 2011. Về chương trình cho vay giải quyết việc làm đã triển khai được 453 dự án, số vốn cho vay 22,514 tỷ đồng, đạt 65% so với kế hoạch, qua đó đã tạo việc làm mới cho 3.346 lao động đạt 28% so với kế hoạch. Về xuất khẩu lao động, đến nay đã có 271 lao động đăng ký, đã xuất cảnh 93 lao động (Nhật Bản 23, Hàn Quốc 58, Malaysia 09), tăng 30% so với cùng kỳ và đạt 47% so với kế hoạch năm 2011.
Tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, có 3.311 người đăng ký thất nghiệp, đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 3.062 trường hợp, trong đó có 2.907 trường hợp đã được giải quyết hồ sơ.
2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:
Trong 9 tháng đầu năm giá cả thị trường có những biến động phức tạp. Giá cả hàng hóa tăng cao, cùng với dịch bệnh lở mồm long móng trên heo, bệnh cúm gia cầm đã làm giá heo tăng đột biến, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nuôi tôm, nghêu ở các huyện phía Đông... gây rất nhiều khó khăn cho người dân đặc biệt là người nông dân và người lao động có thu nhập thấp ở khu vực thành thị.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của Chính Phủ cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của các ngành, các cấp, địa phương nên đời sống dân cư tương đối ổn định. Đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo như: Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 15.915 lượt hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ là 108.775 triệu đồng; Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tổ chức 1.087cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho 31.307 lượt người thuộc hộ nghèo; Ngành Giáo dục và Đào tạo đã miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường cho 11.628 học sinh thuộc diện hộ nghèo với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng; đã mua và cấp 163.493 thẻ bảo hiểm y tế năm 2011 cho người nghèo, mua 7.936 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo (mức 1) của 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông và thị xã Gò Công; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển huyện Tân Phú Đông; hỗ trợ 2.034 căn nhà ở cho hộ nghèo...
Đối với cán bộ công chức hưởng lương, từ 1/5/2011 mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng lên mức 830.000 đồng/tháng và việc thực hiện trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công chức lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng phần nào cải thiện đời sống, nhưng vẫn còn khó khăn trong tình hình lạm phát hiện nay.
3. Giáo dục:
Năm học 2011-2012: số học sinh các cấp gồm: nhà trẻ là 4.220 cháu, tương đương so với năm học trước, mẫu giáo có 45.110, tăng 4,6%, giáo dục tiểu học có 138.820 học sinh, giảm 1,3%, giáo dục trung học cơ sở có 94.750 học sinh, giảm 2,6%, giáo dục trung học phổ thông có 40.286 học sinh, giảm 8,7%. Toàn ngành có 18.722 cán bộ, giáo viên ngành học mầm non và phổ thông, với trên 98,7% giáo viên đạt trình độ chuẩn (trong đó có 32% đạt trình độ trên chuẩn, 254 người có trình độ sau đại học. Tình hình chung trong tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên tiểu học do nhu cầu phục vụ lớp dạy 2 buổi/ngày.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông năm 2010-2011: trung học phổ thông dự thi là 12.740 học sinh, có 11.375 học sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 89,3%; hệ bổ túc dự thi là 1.252 học sinh, có 514 học sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 41,1%.
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 trường Đại Học Tiền Giang có 3.084 thí sinh dự thi. Kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 đại học có 254 sinh viên (đạt 34,2% so với chỉ tiêu), cao đẳng có 440 sinh viên (đạt 32,2%). Hiện tại trường đang xét tuyển nguyện vọng 2 hệ Đại học với 564 chỉ tiêu và Cao đẳng: 808 chỉ tiêu, trường đã nhận được 1.642 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. Đối với các trường không tổ chức thi tuyển, chỉ nhận hồ sơ và xét tuyển theo nguyện vọng của thí sinh như: Trường cao đẳng Y Tế và cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ và các trường trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh
4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng:
Thời tiết đang trong giai đoạn mùa mưa nên bệnh tay chân miệng tăng rất nhanh, 9 tháng đầu năm xảy ra 2.023 cas, bằng gấp 6,7 lần so cùng kỳ năm 2010, trong đó tử vong 5 cas, bệnh phổ biến khắp địa bàn tỉnh, tập trung cao nhất tại thành phố Mỹ Tho. Các cơ sở phòng bệnh và chữa bệnh thực hiện khá tốt các qui chế chuyên môn, tuyên truyền vận động nhân dân ý thức cao về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. So với cùng kỳ năm 2010 hầu hết các bệnh thường gặp đều giảm đáng kể: bệnh sởi giảm 90%, quai bị giảm 78,7%, thương hàn giảm 51,5%, bệnh lỵ trực tràng giảm 50%; tiêu chảy giảm 42,2%, viêm gan virus giảm 35,7%, viêm não virus giảm 33,3%,... Bên cạnh đó bệnh sốt phát ban/Rubella tăng 100,6%, thủy đậu tăng 15,6%,.. đã khám chữa bệnh cho 4.268.206 lượt người, giảm 9,1% so với cùng kỳ, với số lượt người điều trị nội trú là 129.593 lượt người, giảm 5,5% so cùng kỳ.
- Một số bệnh truyền nhiễm: Sốt xuất huyết đã xảy ra 2.011 cas, giảm 47,2% so cùng kỳ, chưa xảy ra tử vong; HIV: có 191 cas nhiễm HIV mới giảm 12,8% và số cas tử vong do AIDS là 49 cas, tăng 22,5% so với cùng kỳ; bệnh cúm A/H1N1 xảy ra 3 cas, tử vong 1 cas
- Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm: đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, tổng số người mắc là 125 người, không có trường hợp tử vong, giảm cả về số vụ (01 vụ), số người (553 người) và số tử vong (01 người) so với cùng kỳ năm 2010. Kiểm tra định kỳ vệ sinh an toàn thực phẩm 7.845 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, có 93,6% cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
5. Văn hóa, thể thao
a) Văn hóa:
Toàn tỉnh có 417.736/418.153 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 99,9%; có 46/169 xã, phường văn hóa đạt tỷ lệ 27,2% và có 845/1.009 ấp, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 83,7,5%. Công tác xây dựng nếp sống văn hoá nơi công cộng đã triển khai xây dựng điểm với 132 cơ sở thờ tự, 58 đường phố, 17 chợ, 05 công viên.
Công tác kiểm tra hoạt động văn hóa cũng được quan tâm, qua kiểm tra 80 cuộc với 1.895 lượt, phát hiện 160 vụ vi phạm. Tổng số tiền thu phạt được là 279,3 triệu đồng. Tịch thu 1.142 đĩa ca nhạc, sân khấu in, nhân bản lậu, 13 ổ cứng máy vi tính, 09 USB, 04 thẻ nhớ ĐTDĐ, 01 laptop có nội dung độc hại. Tuyên truyền vận động nhân dân và các cửa hàng điện thoại di động ý thức tự giác giao nộp 12.300 đĩa băng đĩa hình các loại, 01 thẻ nhớ điện thoại di động và tiêu hủy 05 thẻ nhớ điện thoại di động có nội dung độc hại.
b) Thể Thao:
Hoạt động thể dục thể thao thành tích cao được thực hiện theo đúng kế hoạch, đảm bảo theo yêu cầu và đạt được thành tích đáng kể: Điền kinh: 01 huy chương bạc giải điền kinh Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh mở rộng; Bóng bàn: 02 huy chương bạc giải bóng bàn cúp Quốc tế Hoàng Thạch lần 2; 01 huy chương bạc, 03 huy chương đồng giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân lần 29; 01 huy chương đồng giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á và giải trẻ toàn quốc đạt 03 huy chương đồng; Cầu Lông: 02 huy chương vàng, 01 huy chương đồng giải thành phố Cần Thơ mở rộng, 02 huy chương đồng giải "Cầu lông Quận 11 mở rộng năm 2011 - tranh cúp GoSen", 02 huy chương đồng giải vô địch Cầu lông trẻ toàn quốc; Bóng đá: Đội bóng đá thi đấu giải Bóng đá hạng nhì quốc gia năm 2011- Bảng C, kết quả xếp hạng 3/5 đội; PencakSilat: 1 huy chương vàng, 01 huy chương bạc, 02 huy chương đồng giải Cúp các Câu lạc bộ toàn quốc năm 2011 tại Hải Dương; 09 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 05 huy chương ồng và xếp hạng 2 toàn đoàn giải Đại hội Thể dục Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV năm 2011 tại An Giang; Taewondo: 04 huy chương vàng, 02 huy chương bạc và 06 huy chương đồng giải trẻ toàn quốc năm 2011 tại Ninh Thuận; Vovinam: đạt 01 huy chương vàng, 01 huy chương bạc và 01 huy chương đồng giải trẻ Vovinam toàn quốc năm 2011 tại Quãng Ngãi...
6. Tai nạn giao thông:
Theo báo cáo của Ngành công an đến hết tháng 8 năm 2011:
Tai nạn giao thông đường bộ: Toàn tỉnh đã xảy ra 198 vụ, làm chết 207 người, bị thương 115 người. So cùng kỳ số vụ tai nạn tăng 44 vụ, số người chết tăng 46 người, số người bị thương tăng 36 người. Tám tháng đầu năm bình quân mỗi tháng đã xảy ra 25 vụ, làm chết 26 người, bị thương 14 người. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do không làm chủ tốc độ, lấn trái đường, uống rượu say, qua đường thiếu chú ý quan sát... Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ: xảy ra 103.292 vụ, so cùng kỳ tăng 25.040 vụ. Đã xử lý cảnh cáo 4 vụ, tạm giữ phương tiện 11.296 vụ, tước giấy phép lái xe 5.211 vụ, phạt tiền 91.992 vụ với số tiền phạt 32.672 triệu đồng.
Tai nạn giao thông đường thủy: xảy ra 4 vụ, so cùng kỳ giảm 5 vụ, làm chết 4 người, tăng 2 người so cùng kỳ. Vi phạm phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy: xảy ra 15.509 vụ, so cùng kỳ giảm 2.750 vụ. Đã xử lý nhắc nhở buộc cam kết 184 vụ, lập biên bản tạm giữ giấy tờ 4.072 vụ, phạt tiền 11.750 vụ với số tiền phạt 5.720 triệu đồng.
C - CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
Chín tháng đầu năm 2011 kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đạt được một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, quý sau cao hơn quý trước. Chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối quý III tăng chậm lại và có xu hướng giảm dần. Sản xuất một số ngành, lĩnh vực đạt khá, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn như: lạm phát tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do lãi suất tín dụng cao và ảnh hưởng bởi sự tăng giá nguyên liệu đầu vào, đời sống dân cư có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn. Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng các ngành, các cấp tiếp tục chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện những nhóm giải pháp sau:
- Tiếp thực thực hiện chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các hoạt động của tổ chức tín dụng, ngân hàng lành mạnh. Ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Cải thiện các điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất - kinh doanh.
- Về nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn cho cây lúa và các loại trái cây đặc sản gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản đồng thời hình thành vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ xuất khẩu.
- Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng sử dụng các sản phẩm nông, lâm thủy sản. Trong thu hút đầu tư phải chú ý thẩm định chặt chẽ về năng lực tài chính, ngành nghề đầu tư, tác động môi trường của các dự án. Đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng nhưng đạt được hiệu quả trong sản xuất, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
- Cần thu hút và phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Chú trọng khai thác thị trường nội địa, tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu để giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Tiếp tục thực hiện đề án dạy nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thất nghiệp hỗ trợ cho vay để học nghề, tạo việc làm... Cần đầu tư, nâng cấp mở rộng các cơ sở dạy nghề ở các huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân ở các khu, cụm công nghiệp./.

Website Tiền Giang

    Tổng số lượt xem: 1752
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)