Thu hút 98 dự án trong nước với tổng vốn hơn 75.000 tỷ đồng, 13 dự án nước ngoài với tổng vốn hơn 3,745 tỷ USD đã đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư vào đây đang có dấu hiệu chững lại.
|
Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi
|
Chiều 6/12, Đoàn giám sát của Ủy Ban thường vụ Quốc hội do ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, đến nay tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 111 dự án, trong đó có 98 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 75.000 tỷ đồng và 13 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 3,745 tỷ USD.
Tính đến thời điểm này, 67 dự án đã đi vào hoạt động, trong đó có 31 dự án hoạt động tương đối tốt như dự án lọc hóa dầu, dự án công nghiệp Doosan…
Năm 2010 giá trị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất ước đạt 68.000 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Khu kinh tế này ước đạt 81.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 225 triệu USD và thu ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế ước đạt 10.650 tỷ đồng.
Sự phát triển Khu kinh tế Dung Quất đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ngãi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng và đang từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tuy nhiên, trên thực tế trong 2 năm trở lại đây tình hình thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất có dấu hiệu chững lại.
Theo ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân của hiện tượng này là do có sự chồng chéo và khác biệt giữa văn bản quản lý nhà nước về Khu kinh tế; sự thiếu gắn kết giữa các cơ quan quản lý trực tiếp với hệ thống chính quyền xã, huyện và các sở ngành cấp tỉnh; sự đang xen về thẩm quyền trách nhiệm trong quản lý đầu tư, xây dựng đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường, lao động, đô thị…
Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài và hạ tầng tiện ích trong khu kinh tế còn nhiều hạn chế; việc cải thiện môi trường đầu tư còn chậm…
Để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Khu kinh tế Dung Quất xứng tầm là khu kinh tế hàng đầu của cả nước, thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành hàng loạt các Nghị quyết nhằm tháo gỡ “nút thắt” trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, tích cực triển khai các công việc cần thiết cho việc chuẩn bị mở rộng Khu kinh tế Dung Quất gắn với hình thành Khu công nghiệp nặng và Cảng Dung Quất II để tiếp tục thu hút các dự án công nghiệp nặng, dự án quy mô lớn.
Đồng thời từng bước xây dựng mô hình thành phố công nghiệp tại Dung Quất; kiện toàn, củng cố, cải thiện tổ chức bộ máy nhân sự, cơ chế phối hợp đối với các cơ quan quản lý trực tiếp phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới…
Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị một số cơ chế chính sách phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
Thay mặt Đoàn giám sát Quốc hội, ông Mai Xuân Hùng ghi nhận những ý kiến đóng góp tháo gỡ khó khăn cho Khu kinh tế Dung Quất cũng như những kiến nghị của UBND tỉnh và cho biết những vấn đề đặt sẽ được báo cáo, trình cơ quan có thẩm quyền./.
Thế Phong
Cổng thông tin điện tử Chính phủ