(MPI Portal) - Sáng ngày 10/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thời báo Kinh tế Nikkei Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản - Xu hướng đầu tư ra nước ngoài”.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía Nhật Bản có ông Y.Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông K.Osada, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Thời báo Kinh tế Nikkei, đại diện các viện nghiên cứu, các ngân hàng, các doanh nghiệp hàng đầu đến từ Nhật Bản và nhiều diễn giả, đại diện các Bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế Việt Nam tham dự.
|
Ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bày tỏ những khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai nghiêm trọng nhưng Việt Nam vẫn hoàn thành tốt chiến lược phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2001-2010. Vượt lên những khó khăn đó, phần lớn các chỉ tiêu của kinh tế Việt Nam đã hoàn thành với những kết quả to lớn và quan trọng. Trong 10 năm, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện, quy mô của nền kinh tế tăng gấp 3,3 lần so với năm 2000. Từ năm 2008, Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 6,78%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 157 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm 2009 và tăng gấp 5 lần so với năm 2000. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, những thành quả trên đạt được là nhờ có sự đóng góp không nhỏ và hỗ trợ rất quan trọng của cộng đồng quốc tế, trong đó phần đóng góp của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là hết sức to lớn. Năm 2010, vốn vay của Nhật Bản cam kết cho Việt Nam lên tới 1,41 tỷ USD. Năm 2011, cam kết ODA của Nhật Bản cho Việt Nam vay đạt hơn 1,76 tỷ USD. Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn mất mát của Nhật Bản trong vụ thảm họa tháng 3 vừa qua. Nhật Bản đã hứng chịu trận động đất mạnh nhất trong lịch sử, kéo theo sóng thần và khủng hoảngđiệnhạt nhân. Đợt thảm họa này không chỉ gây những thiệt hại lớn về người và của, mà tạo nên những dư chấn về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Nhật Bản. Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để góp phần nhỏ bé cùng bạn bè quốc tế chia sẻ và giúp đỡ nhân dân Nhật Bản vượt qua khó khăn.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Bên cạnh đó, với mong muốn chung tay khắc phục thảm họa, hướng tới một tương lai tươi sáng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những định hướng chính sách thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới. Đây là Hội thảo chính thống tầm quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, phân tích sâu các ảnh hưởng của đợt thảm họa vừa qua đối với nền kinh tế Nhật Bản nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản sau khủng hoảng động đất, sóng thần và điện hạt nhân, từ đó cung cấp cho các nhà đầu tư các thông tin chi tiết về tình hình kinh tế, cũng như các thay đổi trong chính sách đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản sau đợt thảm họa.
|
Ông Y.Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Theo ông Y.Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, sau thảm họa kép tại Nhật Bản, sẽ phát sinh nhiều mảng kinh doanh mới, nhất là ở vùng Đông Bắc - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm hoạ, đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều nhà đầu tư đến hoạt động. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản chủ yếu là lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài là xu hướng rõ rệt trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản hợp tác cùng phát triển. Hội thảo này sẽ là cơ hội cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, các nhà đầu từ trong nước và nước ngoài gặp gỡ, đối thoại và mở rộng hợp tác đầu tư và góp phần quan trọng gắn kết quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư