Ngày 06/10/2011-07:50:00 AM
(MPI Portal) – Chiều ngày 04/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội tại trụ sở UBND Thành phố. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
|
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội tham dự Hội nghị
|
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghe đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thông báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của thành phố Hà Nội, một số vấn đề có liên quan đến chính sách chung và một số kiến nghị cụ thể liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Theo đó, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2011 đã có được những thành quả nhất định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) ước tăng 9,4% (gấp 1,63 lần mức tăng của cả nước, tuy nhiên thấp hơn tốc độ tăng 9 tháng đầu năm 2010 và thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2011).
Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi thường xuyên, Thành phố đã tích cực thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,… nên mức tăng trưởng của Thành phố vẫn duy trì ở mức khá, mặc dù tốc độ tăng không bằng cùng kỳ năm 2010.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thành phố đã dần phục hồi. Chín tháng đầu năm, ước cấp phép mới và điều chỉnh tăng vốn cho 229 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 999,6 triệu USD, gấp 3 lần so với 9 tháng đầu năm 2010. Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 750 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2010. Trong 9 tháng đầu năm, có 12.980 doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập mới, tăng 2,5%, tổng vốn đăng ký trên 95.800 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2010. Các ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2010. Sản xuất nông nghiệp, sản lượng và năng xuất cây trồng và vật nuôi đều tăng. Tổng mức bán buôn và bán lẻ 9 tháng ước tăng từ 22-23,5%. Tổng lượng khách du lịch đến Thành phố 9 tháng đầu năm 2011 giảm 6,2%, nhưng khách quốc tế lại tăng 6,7% so với 9 tháng đầu năm 2010. Xuất khẩu trên địa bàn tăng mạnh, nhập khẩu được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 26,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 18,7%.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại Hội nghị
|
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 với chủ trương, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm 2011; đổi mới mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; tiếp tục xây dựng các công trình hạ tầng khung, phát triển đô thị bền vững, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường quốc phòng địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, nhất là vốn để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, cụ thể là: các dự án nâng cấp quốc lộ 1A (3 dự án); dự án "Xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường hai bên đầu cầu giai đoạn 1"; dự án "Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội khu tái định cư Trường bắn Đồng Doi, huyện Ba Vì"; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ xem xét, hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, dự án Đường 5 kéo dài, dự án Đường vành đai 2 đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng… UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư, bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng phát triển kỹ thuật có quy mô lớn của Thủ đô Hà Nội.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần lượt trao đổi, chia sẻ và cung cấp những thông tin bổ ích, có giá trị liên quan đến các vấn đề được thông báo tại cuộc họp. Thông qua kết quả của cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã thống nhất ghi nhận, đây là một phương thức làm việc thiết thực và có hiệu quả, giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ban, ngành của UBND thành phố Hà Nội có cơ hội tốt để tìm hiểu, trao đổi sâu sát hơn các vấn đề thực tế có liên quan đến các cơ chế chính sách chung cũng như các vấn đề có tính chất đặc thù riêng có của Thành phố Hà Nội, tạo điều kiện tốt để nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách chung phù hợp với thực tế trên phạm vi cả nước nói chung cũng như các cơ chế chính sách có xét đến những đặc thù riêng có của Thủ đô Hà Nội.
|
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “Năm 2012 cũng như thời gian tới, thành phố sẽ tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững…”
|
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị, ngoài việc phối hợp công tác thường xuyên giữa các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ tổ chức các cuộc họp phối hợp giữa lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo UBND Thành phố (dự kiến 6 tháng một lần) để cùng kiểm điểm kết quả phối hợp công tác chung giữa hai cơ quan và tư vấn giải quyết các vấn đề có tính chất đặc thù riêng có trong thực hiện các cơ chế chính sách chung của thành phố Hà Nội./.
Dự kiến một số chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội
- Tốc độ tăng trưởng GDP: 11-12% (Dịch vụ: 10,7-11,6%; Công nghiệp – Xây dựng: 12,5-13,7%; Nông nghiệp: 2,7-3,7%);
- Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn: 15%;
- Thực hiện phổ cập bậc THPT: 84%;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 42-43%; số lao động được tạo việc làm mới: 142.000 người;
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn: 1,5% (còn 4,2%); tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch, duy trì 97%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước đảm bảo vệ sinh đạt 87%;
- Tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%.
|
Đức Trung Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|