Diệt trừ tham nhũng mới xóa được "lời nguyền khoáng sản" vốn ám ảnh các quốc gia giàu tài nguyên nhưng nghèo đói và bất ổn xã hội luôn đeo bám. Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 9 với chủ đề "Phòng chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản" diễn ra tại Hà Nội ngày 25/5 nhằm tìm lời giải cho vấn đề này.
|
Quang cảnhbuổiĐối thoại
|
Đối thoại do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức, có sự tham gia của nhiều nhà tài trợ quốc tế.
8 tồn tại có thể dẫn đến tham nhũng
TS. Trịnh Xuân Bền - Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chỉ ra 8 tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản có thể dẫn đến tham nhũng. Đó là, nhiều quy định trong Luật Khoáng sản không còn phù hợp thực tế; cấp phép hoạt động mang nặng tính xin - cho; chưa có Chiến lược phát triển ngành khai khoáng; phân cấp thẩm quyền cấp phép chưa hợp lý; nhiều quy hoạch không còn phù hợp; dự án chế biến sâu, sử dụng công nghệ cao chưa nhiều; thất thoát nguồn thu vì chưa thu phí chuyển nhượng quyền khai thác; thanh tra chưa đủ mạnh.
Quy trình cấp phép hoạt động khoáng sản qua nhiều khâu, nhiều thủ tục có thể phát sinh nhiều tham nhũng. Ông Bền dẫn chứng, một doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp phép thăm dò khoáng sản mà cần tới 26 con dấu, bởi phải xin phép đủ các Bộ, ngành, địa phương.
Hay sai phạm trong quản lý khoáng sản còn bởi việc phân cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản chưa phù hợp với năng lực địa phương. Theo quy định, UBND cấp tỉnh được cấp phép các mỏ phân tán, nhỏ lẻ, có mỏ không cần thăm dò đánh giá trữ lượng. Đó là điều kiện nảy nở mạnh mẽ cơ chế xin - cho mỏ khoáng sản. "Chỉ trong 5 năm 2005-2009, các địa phương đã cấp 4000 giấy phép khai thác các loại, gấp gần 10 lần số giấy phép do Trung ương cấp", ông Bền nói.
Thực tế qua thanh kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đã tổng hợp nhiều sai phạm, sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản. Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, sai phạm xuất hiện từ việc ban hành văn bản đến cấp phép, từ khai thác đến quản lý môi trường trong khai thác. Những sai phạm này có thể do nguyên nhân khách quan, do những yếu kém trong quản lý hoặc do sự cố tình làm sai để hưởng lợi… đều vẽ ra một con đường chung đến tham nhũng.
Minh bạch hóa thông tin, tăng trách nhiệm giải trình
Các nhà tài trợ quốc gia tham dự Đối thoại đều cho rằng, việc minhbạch hóa thông tin là điều kiện cần thiết để diệt trừ tham nhũng. Những sửa đổi trong Luật Khoáng sản có hiệu lực từ 1/7 tới cũng hướng đến sự công bằng, minh bạch hóa trong hoạt động khoáng sản.
Điểm mới nổi bật của Luật này là thể chế hóa quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc này tạo công bằng cho các doanh nghiệp, chọn được nhà đầu tư cho năng lực và quan trọng hơn Nhà nước thu được nguồn thu thích đáng từ tài nguyên.
Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom cho rằng, cần minh bạch tới dân về nguồn thu hoạt động khoáng sản. Công dân, báo chí, các tổ chức xã hội dân sự có khả năng kiểm tra việc thu thuế, giải ngân và đầu tư từ nguồn thu này, giúp tăng trách nhiệm giải trình của các đối tượng có liên quan.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đặt vấn đề thực thi nghiêm túc những những điều khoản minh bạch hóa đã được quy định trong Luật.
Một số quốc gia chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu tham nhũng trong quản lý, khai thác khoáng sản bằng cách áp dụng Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI).
EITI yêu cầu các công ty khai khoáng công khai các khoản chi cho chính phủ và ngược lại, yêu cầu chính phủ công khai nguồn thu mà chính phủ nhận được từ các công ty khai khoáng; đồng thời yêu cầu một cơ quan quản trị độc lập nhằm đối chiếu các số liệu thu được, cơ quan này được quản lý và giám sát bởi một ủy ban đa đối tượng.
Minh bạch giúp cho việc quản lý, sử dụng nguồn "tài sản" không vô tận này thực sự hữu hiệu cho sự phát triển của mỗi quốc gia./.
Nhật Tân
Cổng thông tin điện tử Chính phủ