Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia (BoM), kinh tế nước này tăng trưởng 4% trong quý 2 vừa qua, giảm so với 4,6% của quý trước đó và 8,9% trong cùng kỳ năm ngoái.
Đây là quý thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kinh tế của Malaysia giảm và là mức tăng thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài giảm mạnh và chính phủ hạn chế chi tiêu.
Tuy nhiên, Thống đốc BoM Zeti Akhtar nhận định kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng ít nhất 5% vào cuối năm, trong khi chính phủ giữ nguyên dự báo tăng trưởng 5-6% trong cả năm. Những nền tảng kinh tế cơ bản của đất nước vẫn tương đối vững chắc, với mức tăng trưởng 5% trong tiêu dùng nội địa, tỷ lệ thất nghiệp thấp và nợ chỉ ở mức 2% GDP.
Trong quý 2, vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 4 tỷ ringgit (1,33 tỷ USD) lên 6,2 tỷ ringgit (2,07 tỷ USD), nhờ môi trường đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước lại giảm so với quý trước, do chi tiêu công giảm từ 8,9% GDP xuống còn 4%. Trong khi đó, tiêu dùng khu vực tư nhân vẫn ở mức 6,4% GDP so với 6,7% trong quý 1 năm nay.
Trong năm 2010, kinh tế Malaysia đạt mức tăng trưởng 7,2%, sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm nay đã bị ảnh hưởng của khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro và những lo ngại về sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể đang sút kém.
Trong những tuần gần đây, lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trưởng cổ phiếu cũng giảm sút sau khi Standard & Poor hạ mức xếp hạng tín dụng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và khủng hoảng nợ ở châu Âu đe dọa leo thang.
Trước lo ngại kinh tế toàn cầu ngày càng suy thoái, BoM sẽ phải nỗ lực đấu tranh chống lạm phát, trong khi hỗ trợ hoạt động kinh tế thông qua chính sách lãi suất. Lạm phát trong tháng Bảy của Malaysia là 3,4%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2009 và sáu tháng đầu năm là 3,3%.
Theo bà Zeti, mức lãi suất qua đêm 3% vẫn khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế của Malaysia chậm hơn, BoM chỉ tăng lãi suất cho vay một lần trong năm nay, so với ba lần tăng trong năm ngoái./.