Các đại biểu tham dự Hội thảo kinh tế Việt - Pháp diễn ra chiều 17/9 trong khuôn khổ Hội báo Nhân đạo Pháp tại Paris, Pháp nhất trí cho rằng hiện nay, Pháp là một trong các nước đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu nhưng những thành quả hợp tác kinh tế Việt - Pháp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của cả hai nước.
|
Công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn do vốn đầu tư của thành phố và vốn ODA thông qua Cơ quan Phát triển Pháp - (AFD)
|
Hội thảo được tổ chức theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm bắc thêm một chiếc cầu cho sự phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và công nghiệp giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương của hai nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho biết tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước tăng từ 709 triệu euro năm 2000 lên hơn 2 tỷ euro năm 2010 với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 13%/năm.
Theo ông, mặc dù hiện nay kinh tế hai nước đang gặp khó khăn do chịu tác động không nhỏ của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng quan hệ thương mại song phương Việt-Pháp sẽ vẫn tiếp tục phát triển. Dự báo kim ngạch 2011 có thể đạt 2,4 tỷ euro, tăng 20% so với năm 2010.
Nước Pháp cũng đã và đang xuất khẩu sang Việt Nam ngày càng nhiều sản phẩm đặc trưng có chất lượng cao. Hầu hết các sản phẩm của Pháp xuất khẩu sang Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và nhờ đó sẽ tiếp tục tăng kim ngạch mạnh mẽ trong những năm tới.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các tập đoàn và doanh nghiệp Pháp đã và đang đóng một vai trò đáng kể đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp, như Tập đoàn dầu khí Total của Pháp, một trong những Tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm nay và đang tham gia một số hợp đồng có giá trị lớn nhằm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam; các ngân hàng BNP Paribas và Calyon cam kết cung cấp 2,5 tỷ USD và 1 tỷ USD tín dụng cho một số dự án dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015…
Nhất là trong 10 năm trở lại đây, Pháp cũng có các dự án ODA khác hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), như dự án điện khí hóa nông thôn miền Nam, sử dụng 19 triệu euro vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp (AFD)…
Nhìn chung, các dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Pháp đều khá hiệu quả và đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển hệ thống điện Việt Nam.
Ông Nam Hải cho biết Bộ Công Thương Việt Nam đánh giá cao chất lượng thiết bị, dịch vụ, năng lực quản lý, tư vấn, tiềm lực vốn và sự quan tâm của các đối tác Pháp đối với sự phát triển điện lực Việt Nam.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững nhấn mạnh sự cần thiết hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực.
Ông cho biết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gồm 500.000 doanh nghiệp hoạt động dưới luật doanh nghiệp và luôn hướng tới việc thực hiện mục tiêu này và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp bền vững và những giá trị cùng nhau chia sẻ đó là “tự do, bình đẳng và bắc ái” đồng thời tạo nhiều việc làm cho người dân.
Trả lời các câu hỏi của các vị khách mới về những mong chờ của Việt Nam đối với Pháp và những biện pháp hữu hiệu cần triển khai trong thời gian tới để khai thác tiềm năng của hai nước và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhằm đối với nền kinh tế hai nước, cũng như quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, cho biết đây là một câu hỏi mang tính tổng thể đối với quan hệ Việt - Pháp.
Theo ông ngoài những cơ chế của sự hợp tác đã được thiết lập cũng như 15 hiệp định và văn bản hợp tác đã được ký kết, hai nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược và cùng nhau tìm ra những lĩnh vực hợp tác ưu tiên, đặc biệt chú ý đến việc phát triển hợp tác phân vùng.
Một số bạn bè Pháp cho rằng muốn phát triển tốt hợp tác phân vùng như đào tạo ở Bordeau, Toulouse… hay các dự án đô thị hóa ở Việt Nam cần phải xây dựng đội ngũ đại biểu dân cử cấp địa phương.
Đây là đội ngũ cán bộ có cái nhìn và những đóng góp rất cụ thể cho việc xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt trong tương lai./.
Lê Hà - Phương Nam
Vietnam+