Ngày 22/08/2011-09:16:00 AM
(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Đại hội Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) lần thứ 8, chiều ngày 19/8/2011, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới hội nhập và phát triển bền vững” hưởng ứng những tiêu chí của UNESCO góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đóng góp cho các mục tiêu hợp tác đầu tư và phát triển.
Tham dự buổi Tọa đàm có ông George Christophides, Chủ tịch WFUCA, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Eurocham Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các cơ quan Bộ, ngành, các nhà đầu tư, đại biểu quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
|
Ông George Christophides, chủ tịch WFUCA, phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc, ông George Christophides, Chủ tịch WFUCA, nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng đối với Liên hiệp UNESCO Việt Nam, là một trong những hoạt động quốc tế lớn quảng bá nền văn hóa và hình ảnh đất nước, con người và môi trường đầu tư của Việt Nam với bạn bè, nhà đầu tư quốc tế. Tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu thông tin về các doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức tham dự. Tọa đàm được chia làm ba phiên thảo luận, đó là: Nền tảng cho hội nhập và phát triển bền vững; thu hút đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội và các phương thức huy động vốn tiềm năng.
Mở đầu phiên thứ nhất, đại diện cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trình bày tình hình và chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay ở Việt Nam. Ông Cường cho biết, GDP năm 2010 tăng 6,78% so với cùng kỳ năm 2009, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,7%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, giá trị ngành xây dựng tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, rủi ro và bất ổn, giá cả các mặt hàng tăng mạnh cộng thêm với tình trạng nợ công ở các quốc gia. Ở Việt Nam, tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất tăng vượt mức 14%, tỷ giá hối đoái bất ổn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh doanh và sản xuất, nông nghiệp đối mặt với tình trạng dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6 tăng 13,3% so với tháng 12 năm 2010, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2010, tình trạng nhập siêu, thâm hụt ngân sách nhà nước vẫn nghiêm trọng. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, áp dụng các chính sách tài chính - tiền tệ thận trọng, giảm chi tiêu vượt mức, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, giảm thâm hụt thương mại và tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm này cũng đã đạt được một số kết quả khả quan, GDP tăng 5,57% so với năm 2010. Ước tính 6 tháng cuối năm nay, tăng trưởng GDP đạt 6%, lạm phát được kiểm soát ở mức từ 15-17%, giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP. Thu hút FDI tính đến tháng 6 năm 2011 đạt 201,8 tỷ USD về tổng số vốn đầu tư đăng ký và 12.911 dự án, trong đó 7.624 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp, chế biến sản xuất với 98,5 tỷ USD, 361 dự án đầu tư vào ngành bất động sản và dịch vụ với 48,2 tỷ USD.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông vận tải, kinh tế Việt Nam năm 2010 đã thể hiện được khả năng phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính vốn đã kéo theo những biến động kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP tăng trong ba quý liên tiếp, đặc biệt trong quý 3. Vì vậy, mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015 sẽ là phát triển nhanh và bền vững dựa trên việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cải thiện chất lượng, tính hiệu quả và hội nhập kinh tế quốc tế; tạo dựng nền tảng thúc đẩy Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020; tăng cao tính khoa học và công nghệ trong sản phẩm; cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo và phát triển hơn nữa nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt đối với bộ phận dân cư dễ bị tổn thương; tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu; duy trì ổn định chính chị, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội.
|
Tọa đàm “ Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới hội nhập và phát triển bền vững”. Ảnh: Đức Trung
(MPI Portal)
|
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã nghe Tiến sỹ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch VACD, trình bày các phương thức huy động vốn tiềm năng, nâng cao năng lực Quản trị doanh nghiệp, yếu tố then chốt để hội nhập và phát triển bền vững. Qua đó, Tọa đàm lần này cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân và công ty nước ngoài gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, hiểu rõ hơn về môi trường, chính sách đầu tư của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, y tế, giáo dục, các kênh đầu tư vốn hay hợp tác công tư…. Thông qua Tọa đàm, các doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức có dịp giới thiệu các dự án, sản phẩm và dịch vụ, đồng thời kêu gọi đầu tư và hợp tác vào các dự án, sản phẩm truyền thống, tiếp cận và trao đổi, qua đó tăng cường hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước./.
UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn nhất của Liên hợp quốc (LHQ),gồm 190 nước tham gia với tư cách là thành viên chính thức và 6 vùng lãnh thổ là thành viên liên kết. Ngoài ra, UNESCO còn có quan hệ với các tổ chức thuộc hệ thống LHQ và tổ chức phi chính phủ quốc tế.
UNESCO hoạt động với tôn chỉ "Góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm bảo đảm sự tôn trọng của tất cả cá các nước về công lý, pháp luật, nhân quyền".
UNESCO - chính là tổ chức đã xếp hạng Huế, Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha và gần đây là Thành nhà Hồ của Việt Nam là “Di sản văn hoá” của thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam cũng được UNESCO tôn vinh là “Nhà yêu nước kiệt xuất và Danh nhân Văn hoá thế giới”
|
Mai Phương Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|