Các chính đảng tại Hy Lạp lại hoãn đàm phán về điều kiện của gói cứu trợ thứ hai từ ngày 7/2 sang ngày 8/2 (giờ châu Âu), bất chấp các quan chức châu Âu cảnh báo khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ không còn tên Hy Lạp.
Nguyên nhân của quyết định trên cũng giống như sự trì hoãn một ngày trước là lãnh đạo các đảng không có thời gian để xem xét các điều kiện của gói cứu trợ, khi nửa giờ trước khi cuộc họp bắt đầu vào ngày 7/2, họ vẫn chưa nhận được dự thảo thỏa thuận.
Lãnh đạo đảng cực hữu LAOS George Karatzaferis nói lãnh đạo các đảng không thể chỉ đơn giản trả lời "có" hoặc "không," trừ phi các quan chức hữu quan đảm bảo rằng các điều kiện đó là hợp hiến và sẽ đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng.
Sự do dự của chính giới Hy Lạp trong việc chấp nhận các biện pháp khắc khổ mới mà các nhà tài trợ yêu cầu xuất phát từ lo ngại chất lượng cuộc sống của nhiều người dân nước này sẽ giảm mạnh.
Trong khi đó, nhiều quan chức châu Âu đang nhắc tới việc để Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng việc để nước này ra khỏi Eurozone vào lúc này là ít rủi ro hơn so với thời điểm giữa năm 2010, khi quy mô khủng hoảng nợ ở khu vực đã trở nên rõ ràng.
Ông nói các nước châu Âu muốn Hy Lạp ở lại liên minh tiền tệ, song với điều kiện nước này phải thực hiện những gì đã cam kết.
Trong khi đó, Cao ủy của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề kinh tế kỹ thuật số, Neelie Kroes, nói bà không ủng hộ việc Athens quay trở lại với đồng drachma, song việc nước này ra khỏi liên minh tiền tệ cũng không phải một thảm họa.
Theo người đứng đầu Trung tâm chính sách châu Âu, Hans Martens, tình hình hiện nay đã tốt hơn nhiều một năm trước, khi Italy và Tây Ban Nha đã liên tục có các đợt phát hành trái phiếu thành công trong những tuần gần đây. Do đó, một Eurozone không có Hy Lạp là một kịch bản có thể chấp nhận.
Khi đàm phán với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Paris ngày 6/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây thêm sức ép đối với Hy Lạp khi nói nước này sẽ không nhận được thêm viện trợ từ EU cho đến khi đạt được một thỏa thuận với EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế về việc cắt giảm chi tiêu hơn nữa cũng như tiến hành các cải cách cần thiết.
Hồi tháng 11/2010, hai nhà lãnh đạo này cũng đã công khai đề cập đến việc khai trừ Hy Lạp khỏi Eurozone, khi cho rằng việc bác bỏ các điều kiện cứu trợ cũng đồng nghĩa với sự cự tuyệt đồng euro.
Mặc dù vậy, trước làn sóng biểu tình tại Hy Lạp để chống lại các biện pháp khắc khổ, bà Merkel đã phải xoa dịu tình hình khi nói việc buộc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường./.