Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/09/2011-09:48:00 AM
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng thấp nhất trong 13 tháng qua
Tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại và là tháng có CPI tăng thấp nhất so với 13 tháng qua.

CPI qua các tháng (Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2011 tăng 0,82% so với tháng 8, tăng 16,63% so với tháng 12/2010 và tăng 22,42% so với tháng 9/2010 (bình quân 9 tháng 2011 tăng 18,16% so với cùng kỳ năm trước).
Như vậy, tháng 9 có CPI tăng thấp nhất so với 13 tháng qua.
Việc tăng chậm lại của CPI được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do kinh tế vĩ mô đã qua thời kỳ khó khăn nhất, đã có dấu hiệu khá lên.
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục cao lên qua các quý (quý I tăng 5,43%, quý II tăng 5,71% nên 6 tháng tăng 5,57%, quý III ước tính tăng 6,14% nên 9 tháng ước tăng 5,76%).
Tỷ giá cơ bản ổn định. Lượng ngoại tệ mua được lớn góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Xuất khẩu tăng cao, đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay; nhập siêu vừa giảm sản phẩm so với cùng kỳ năm trước, vừa thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch năm nay cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu,... Có nguyên nhân do sản lượng lương thực có hạt năm nay đạt mức cao nhất từ trước tới nay, nhờ được mùa ở cả 2 vụ lúa đông xuân, lúa hè thu và triển vọng được mùa ở cả vụ lúa mùa, được mùa ở 2 châu thổ lớn nhất nước là Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhờ vậy, giá lương thực đã tăng thấp hơn tốc độ chung hoặc giảm trong những tháng gần đây (tháng 5 tăng 1,77%, tháng 6 tăng 0,33%, tháng 7 giảm 0,88%, tháng 8 tăng 0,46%, tháng 9 tăng 1,53% chủ yếu do giá xuất khẩu tăng). Giá thực phẩm sau khi tăng cao trong những tháng trước, vài tháng nay đã tăng chậm lại và giảm (tháng 5 tăng 3,53%, tháng 6 tăng 2,47%, tháng 7 tăng 3,2%, tháng 8 tăng 1,55%, tháng 9 giảm 0,28%).
Có nguyên nhân do tốc độ tăng tín dụng và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán 7 tháng đầu năm thấp, tháng 8 tăng cao hơn, nhưng so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (tương ứng là 20% và 15- 16%) vẫn còn thấp, tạo khả năng cho việc rút chỉ tiêu của cả năm xuống nữa để thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát.
Có nguyên nhân do đầu tư và tiêu dùng “co” lại. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm cả về tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội và nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm về lượng tuyệt đối.
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vừa thấp xa so với năm trước, vừa giảm nhanh qua các tháng của năm nay.
CPI tính theo năm của tháng 9 cũng chậm lại so với đỉnh điểm của tháng 8 (22,42% so với 23,02%).
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan với lạm phát.
Về mặt con số, sau 9 tháng CPI đã tăng 16,63%. So với chỉ tiêu điều chỉnh lạm phát gần đây là thì “dư địa” CPI trong 3 tháng còn lại rất nhỏ. Từ nay đến cuối năm cũng có một số yếu tố gây sức ép với lạm phát. Nhu cầu đầu tư và tiêu dùng vào cuối năm thường tăng và cao hơn so với các tháng khác trong năm. “Dư địa” chỉ tiêu- tốc độ tăng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán còn nhiều và thường tăng cao hơn trong các tháng cuối năm.
Dư nợ tín dụng ngoại tệ cao trong những tháng qua có thể đáo hạn vào thời gian tới, cộng hưởng với nhu cầu nhập khẩu cuối năm, tạo sức ép lên tỷ giá. Diễn biến thời tiết, sâu bệnh còn phức tạp, khó lường. Giá vàng diễn biến phức tạp…
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 963
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)