Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, tới đây, Việt Nam sẽ chuyển từ chiến lược thu hút FDI thiên về số lượng sang chú trọng hơn về chất lượng, tập trung vào tác động của FDI đến nền kinh tế nội địa.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đặng Huy Đông
|
Quan điểm của ông như thế nào về những yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý FDI của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 1617/CT-TTg?
Trước hết phải khẳng định, những thành tựu, đóng góp của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua là không thể phủ nhận. Những khiếm khuyết đã bộc lộ của FDI không phải là sai sót của quá khứ. Bởi, chúng ta cần nhìn nhận khách quan trong bối cảnh lịch sử, khi Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ đầu tư thế giới, thu nhập bình quân đầu người mới 300-400 USD/năm, khi nguồn vốn cho đầu tư phát triển và quy mô nền kinh tế còn nhỏ… Khi đó, chính nhờ sự đóng góp kịp thời của nguồn vốn FDI trong mọi lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Chính vì vậy, quan điểm của tôi là không công bằng nếu bình luận rằng, chúng ta đã phải trả giá vì trải thảm đỏ cho FDI trong bối cảnh đó.
Quan trọng là, bây giờ chúng ta nhìn vào quá khứ để đánh giá, xem xét các vấn đề liên quan đến FDI trong bối cảnh mới để có chính sách thu hút, sử dụng và quản lý FDI phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Đó là quy mô nền kinh tế lớn hơn, hội nhập quốc tế đã tốt hơn, khi khả năng kết nối toàn cầu, khu vực cũng như các điều kiện nhân lực của Việt Nam cũng đã thay đổi tích cực trong khi nguồn tài nguyên đất đai đã bị thu hẹp sau quá trình phát triển vừa qua. Cách làm mới không đồng nghĩa với phủ nhận quá khứ, mà chỉ là thể hiện đúng với bối cảnh hiện tại.
Cụ thể là thế nào, thưa Thứ trưởng? Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã giao rất nhiều nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có việc hoàn thành Đề án Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI giai đoạn 2011 - 2020…
Đây là giai đoạn Việt Nam buộc phải lựa chọn khi tiếp nhận FDI. Không chỉ bởi những thay đổi nội tại của nền kinh tế, mà từ cả những chuyển dịch mới trong khu vực và thế giới. Chúng ta phải căn cứ vào phân công lao động của khu vực, của thế giới, căn cứ vào quá trình tái cấu trúc kinh tế toàn cầu… để lựa chọn thu hút FDI vào các lĩnh vực thích hợp.
Đơn cử như khi Trung Quốc nâng mức lương tối thiểu, một loạt ngành công nghiệp thâm dụng lao động tràn ra bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Việc tiếp nhận dòng đầu tư này thế nào là cả một vấn đề phải cân nhắc cẩn trọng. Đó là chưa kể tới sự thu hẹp của đất đai, tài nguyên, các yêu cầu khắt khe mới về môi trường, công nghệ…
Tất cả những điều này buộc chúng ta phải tính toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI.
Khi ta bước lên một nấc thang giá trị cao hơn, sẽ tiếp tục có những chuyển dịch. Cái đích mà chúng ta hướng tới đúng là các dự án công nghệ cao, nhưng đó là đích xa, không phải ngày một ngày hai có được.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là nền tảng quan trọng để chúng ta nâng chất cho dòng vốn FDI. Cũng phải nói thêm là nhiều phần việc được giao trong Chỉ thị đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang hành động rốt ráo.
Thưa Thứ trưởng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất?
Chúng ta sẽ phải phân loại cụ thể để có chính sách riêng phù hợp với từng lĩnh vực, thay vì thu hút đầu tư đại trà như trước. Chính sách này sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc cân đối, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nguyên tắc là ai tạo được nhiều việc làm, ai tạo được nhiều đóng góp cho xã hội, cho đất nước Việt Nam sẽ được chọn.
Có một điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là gần đây, dư luận nhắc nhiều tới việc dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang chậm lại. Để đánh giá, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhưng theo tôi, đây chính là cơ hội để “dọn dẹp nhà cửa” đón khách. Thời gian từ nay tới hết năm 2012, chúng ta phải chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về ách tắc giao thông, đường, cảng, tình trạng thiếu điện, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chất lượng lao động... Khi đó, dòng vốn FDI chất lượng cao hơn, có sức lan tỏa tốt tới nền kinh tế Việt Nam sẽ đến./.