Theo số liệu được công bố trong buổi họp báo Chính phủ tháng 7/2011, điểm sáng của nền kinh tế đó là xuất khẩu tăng vọt, nhập siêu giảm.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 8,4 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2011 ước đạt 51,46 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%).
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2011 ước khoảng 8,6 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2011 ước đạt 58,1 tỷ USD, tăng khoảng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập siêu tháng 7 khoảng 0,2 tỷ USD, bằng xấp xỉ 2,4% kim ngạch nhập khẩu. Đây là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. Tính chung nhập siêu 7 tháng năm 2011 khoảng 6,64 tỷ USD, bằng 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tỷ lệ nhập siêu đã có xu hướng giảm, nhập siêu 7 tháng/2011 thấp hơn chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết 11 của Chính phủ (không quá 16%).
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng vừa công bố trong tháng 7, chỉ có thêm 49 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp chứng nhận đầu tư, thấp nhất trong khoảng 6 tháng gần đây, nhưng số vốn đăng ký mới tăng tới 3,23 tỷ USD.
Điểm đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư nước ngoài tháng 7 là mức giải ngân vốn FDI đã đạt khoảng 1 tỷ USD, gần theo kịp tháng giải ngân cao nhất của năm nay tính đến thời điểm này. Diễn biến này đã ngăn chặn xu hướng giảm vốn FDI giải ngân, mối quan ngại của 2 tháng trước đó.
Như vậy, nếu tính chung 7 tháng đầu năm 2011, giải ngân vốn FDI đã đạt 6,3 tỷ USD, chỉ còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1,6%. Cùng với nhập siêu thu hẹp trong 2 tháng nay, con số giải ngân vốn FDI tại tháng này cho thấy cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục được hỗ trợ.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho rằng năm nay, số vốn thu hút FDI có thể sẽ không ấn tượng như những năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu này không phải ưu tiên hàng đầu. Vấn đề quan trọng là lượng vốn FDI giải ngân trong những tháng còn lại của năm. Lượng vốn này sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định cán cân thanh toán thương mại tổng thể cũng như giúp giảm sức ép lên chính sách tài chính tiền tệ những tháng cuối năm.
Vũ Trọng
Cỏng thông tin điện tử Chính phủ