Ngày 15/12, Liên hợp quốc đã công bố các định hướng chính sách nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển nền kinh tế không bền vững về môi trường hiện nay sang nền kinh tế xanh ở cả cấp quốc gia lẫn quốc tế.
Nhóm quản lý môi trường (EMG) của Liên hợp quốc gồm các cơ quan Liên hợp quốc, các cơ quan phi chính phủ về phát triển nguồn nhân lực và xã hội cũng như các thể chế tài chính Bretton Woods, gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã nhấn mạnh nền kinh tế xanh phải là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm, trong đó chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng sẽ thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Các định hướng chính sách này yêu cầu đầu tư không chỉ vào công nghệ sạch và nguồn vốn tự nhiên mà còn vào các nguồn vốn xã hội và con người, bao gồm giáo dục, y tế, phát triển văn hoá và bảo vệ xã hội nhằm cải thiện cuộc sống của nhiều tỷ người trên hành tinh.
Các định hướng chính sách này thừa nhận những khiếm khuyết của đường lối kinh tế trong 2 thập kỷ qua và nêu bật nhu cầu thúc đẩy chính sách hoà nhập hơn giữa các quốc gia và quốc tế cũng như đầu tư mũi nhọn vào các lĩnh vực môi trường, kinh tế và xã hội.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh định hướng chính sách mới đã nêu rõ phương thức thế giới có thể và phải vượt qua các thách thức phát triển trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh như là một phần trong các mô hình hội nhập phát triển tập trung vào phúc lợi của con người và xoá đói giảm nghèo. Chính phủ cần đổi mới luật pháp, quy chế, tiêu chuẩn, thuế, thương hiệu, các yêu cầu báo cáo… để khuyến khích các nguồn tài chính và đầu tư hướng vào kinh doanh có trách nhiệm và nền kinh tế xanh.
WB đánh giá nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xanh như xây dựng, năng lượng, vận tải ở các nước đang phát triển có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu.
EMG liệt kê 14 sáng kiến được các cơ quan Liên hợp quốc thúc đẩy hướng tới nền kinh tế xanh như Nông nghiệp thông minh với khí hậu (FAO phát động), Đầu tư công nghệ sạch (WB), Việc làm xanh (ILO), Kinh tế xanh (UNEP), Giáo dục vì phát triển bền vững (UNESCO), Xanh hoá khu vực y tế (WHO), Thị trường công nghệ xanh (WIPO), Tiêu chuẩn công nghệ thông tin xanh (ITU), Giải pháp năng lượng xanh (UN WTO), Sản xuất sạch hơn và hiệu quả nguồn tài nguyên (UNEP và UNIDO), Các thành phố và biến đổi khí hậu (UN-HABITAT), Tái chế tàu biển (IMO),… Các cơ quan Liên hợp quốc, các thể chế Bretton Woods và các cơ quan liên chính phủ có thể hỗ trợ mạnh mẽ tiến trình hướng tới nền kinh tế xanh cân bằng và phổ quát ở các nước thành viên Liên hợp quốc./.