(MPI Portal) - Nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Italia và giới thiệu chương trình hỗ trợ vốn của Chính phủ Italia cho các liên doanh giữa doanh nghiệp Italia và Việt Nam, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Italia tổ chức Hội thảo quốc tế “Vốn hỗ trợ cho các liên doanh giữa các doanh nghiệp Italia và Việt Nam: Hình thức hợp tác công tư - giải pháp cho sự phát triển”.
Tham dự Hội thảo có ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Lorenzo Angeloni, Đại sứ Italia tại Việt Nam cùng nhiều cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, đầu tư với các doanh nghiệp Italia, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường và thảo luận về các xu hướng phát triển trong từng ngành, lĩnh vực có thể hợp tác như: các dịch vụ công liên quan đến năng lượng, viễn thông, giao thông, nước và chất thải; nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thức ăn và thủy sản; thủ công mỹ nghệ; tài chính vi mô, hội chợ thương mại, du lịch, bảo vệ các di sản văn hóa và môi trường.
|
Ông Francovigh, Bí thư thứ nhất, Tùy viên thương mại Italia. Ảnh: Lê Tiên (Báo Đấu thầu)
|
Ông Francovigh, Bí thư thứ nhất, Tùy viên thương mại Italia đã có bài trình bày tổng quan về kinh tế của Italia tại Hội thảo.
Ông Massimiliano Bertollo, Điều phối viên chương trình trình bày về chương trình hỗ trợ vốn vay cho các liên doanh giữa các doanh nghiệp Italia và Việt Nam. Bài trình bày nêu rõ, hợp tác phát triển được thực thi theo Bộ luật 49/87, ngày 26 tháng 2 năm 1987. Người thụ hưởng của Bộ luật này là các doanh nghiệp Italia thiết lập các doanh nghiệp liên doanh mới (hoặc mở rộng những doanh nghiệp đã có) tại các nước đang phát triển. Các công ty liên doanh sẽ hoạt động trong những lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ công, tài chính vi mô và môi trường và một số lĩnh vực khác. Tới tháng 11 năm 2009, Điều 7 của Bộ luật này đã được cải cách mở rộng nhiều lĩnh vực hơn và quá trình thực hiện dễ hơn. Theo Điều 7 của Bộ luật 49/87, vốn vay ưu đãi nhằm: tạo các đối tác công tư để xúc tiến phát triển bền vững và trọn vẹn (bao gồm cả xóa đói, giảm nghèo); hỗ trợ tạo việc làm và giá trị gia tăng ở địa phương được kết hợp với các hoạt động khác trong khuôn khổ Bộ luật 49/87; huy động các nguồn lực tài chính bổ sung, năng lực, đóng góp có giá trị của các công ty Italia cho sự phát triển. Theo Điều 7, tổng ngân sách cho năm 2010 – 2013 là 100 triệu Euro. Việt Nam là một trong nhiều nước được lựa chọn để hưởng các ưu đãi từ điều luật này. Theo thủ tục phê duyệt và phác thảo chương trình tài trợ, các doanh nghiệp Italia sẽ phải đệ trình yêu cầu hỗ trợ tín dụng lên Bộ Ngoại Giao Italia - Tổng Cục Hợp tác Phát triển (MAE – DGCS): MAE – DGCS triển khai đánh giá kỹ thuật – kinh tế đối với dự án đệ trình và chuyển hồ sơ cho Italian Agent Bank (Công ty Cổ phần Artigiancassa). Công ty Artigiancassa triển khai việc đánh giá tài chính đối với doanh nghiệp Italia và chuyển vốn đến doanh nghiệp Italia sau khi đã được một Ủy ban liên ngành thông qua (Ban Giám đốc Phát triển Italia).
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Lê Tiên (Báo Đấu thầu)
|
Tại Việt Nam, mô hình hỗ trợ tín dụng này đã được áp dụng thành công với sự ra đời của Liên doanh giữa công ty PanaPesca của Italia và công ty Indochine Eximfood Corp. của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến hải sản ở Vũng Tàu. Tổng số vốn của liên doanh này lên tới 1,85 triệu USD (tương đương 1,293 triệu Euro), trong đó, PanaPesca góp 75%, phần còn lại thuộc về Indochine Eximfood Corp. Liên doanh được nhận khoản vay ưu đãi trên 600 nghìn Euro. Hiện nay, mô hình đang được nhân rộng với hai dự án mới là IMOLA và Mỹ Sơn liên quan đến du lịch bền vững và thủy sản.
Kết thúc Hội thảo, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Italia đã dành nhiều thời gian trả lời những thắc mắc của các đại biểu đến từ các doanh nghiệp./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư