Ngày 28/6, phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng 12 tỉnh, thành phố cụm đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tại thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) thành phố Hà Nội khẳng định vai trò quan trọng của Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh trong công tác phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí. Bước đầu, các đơn vị này đã phối hợp với Thanh tra Nhà nước, các đơn vị tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo để xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo, từ đó có những kiến nghị, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật...
|
Toàn cảnh hội nghị
|
Tuy nhiên, theo ông Thảo, công tác PCTN của thành phố Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật PCTN, Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố… như chưa xác định rõ lĩnh vực, khâu dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để có biện pháp phòng ngừa cụ thể gắn với nhiệm vụ của đơn vị; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ở một số đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà nhất là trong các khâu làm thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; thẩm định hồ sơ dự án; duyệt quyết toán…
Đồng quan điểm trên, từ thực tiễn kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN ở địa phương mình, ông Nguyễn Hữu Diệp, Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quyết liệt, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; còn có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, chưa chấp hành nghiêm túc, đầy đủ cac quy định của pháp luật về PCTN. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, HĐND, MTTQ, các tổ chức thành viên và quần chúng nhân dân đối với công tác PCTN chưa được quan tâm đúng mức...
Nhân dịp này, Hội nghị kiến nghị Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật PCTN và các Thông tư hướng dẫn còn thiếu hoặc đã có nhưng trong quá trình thực hiện hiệu quả chưa cao, như: Quy định về xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng... Đồng thời, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cần tăng cường đào tạo, tập huấn về công tác PCTN cho cán bộ trực tiếp làm công tác này, nhất là các kỹ năng xử lý nghiệp vụ; tạo điều kiện để các tỉnh và thành phố hợp tác trao đổi kinh nghiệp về công tác PCTN...
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TW đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN của 12 tỉnh, thành cụm đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Theo đó, nhiều Ban chỉ đạo đã phối hợp với cơ quan chức năng quan tâm đôn đốc chỉ đạo việc xử lý tố cáo đơn thư khiếu nại của công dân phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vừa qua. Một số ban chỉ đạo đã chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc xử lý kết luận sau thanh tra kinh tế xã hội có liên quan đến tham nhũng, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tham nhũng. Một số Ban chỉ đạo các tỉnh trong cụm đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp ngăn chặn việc trả thù người tố cáo tham nhũng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, ông Phách yêu cầu Ban chỉ đạo PCTN các tỉnh, thành phố cần đánh giá đúng trong thời gian vừa qua việc ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, lãng phí được tiến hành đến đâu, từ đó tìm ra biện pháp thực hiện có hiệu quả các giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 3 đã đưa ra, trong đó biện pháp giáo dục, phòng ngừa là chính đi đôi với xử lý nghiêm các vi phạm. Từ nay đến cuối năm cần tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức... Đặc biệt phải trực tiếp, thường xuyên nắm tình hình và đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị về PCTN, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng và các vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn; kiện toàn và bảo đảm các điều kiện và nâng cao chất lượng hoạt động Văn phòng Ban chỉ đạo hoạt động.../.