Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/10/2011-16:03:00 PM
Kênh vốn mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nếu mọi việc suôn sẻ, bắt đầu từ năm 2012, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được hưởng lợi từ Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF). Trong bối cảnh khó khăn, đây sẽ là một trợ lực lớn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay từ SMEDF tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Một kế hoạch cụ thể đã được Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vạch sẵn, đó là trong năm nay, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập SMEDF, để tới năm 2012, có thể tiến hành các hoạt động cho vay đầu tiên của Quỹ.
Kế hoạch này, ngay từ lúc bắt đầu có ý tưởng thành lập, khi Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2009, đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tín dụng thắt chặt như hiện nay.
“Nếu thành lập được SMEDF sẽ rất tốt, vì DNNVV đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn”, ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Hà Việt nói.
Khó tiếp cận tín dụng ngân hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, ngân hàng thắt chặt tín dụng không chỉ là câu chuyện của riêng năm nay, mà thực tế, là câu chuyện rất cũ. “Nói là phải hỗ trợ vốn cho khu vực DNNVV, nhưng lại sử dụng cùng một mặt bằng lãi suất. Các ngân hàng cũng vẫn dành tín dụng cho doanh nghiệp lớn, mà một ‘ông lớn’ thì ngốn vốn của cả vạn anh nhỏ”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã phát biểu như vậy với Báo Đầu tư.
Trên thực tế, trong Đề án thành lập SMEDF, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã viện dẫn rất nhiều kết quả nghiên cứu để chứng minh rằng, DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn và việc thành lập SMEDF là rất cần thiết. Chẳng hạn, một kết quả từ cuộc khảo sát DNNVV của JICA cho thấy, số DNNVV chưa được nhận hỗ trợ tín dụng chiếm tới trên 81%. Thậm chí, ngay cả khi Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã được thành lập, rất ít DNNVV tiếp cận được nguồn quỹ này. Thực tế về sự phát triển của mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng là minh chứng rõ nét nhất cho việc này.
Lãi suất vay quá cao và khó đáp ứng được các điều kiện vay của ngân hàng là hai yếu tố mà các DNNVV đánh giá là khó khăn nhất trong tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng. Chính vì thế, phần lớn DNNVV mong muốn các điều kiện tiếp cận khoản vay từ các tổ chức tín dụng được nới lỏng và tạo thuận lợi hơn.
“SMEDF ra đời sẽ bổ sung thêm kênh tài chính cho khu vực DNNVV bên cạnh các kênh tài chính truyền thống khác. Đồng thời, Quỹ sẽ là một tổ chức tài chính Nhà nước có quy mô; là tổ chức có thể tiếp nhận tập trung nguồn tài chính dành cho hỗ trợ DNNVV trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; là đầu mối huy động, vận động, tìm kiếm các nguồn lực trong nước và các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế (WB, EU, JICA…) dành cho mục tiêu trợ giúp phát triển DNNVV...”, đại diện Cục Phát triển DN lý giải.
Theo kế hoạch, mức vốn cho vay đối với mỗi chương trình, dự án tối đa 70% tổng mức vốn đầu tư của từng chương trình, dự án (không bao gồm vốn lưu động), nhưng không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của người vay và điều kiện cụ thể của từng chương trình, dự án, nhưng tối đa không quá 7 năm.
Lãi suất cho vay, đối với các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại, sẽ do ngân hàng thương mại quyết định nhưng không vượt quá 80% mức lãi suất cho vay thương mại thông thường
Nguyên Đức
baodautu.vn

    Tổng số lượt xem: 1080
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)