Khoảng 60% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến Việt Nam do sự thành công của doanh nghiệp FDI hiện hữu.
|
Đa phần cơ hội mà các nhà đầu tư hiện hữu đang khai thác ở Việt Nam vẫn là chi phí rẻ
|
Động lực chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cho tới thời điểm này vẫn là dung lượng thị trường nội địa và chi phí rẻ. Không những thế, các doanh nghiệp FDI hiện hữu tại Việt Nam là đường dẫn chính gọi các nhà đầu tư mới vào Việt Nam.
Cụ thể, chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp FDI thiết lập đường liên kết trực tiếp với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh; 2% doanh nghiệp khai thác thông qua kênh các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; 14% còn lại đến từ kênh thông tin của công ty mẹ trong hệ thống.
Đây là những phát hiện đáng chú ý mà chính các doanh nghiệp FDI cung cấp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Báo cáo kết quả sơ bộ điều tra, khảo sát đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam năm 2010.
Mặc dù sẽ phải thêm thời gian để khai thác những hàm ý đằng sau các số liệu khảo sát, song có thể nhìn thấy, vai trò khá đặc biệt của các nhà đầu tư hiện hữu với mục tiêu chuyển từ chiến lược thu hút FDI thiên về số lượng sang chú trọng hơn về chất lượng của Chính phủ Việt Nam.
Ông Brian Portelli, chuyên gia UNIDO, khi nhắc tới các số liệu này cũng nhấn mạnh rằng, cơ chế quản lý, hỗ trợ sau đầu tư một cách chủ động từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không chỉ tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư hiện hữu trong thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, mà chính là tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư mới. Nhất là khi kết quả sơ bộ khảo sát cho thấy, đa phần doanh nghiệp FDI khi bắt đầu khởi sự tại Việt Nam sẽ tìm đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (thay vì cách tự nghiên cứu, tự hành động của các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia khảo sát).
Song, bức tranh về doanh nghiệp FDI hiện hữu cũng đang nổi lên khá nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu cẩn trọng nếu coi đây là kênh dẫn hướng đầu tư mới. Bởi, nét vẽ từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, mặc dù tỷ lệ lớn vốn FDI vẫn đổ vào ngành chế tạo (97% doanh nghiệp tham gia khảo sát), song chủ yếu là chế tạo kim loại (không bao gồm chế tạo thiết bị, máy móc), may mặc, sản phẩm nhựa và cao su. Có nghĩa là, đa phần cơ hội mà các nhà đầu tư hiện hữu đang khai thác ở Việt Nam vẫn là chi phí rẻ, bao gồm cả chi phí nhân công, nguyên nhiên liệu…
Hơn thế, chính các doanh nghiệp này khi nhìn nhận về các nguồn lực chính của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam cũng khẳng định là hầu như không có gì thay đổi, cho dù một vài cơ hội đến từ khu vực ASEAN đang được nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng.
Như vậy, đặt toàn bộ các đặc điểm này vào tỷ lệ rất thấp là 8% doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, sẽ có một bức tranh không thực sự sáng sủa. Con số cập nhật trong tháng 9 cũng cho thấy, chỉ có 42 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm, 295 triệu USD vốn đăng ký mới so với tháng 8/2011.
Điều này đòi hỏi sự thay đổi rất căn bản trong chính sách, cơ chế quản lý nguồn vốn FDI, bao gồm cả hỗ trợ đầu tư, để không chỉ níu giữ các doanh nghiệp FDI đang làm ăn thực sự hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế Việt Nam, mà còn dẫn dòng vốn FDI mới vào đúng mạch mà nền kinh tế Việt Nam đang thực sự cần, đó là các ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn, các ngành hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam…, chứ không phải là khai thác thị trường nội địa Việt Nam, khai thác lợi thế giá rẻ như lâu nay.
Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo kết quả sơ bộ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng khẳng định, việc nhìn nhận, đánh giá tác động của khu vực FDI đến phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua là công cụ hữu ích giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích thực trạng tình hình để có thể đề ra những giải pháp hiệu quả cho giai đoạn phát triển mới./.