(MPI Portal) – Chiều 26/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức Hội thảo về triển vọng kinh tế thế giới. Tham dự Hội thảo có ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế IMF cùng đông đảo đại diện các đơn vị và cơ quan thông tấn báo chí.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Kinh tế toàn cầu đang ở trong một giai đoạn nguy hiểm mới. Hoạt động kinh tế toàn cầu đã kém đi và không đồng đều, gần đây niềm tin đã sụt giảm mạnh, những rủi ro xấu đang gia tăng. Trong bối cảnh những yếu kém về cơ cấu chưa được xử lý thì một loạt các cú sốc sẽ dội vào nền kinh tế quốc tế trong năm nay. Theo dự báo của cuốn Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mức hơn 5% trong năm 2010 xuống mức khiêm tốn là 4% cho suốt năm 2012. GDP thực tại các nền kinh tế đã phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức thấp là 1,5% năm 2011 và 2% năm 2012.
Theo ông Abdul Abiad, chuyên gia kinh tế của IMF, những rủi ro xấu đang tăng lên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có hai sự lưu ý cụ thể:
Thứ nhất là cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng Euro đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách, cho dù các đối sách mạnh mẽ đã nhận được sự đồng thuận tại cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 21 tháng 7 năm 2011.
Thứ hai là hoạt động kinh tế của Mỹ đã giảm đi, nhưng có thể phải hứng chịu các tai ương tiếp theo như sự bế tắc về chính trị đối với việc củng cố tài khóa, thị trường nhà đất yếu đi, tỷ lệ tiết kiệm của dân cư tăng nhanh, các điều kiện tài chính xấu hơn. Sự chia rẽ chính trị sâu sắc làm cho đường hướng chính sách của Mỹ trở nên khó đoán định. Có một rủi ro nghiêm trọng là sự cắt giảm tài khóa vội vàng mà thiếu các cải cách dài hạn cần thiết để giảm nợ xuống mức bền vững hơn sẽ làm triển vọng kinh tế xấu đi.
Bản chất phát triển không đồng đều và nhiều rủi ro đe dọa hoạt động kinh tế khiến nền kinh tế toàn cầu phải thực hiện hai hành động tái cân bằng, đó là:
Tái cân bằng từ nhu cầu khu vực công sang tư nhân: các nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế bị khủng hoảng cần kiên trì mong muốn dựa chủ yếu vào chính sách tiền tệ nới lỏng để chỉnh sửa các bảng cân đối và thúc đẩy nhanh cải cách khu vực tài chính. Chính sách tài khóa phải lèo lái giữa hai mối hiểm nguy sinh đôi là sự mất tín nhiệm và giảm tốc độ hồi phục. Việc củng cố các kế hoạch tài khóa trung hạn và thực hiện cải cách triệt để là rất quan trọng nhằm bảo đảm sự tín nhiệm và bền vững tài khóa, cũng như tạo ra các dư địa chính sách để hỗ trợ sự điều chỉnh bảng cân đối, tăng trưởng và tạo việc làm.
Tái cân bằng từ nhu cầu bên ngoài sang nhu cầu trong nước: Một số nền kinh tế đang nổi như ở châu Mỹ La tinh cần hạn chế nhu cầu trong nước mạnh mẽ bằng cách giảm mạnh thâm hụt tài khóa cơ cấu và trong một số trường hợp tiếp tục từ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong khi đó, các nền kinh tế chủ chốt mới nổi ở châu Á cần tăng mạnh giá đồng tiền đi kèm với các cải cách cơ cấu để giảm thặng dư tiết kiệm so với đầu tư. Những chính sách như vậy có thể giúp nâng cao tính đàn hồi kinh tế trước các cú sốc nảy sinh từ các nền kinh tế tiên tiến, và cải thiện tiềm năng tăng trưởng trung hạn.
|
Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tham dự Hội thảo còn có nghiên cứu của ông Andrea Pescatori, chuyên gia kinh tế IMF. Nghiên cứu chỉ ra một thực tế là giá hàng sơ chế rất biến động và khó dự đoán, nó có tác động lớn nhất tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Ngoài ra, theo các chuyên gia tài chính, việc chấp thuận các chương trình củng cố tài khóa trung hạn hài hòa với tăng trưởng tại các nền kinh tế đã phát triển, các chính sách tái cân bằng nhu cầu tại các nền kinh tế thặng dư tại thị trường mới nổi và các cải cách cơ cấu để tăng mạnh tăng trưởng tiềm năng ở mọi nơi…có thể đem lại một sự kích thích lớn cho GDP toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết được các thách thức kinh tế chính trị khó khăn tại quốc gia mình và làm hồi sinh tinh thần hợp tác mạnh mẽ.
Như vậy, trừ khi các chính sách được tăng cường củng cố, đặc biệt là tại các nền kinh tế đã phát triển, nếu không thì sẽ không có gì ngoài sự phục hồi “èo uột” của nền kinh tế thế giới../.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư