Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/04/2012-17:19:00 PM
Việt Nam: Một số điển hình phát triển bền vững
(MPI Portal) – Sáng 26/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn cho Báo cáo “Việt Nam: Một số điển hình phát triển bền vững” để chuẩn bị cho đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio +20) sẽ diễn ra vào ngày 13/6 đến 22/6 năm 2012 tại Rio de Jannero, Braxin. Tới dự Hội thảo có các chuyên gia về phát triển bền vững, đại diện các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Chánh văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Việt Nam là một trong những nước đã quan tâm và luôn cam kết đến những vấn đề môi trường và phát triển bền vững từ rất sớm. Quan điểm phát triển bền vững được Việt Nam khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001 – 2010 là phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học, và tái khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 là phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược.
Mục tiêu của báo cáo là tổng hợp và đánh giá một số điển hình phát triển bền vững được thực hiện ở Việt Nam đồng thời rút ra những bài học phục vụ cho việc thực hiện tiến trình phát triển bền vững trong thời gian tới. Báo cáo đã góp phần minh họa cho báo cáo quốc gia tại Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững (RIO+20) tại RIO năm 2012.
Việt Nam có 4 nhóm lĩnh vực điển hình phát triển bền vững được lựa chọn dựa trên 4 tiêu chí là tính đại diện; tính đặc sắc; khác biệt, gắn với các chính sách của Chính phủ liên quan đến phát triển bền vững; tính bền vững của điển hình, được đánh giá dựa trên 8 nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam.
Lĩnh vực điển hình phát triển bền vững đầu tiên, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong sản xuất. Việt Nam là một nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao trong 10 năm qua. Trong đó, các ngành công nghiệp đã góp phần rất quan trọng. Nhiều hoạt động đã được triển khai trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là tổ chức mạng lưới quản lý và triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường. Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu xuất thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Song song với việc thúc đẩy sản xuất tiết kiệm năng lượng, quá trình công nghiệp hoá sạch cũng được thức đẩy thực hiện, gắn với quy hoạch sự phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Tính đến tháng 6/2011, có 543 dự án sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đã được triển khai trong 5 ngành công nghiệp sản xuất gạch, gốm sứ, dệt may, giấy – bột giấy và chế biến thực phẩm và 25 tỉnh, thành phố được hỗ trợ tham gia các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, 12 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách, thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 25 tổ chức dịch vụ tiết kiệm năng lượng tham gia hỗ trợ trên 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xu thế tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hạn chế về vốn, công nghệ và nguồn lực chất lượng cao là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm thực hiện sâu rộng những hoạt động này.
Lĩnh vực điển hình phát triển bền vững thứ hai, xoá đói giảm nghèo và phát triển nông thôn bền vững. Ba điển hình phát triển bền vững về xoá đói và phát triển nông thôn gồm Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Làng sinh thái ở Việt Nam và Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một số trong rất nhiều các ví dụ thực tiễn liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn ở các địa phương trong toàn quốc.
Lĩnh vực điển hình phát triển bền vững thứ ba, bảo tồn và phát triển. Ba điển hình phát triển bền vững về bảo tồn và phát triển là khu vực dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà: phòng thí nghiệm học tập cho phát triển bền vững; Phát triển để bảo tồn: trường hợp điển hình của cộng đồng tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và Chi trả dịch vụ môi trường ở Việt Nam: từ thực tiễn đến chính sách là một trong rất nhiều ví dụ thành công trên trên thực tiễn liên quan đến công tác bảo tồn gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong toàn quốc.
Lĩnh vực điển hình phát triển bền vững thứ tư, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các điển hình phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu gồm đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; Đa dạng sinh kế để ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một số trong rất nhiều các ví dụ thực tiễn liên quan đến lĩnh vực này.
Phát biểu tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Báo cáo cần viết ngắn gọn hơn, tránh nhiều khung mục quá. Các điển hình nên kể thành những câu chuyện để người đọc dễ tiếp nhận. Không cần nhiều điển hình mà chọn những điển hình phát triển bền vững tiêu biểu, để khi nhắc đến điển hình đó người ta nghĩ ngay đến Việt Nam.
Mười một điển hình phát triển bền vững được trình bày trong báo cáo này chỉ mang tính chất minh họa chấm phá cho tiến trình phát triển bền vững đa dạng, nhiều màu sắc ở Việt Nam. Những điển hình này đều gắn với 19 lĩnh vực phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời có mối liên hệ tới chủ đề chính của Hội nghị RIO + 20 về kinh tế xanh trong xoá đói giảm nghèo và thể chế cho phát triển bền vững, đặc biệt dựa trên 8 nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam, được áp dụng một cách sáng tạo từ 27 nguyên tắc phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 21 được các nguyên thủ quốc gia thông qua vào năm 1992 tại Rio de Janero./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1688
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)