Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/08/2011-10:15:00 AM
Diễn đàn đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam - Kinh tế và triển vọng
(MPI Portal) - Ngày 26/08/2011, Diễn đàn đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam - Kinh tế và triển vọng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức và phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và một số tổ chức trong và ngoài nước.
Đồng chủ tọa Diễn đàn. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Diễn đàn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức liên quan cùng các cơ quan truyền thông.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết đây là diễn đàn đối thoại đa chiều về đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và bất động sản tại Việt Nam nhằm vượt qua những khó khăn trước mắt và cùng hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững lâu dài.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đời sống an sinh xã hội, kinh tế chính trị, tác động đến tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo nguồn cho đầu tư phát triển kinh tế. Thị trường bất động sản phát triển lành mạnh sẽ tác động tích cực đến phát kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư và thị trường xây dựng và bất động sản không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Diễn đàn lần này tập trung vào các nội dung về khó khăn trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản Việt Nam, đối thoại đa chiều chính sách giữa các doanh nghiệp với các lãnh đạo của các Bộ, ngành có liên quan về việc hỗ trợ nhằm đưa ra các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành xây dựng và bất động sản Việt Nam phát triển một cách bền vững. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ đưa ra gợi ý và giải pháp cải thiện trong ngắn hạn, các hàm ý và dự báo trong dài hạn cũng như mô tả một cách rõ nét về tình hình đầu tư xây dựng và bất động sản hiện nay ở Việt Nam.
TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Tại Diễn đàn, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, cần phải đổi mới quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng tại Việt Nam. Theo đó, ông đưa ra 5 kiến nghị, đó là cần phải lập quy hoạch tổng hợp hệ thống hạ tầng quốc gia; Lập kế hoạch 5 năm và hàng năm về chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng; Phân tích chi phí – lợi ích trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả khi cho dự án hạ tầng; Nhanh chóng hoàn thiện thể chế mô hình đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng; Hoàn thiện thể chế thuê tổ chức quản lý dự án đầu tư xây hạ tầng.
Theo các chuyên gia nước ngoài, bất động sản Việt Nam là một trong những lĩnh vực sôi động nhất năm 2010 về cả số lượng và giá trị giao dịch. Năm 2010, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này chiếm vị trí thứ hai so với nền công nghiệp chế biến và sản xuất, là điểm đến thứ hai trongnhững thị trường mới nổi mà vốn đầu tư trực tiếpnước ngoài tìm đến sau Trung Quốc. Các thương vụ thành công chủ yếu ở phân khúc nhà ở và tập trung chủ yếu vào các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Bình Dương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức trong bất động sản như khung pháp lý chưa phù hợp, tính minh bạch chưa cao, thủ tục cấp phép phức tạp, mất nhiều thời gian trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Theo nhận định chung của các chuyên gia và các nhà đầu tư, thị trường bất động sản Việt Nam trong ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Đến hết nửa năm 2011, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều biến động. Những tháng đầu năm 2011, thị trường chứng kiến sự ấm lên của phân khúc đất nền dự án tại Hà Nội, đa số các dự án vùng ven đều tăng giá khá cao so với năm 2010. Tuy nhiên, với chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thị trường bất động sản trong quý 2 năm 2011 đã có nhiều biến động. Việc thắt chặt tín dụng, hạn chế dòng tín dụng phi sản xuất đã khiến thị trường bất động sản khan hiếm về vốn, nhiều dự án bị trì hoãn. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát cao dẫn đến tăng chi phí xây dựng và giảm doanh thu thực tế của các chủ đầu tư. Đây là những nhân tố hiện đang tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Đáng chú ý là, lĩnh vực kinh doanh đầu tư bất động sản cũng đang trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn FDI đăng ký và tăng thêm vào lĩnh vực này tiếp tục giảm, chỉ chiếm 3% trong 7 tháng đầu năm 2011, trong khi cùng kỳ năm trước là hơn 20% (theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Thông qua Diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các nhà doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin, trao đổi ý tưởng nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại, đề xuất chính sách cho một thị trường bất động sản tương lai phát triển mạnh mẽ, ổn định và bền vững hơn./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1421
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)