Yêu cầu cấp thiết trong tái cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là nâng cao hiệu quả và chất lượng tăng trưởng.
|
Thành phố Hồ Chí Minh cần thúc đẩy các ngành có hàm lượng khoa học, kỹ thuật, giá trị gia tăng cao
|
Giai đoạn 2000 - 2010, kinh tế TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP cao; cơ cấu GDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và cơ cấu vốn đầu tư phát triển chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kinh tế TP.HCM vẫn còn khá nhiều tồn tại, đòi hỏi phải kịp thời điều chỉnh khi tái cơ cấu nền kinh tế.
6 tồn tại của kinh tế TP.HCM
Thứ nhất, tỷ trọng GDP của các ngành dịch vụ cao cấp còn thấp; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các ngành công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao còn thấp; tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất giảm dần; năng suất lao động còn thấp và hiệu quả đầu tư thấp.
Thứ hai, khu vực dịch vụ tuy đã có sự chuyển dịch, nhưng sau 10 năm, GDP của các ngành dịch vụ cao cấp vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Trừ ngành tài chính và tín dụng đã tăng nhanh tỷ trọng (từ 3,2% năm 2000 lên 12,1% năm 2010), những ngành khác đều tăng chậm hoặc thậm chí giảm tỷ trọng. Điển hình là ngành khoa học và công nghệ chiếm tỷ trọng rất nhỏ và giảm từ 0,3% năm 2000 xuống còn 0,2% nãm 2010; ngành kinh doanh tài sản và tý vấn giảm từ 8,7% nãm 2000 còn 5,6% năm 2010.
Thứ ba, tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao đạt thấp. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (may mặc, da giày) chiếm tỷ trọng cao; sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Một hạn chế khác là trình độ công nghệ của hầu hết các doanh nghiệp trong nước đạt mức trung bình, công tác đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao còn chậm.
Thứ tư, tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất giảm dần. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất thấp và có xu hướng giảm qua các năm. Nếu như năm 2000, tỷ lệ này là 45,74% thì đến năm 2005 chỉ còn 42,88%, đến năm 2010 là 40,68%. Trong đó, tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng giảm mạnh, từ 36,58% năm 2000 xuống còn 32,17% năm 2005 và tiếp tục giảm còn 29,53% năm 2010.
Nguyên nhân chủ yếu là ngành công nghiệp Thành phố gặp nhiều khó khăn về những yếu tố đầu vào, như thiếu vốn, thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao, công nghệ phần lớn đạt trình độ trung bình và lạc hậu, giá cả nguyên nhiên liệu cao.
Thứ năm, năng suất lao động đạt thấp. Nguồn nhân lực là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến phát triển kinh tế Thành phố, tuy nhiên do năng suất lao động thấp nên đóng góp của lực lượng lao động vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua là không lớn.
Theo kết quả điều tra dân số, lao động trên địa bàn thành phố năm 1999 là 2,1 triệu người và năm 2009 là 3,5 triệu người. Tính theo giá so sánh năm 1994, năng suất lao động năm 1999 đạt 22,6 triệu đồng/lao động/năm và năm 2009 là 37,8 triệu đồng/người/năm. Năm 1999, năng suất lao động chỉ đóng góp 33,5% vào tốc độ tăng trưởng, năm 2009 chỉ đóng góp 32,6% vào tốc độ tăng trưởng. Ngành công nghiệp dệt may, da giày năm 2010 sử dụng đến 45,9% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp, nhưng chỉ tạo ra 17,6% giá trị sản xuất toàn ngành.
Thứ sáu, hiệu quả đầu tư đạt thấp, chỉ số ICOR còn cao. Việc triển khai thực hiện những dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư công (từ ngân sách nhà nước) chậm do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp so với vốn đăng ký cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.
Hướng đến chất lượng tăng trưởng
Những tồn tại nêu trên đặt ra yêu cầu tái cấu trúc kinh tế trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020 theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Chuyển từ nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, tăng quy mô và thâm dụng lao động là chủ yếu sang phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng là động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển kinh tế tri thức; tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào sự gia tăng chất lượng các yếu tố đầu vào.
Để đạt mục tiêu trên, Thành phố đã thống nhất triển khai 4 nhóm giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng tăng nhanh tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ trong tổng GDP. Đồng thời, thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành kinh tế kỹ thuật theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị để tập trung phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm và công đoạn sản xuất, kinh doanh có giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cao.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hệ thống các giải pháp, gồm đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và sử dụng chất xám.
Thứ ba, xây dựng, triển khai đồng bộ chiến lược khoa học - công nghệ. Tổ chức ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học - công nghệ mới hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, theo phương châm khoa học - công nghệ là động lực của phát triển, để tỷ lệ GDP của ngành khoa học - công nghệ ngày càng tăng trong tổng GDP Thành phố.
Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh.
TS. Đinh Sơn Hùng, Th.S. Cao Minh Nghĩa
baodautu.vn