Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương ngày 20/4/2012.
1. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
- Sản xuất nông nghiệp,vụ Chiêm xuân 2012, toàn tỉnh gieo trồng được 71.836 ha lúa và rau, màu, tăng 53 ha so với vụ Chiêm xuân 2011; trong đó, cây lúa đạt 63.616 ha, giảm 28 ha (đạt 100,2% so với kế hoạch); rau, màu các loại 8.220 ha, tăng 81 ha.
Diện tích gieo trồng vụ Chiêm xuân: cây lương thực có hạt 64.788 ha, tăng 8 ha; các loại cây chất bột 471 ha, giảm 59 ha; cây rau đậu các loại 5.200 ha, tăng 334 ha; cây công nghiệp 1.115 ha, giảm 261 ha; cây hàng năm khác 262 ha, tăng 31 ha so với vụ Chiêm xuân năm trước.
Đến nay, toàn tỉnh đã chăm sóc được 58.250 ha lúa đợt II, có 82 ha diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh (15 ha bị bệnh nghẹt rễ, 67 ha bị chuột hại).
Tình hình chăn nuôi trong tỉnh ổn định, không có dịch bệnh bùng phát. Hiện nay, Chi Cục Thú y vẫn đang tiếp tục triển khai tiêm phòng dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Dự tính số lượng gia súc ổn định, đàn gia cầm sẽ tăng cao hơn cùng kỳ 2011.
- Sản xuất lâm nghiệp, tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh đã trồng được 821 ngàn cây phân tán các loại, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Cây phân tán được trồng chủ yếu trong các khu công nghiệp, trường học,... tạo bóng mát và cảnh quan thiên nhiên.
- Sản xuất thuỷ sản, do ảnh hưởng của thời tiết, vì vậy, hầu hết các hộ nuôi thuỷ sản vẫn chưa vào vụ sản xuất mới. Bên cạnh đó, hiện nay giá thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh cho cá tăng cao, trung bình tăng từ 20-30% là một nguyên nhân khiến thời gian vào vụ mới bị chậm lại. Các hộ nuôi trồng thuỷ sản đang tiến hành chuẩn bị vệ sinh ao nuôi và định hướng những giống cá có khả năng đề kháng tốt thời tiết, dịch bệnh và đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
2. Sản xuất Công nghiệp
Tháng 4, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2012 tăng 2,1% so với tháng trước; trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 2,7%; ngành công nghiệp chế biến tăng 4,8%; ngành công nghiệp sản xuất, tập trung và phân phối điện, ga nước giảm 2,0%.
Theo ước tính tháng 4 năm 2012, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 36,4%; ngành công nghiệp chế biến tăng 14,9%; ngành công nghiệp sản xuất, tập trung và phân phối điện, ga, nước tăng 1,2%.
Một số sản phẩm tháng 4 năm 2012, tăng so với cùng kỳ năm trước như: Thức ăn cho gia súc, gia cầm 37,2%; Áo khoắc và áo Jắc két cho người lớn 93,4%; Quần áo thể thao người lớn 47,4%; Máy khâu các loại 336,6%; Dây điện có bọc dùng cho điện áp dưới 1kv 77,5%; Bộ dây dẫn điện dùng trong ô tô 268,8%; Vi mạch điện tử 56,1%; Máy Fax 41,7%; xe ô tô các loại 45,0%... Bên cạnh đó có một số sản phẩm giảm nhiều như: Đá dăm các loại 50,9%; Đá có chứa canxi chưa nghiền 43,0%; Quần áo mặc thường cho người lớn 15,7%; quần áo bảo hộ lao động 58,5%; Thép thanh, thép góc 19,4%; Xi măng Poclan đen 2,3%; Điện sản xuất 2,3%...
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2012 có mức tăng 5,9%, trong đó, công nghiệp khai thác mỏ giảm 29,4%; công nghiệp chế biến tăng 13,7%; công nghiệp sản xuất, tập trung và phân phối điện, ga, nước giảm 5,4%.
Bốn tháng đầu năm, một số sản phẩm chủ yếu có giá trị lớn lại giảm hoặc có mức sản xuất thấp, sản lượng xi măng Pooclan đen giảm 6,8%; Xe ô tô các loại giảm 20,1%; Điện sản xuất giảm 8,3%, bên cạnh đó một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao nhưng chiếm tỷ trọng không lớn như: Áo khoác và áo jắc két cho người lớn tăng 32,2%; Quần áo thể thao cho người lớn tăng 52,7%; Máy khâu các loại tăng 233,3%; Bộ dây dẫn điện dùng trong ô tô tăng 157,4%; Máy Fax tăng 43,7%...
3. Hoạt động đầu tư, xây dựng
Ước tính tháng 4, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 105,6 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các dự án về công nghiệp - giao thông, hiện có 4 công trình chuyển tiếp của năm 2011 và 3 công trình đang vướng giải phóng mặt bằng. Đến nay, tiến độ đầu tư của các công trình như sau: Đường tránh thị trấn Phú Thái huyện Kim Thành; Công trình đường 395 (Km22,5 - Km24,3) đang thi công; Đường gom phía bắc quốc lộ 5A huyện Kim Thành; Đường 389 (Km19,25 - Km20,8 và Km25,15 - Km26,3) huyện Kinh Môn; Đường 392B (Km10,5 - Km11,6) huyện Thanh Miện; Đường 396 (Km7,9 - Km10,2) huyện Ninh Giang đang tạm dừng thi công do vướng mặt bằng.
Trong tháng có công trình khởi công như: Công trình nền đường giao thông nông thôn xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện với tổng dự toán là 2,1 tỷ đồng; Trụ sở UBND xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện tổng dự toán là 4,9 tỷ đồng; Trường THCS Lê Thanh Nghị, huyện Gia Lộc tổng dự toán là 5 tỷ đồng; Nhà làm việc Huyện uỷ, huyện Thanh Hà tổng dự toán là 11,9 tỷ đồng; Trường trung học Thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng tổng dự toán là 2,7 tỷ đồng...
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ
Tháng 4 năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.570,2 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước (khu vực kinh tế Nhà nước tăng 1,3%; kinh tế ngoài Nhà nước tăng 1,5%; kinh tế có vốn ĐTNNtăng 0,5%).
So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 4 tăng 17,3%;trong đó, kinh tế nhà nước tăng 7,0%, kinh tế tập thể tăng 18,5%, kinh tế cá thể tăng 14,4%, kinh tế tư nhân tăng 28,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2012, ước đạt khoảng 6.239 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kinh tế nhà nước tăng 16,9%, kinh tế tập thể tăng 22%, kinh tế cá thể tăng 18,1%, kinh tế tư nhân tăng 32,9%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp tăng 17,4%; khách sạn, nhà hàng tăng 47,9%; du lịch lữ và dịch vụ tăng 38,4%. Cơ cấu tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ nhóm ngành thương nghiệp 79,4%; nhóm ngành khách sạn - nhà hàng 9,7%; nhóm ngành dịch vụ, du lịch chiếm 10,9%.
4.2. Hoạt động xuất, nhập khẩu
Xuất khẩu: Giá trị xuất khẩu hàng hoá tháng 4 năm 2012, ước đạt 125.828 ngàn USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2011. Theo thành phần kinh tế, kinh tế tư nhân đạt 1.731 ngàn USD, giảm 2,9%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 124.097 ngàn USD và tăng 28,3%so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng năm 2012, giá trị xuất khẩu tăng 26,7%, một số nhóm mặt hàng có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2011 là: thực phẩm chế biến khác tăng 86,6%; dây điện và cáp điện tăng 67,5%; hàng rau quả tăng 44,6%, hàng điện tử tăng 40,2%...; nhìn chung các mặt hàng đều tăng, nhưng đáng chú ý là giày dép các loại chỉ bằng 48,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu: Giá trị nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 105.051 nghìn USD, tăng 3,2% so với tháng trước, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm nay, giá trị nhập khẩu ước đạt 433.319 nghìn USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế địa phương đạt 4.994 nghìn USD, giảm 56,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 428.325 nghìn USD, tăng 18,1%.
Các mặt hàng nhập khẩu tăng trong tháng 4 so với tháng trước cụ thể là: Phụ liệu giày dép tăng 30,5%; máy móc thiết bị tăng 17,1%; vải may mặc tăng 16,6%.
Tính chung 4 tháng năm 2012, giá trị nhập khẩu tăng 15,9%, một số nhóm mặt hàng có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2011 là: máy móc thiết bị tăng 271,9%; hàng hoá khác tăng 26,6%; thức ăn nguyên phụ liệu gia súc tăng 37,2%; vải may mặc giảm 4,8% so cùng kỳ năm trước.
4.3. Giá cả, thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng tháng này là 99,96% giảm 0,04% so với tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 2,22%; tăng 9,58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng của hầu hết các nhóm hàng giảm nhẹ so với tháng trước. Riêng nhóm hàng lương thực giảm 2%; thực phẩm giảm 0,24% so với tháng trước. Giá một số loại gạo phổ biến hiện nay trên thị trường Hải Dương là: giá gạo tẻ thường Khang dân 18 có giá từ 11.000 - 11.500 đ/kg, gạo tẻ thường Xi, X từ 12.000 - 12.500, gạo bắc thơm từ 15.200 - 15.600đ/kg, gạo hương thơm từ 13.800 - 14.200 đ/kg... Một số nhóm mặt hàng khác có mức tăng giảm tương đối ổn định so với mức tăng tháng trước: Giao thông tăng 1,54%; may mặc mũ nón giày dép tăng 0,59%; nhà ở và vật liệu xây dựng điện nước tăng 0,53%...
Giá Vàng, chỉ số giá Vàng tháng 4 giảm 1,95 % so tháng 3, tăng 18,55% so với cùng kỳ và giảm 2,66% so với tháng 12 năm trước. Giá vàng bình quân tháng 4 là 43,85 triệu đồng/lượng. Hiện nay, giá Vàng trên thị trường Hải Dương phổ biến ở mức giá từ 43,00 triệu đồng - 43,50 triệu đồng/1 lượng.
Giá Đôla Mỹ, chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 0,44 so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,76% so với tháng 12 năm trước. Giá bình quân Đô la Mỹ (loại 50 - 100 USD) là 20.850 đồng/USD, hiện tại giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương phổ biến từ 20.840 đồng - 20.870 đồng/USD.
4.4. Vận tải
Doanh thu vận tải tháng 4/2012, ước đạt 345,4 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 26,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2012, doanh thu vận tải ước đạt 1.365,8 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước (trong đó doanh thu vận tải hàng hoá đạt 1.032,5 tỷ đồng, tăng 28,3%; doanh thu vận tải hành khách đạt 245,6 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước).
Khối lượng vận tải hàng hoá, 4 tháng năm 2012, ước đạt 13,7 triệu tấn, tăng 12,5% và 1.035,9 triệu tấn.km, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng vận tải hành khách, 4 tháng năm 2012 ước đạt 5,9 triệu người, tăng 33,5% và 284,9 triệu người.km, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước.
5. Một số tình hình xã hội
Tình hình bệnh gây dịch:
Từ đầu năm đến nay, xuất hiện hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng (TCM) ở 201 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 897 ca đã được điều trị khỏi và hơn 190 ca đang được điều trị. Khoảng 1 tuần nay, trung bình mỗi ngày phát hiện từ 15 - 20 ca (giảm khoảng 30 ca so với tuần trước), rải rác ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố (các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành có nhiều người mắc TCM nhất. Các địa phương đã đồng loạt triển khai giám sát dịch, thu dung, điều trịbệnh nhân tại các tuyến; bao vây, xử lý ổ dịch theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
Các bệnh gây dịch đáng chú ý khác phát sinh trong tháng và tích lũy từ đầu năm đến nay: bệnh đường tiêu hoá (hội chứng lỵ, tiêu chảy) có 2.042 ca bệnh; bệnh thuỷ đậu có 163 ca bệnh; các bệnh truyền nhiễm trên trải rộng ở tất cả các huyện, nhưng được phát hiện và điều trị kịp thời nên không có ca bệnh nào tử vong.
Số người nhiễm HIV lũy kế đến nay là 6.170 người, số người mới phát hiện trong tháng là 52 người. Số bệnh nhân AIDS lũy kế đến nay là 2.162 người, số người mới phát hiện trong tháng là 12 người.
Thực hiện tổ chức các hoạt động “Tháng công nhân” năm 2012, Liên đoàn lao động tỉnh đã có kế hoạch hướng dẫn các công đoàn cơ sở tổ chức lễ kỷ niệm 126 năm Ngày Quốc tế lao động 1-5 và phát động "Tháng công nhân"; tổ chức đối thoại giữa công nhân lao động với các bên liên quan và hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, phòng, chống ma tuý, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các doanh nghiệp dịch vụ thương mại ưu tiên giảm giá dịch vụ mua hàng, phát phiếu ưu đãi cho công nhân lao động. Tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.
Tai nạn giao thông (TNGT) và tai nạn cháy/nổ:
Trong tháng 3, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 3 người bị thương; tất cả các vụ đều là tai nạn giao thông đường bộ. So với tháng trước, giảm 3 vụ tai nạn, tăng 4 người chết, giảm 18 người bị thương.
Về tai nạn cháy/nổ, trong tháng có 1 vụ cháy xảy ra vào khoảng 0 giờ 30 ngày 29-3, tại phường Ngọc Châu, TP Hải Dương. Nguyên nhân cháy là do lửa phát ra từ 2 xe máy để trước cửa. Do không có phương tiện chữa cháy kịp thời nên đám cháy bốc cao đã làm sập cửa cuốn, vỡ cửa kính và cháy lan vào trong nhà, thiêu rụi tiếp một xe máy tay ga Honda PCX, một xe đạp điện, một tủ lạnh và một số tài sản khác. Tổng thiệt hại vụ cháy khoảng 400 triệu đồng. Hiện nguyên nhân cháy xe vẫn chưa được làm rõ./.