Ngay từ ngày đầu Sáng kiến GMS được đưa ra, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng. Chính phủ Việt Nam luôn nhận thức được tầm quan trọng của Hợp tác kinh tế tiểu vùng và hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát kinh tế-xã hội của mình.
Sáng kiến về Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (Sáng kiến GMS) được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992 với 6 nước thành viên của Tiểu vùng Mê Công mở rộng là Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.
Mục tiêu dài hạn của Sáng kiến GMS xác định rõ việc thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng.
Mục tiêu trước mắt của Sáng kiến GMS là xúc tiến các hoạt động chung trong các lĩnh vực có khả năng nhất trong đó có lĩnh vực hạ tầng cơ sở, thương mại đầu tư, du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực… tạo ra môi tường thuận lợi phát triển hợp tác kinh tế lâu dài, thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).
Sáng kiến GMS tập trung vào 9 lĩnh vực chính, bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tính đến tháng 12/2010, Chương trình đã thực hiện được 55 dự án đầu tư với chi phí khoảng 14 tỷ USD, trong đó có các dự án xây dựng đường giao thông, cải tạo sân bay và đường sắt trong tiểu vùng, các dự án thủy điện…
Việt Nam là một thành viên tích cực của hợp tác kinh tế GMS và cũng đã hưởng thụ nhiều quyền lợi từ sáng kiến hợp tác này. Tính đế cuối năm 2011, Việt Nam đã tham gia vào các dự án vay vốn của GMS với tổng số vốn trên 2 tỷ USD, bao gồm Dự án đầu tư đường cao tốc Phnôm Pênh – Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Hành lang giao thông Đông – Tây, Dự án phát triển du lịch GMS, Dự án viện trợ không hoàn lại đa quốc gia trong lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm GMS; Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học GMS…
Ngay từ ngày đầu Sáng kiến GMS được đưa ra, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng. Chính phủ Việt Nam luôn nhận thức được tầm quan trọng của Hợp tác kinh tế tiểu vùng và hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát kinh tế - xã hội của mình.
Việt Nam đã tham gia các sáng kiến hợp tác GMS như Hiệp định Giao thông quan biên giới các nước GMS; khung chiến lược thúc đẩy thương mại, đầu tư; diễn đàn kinh doanh GMS; Hiệp định Thương mại điện năng khu vực; Chiến lược năng lượng tiểu vùng Mê Công…
Việt Nam đóng vai trò trọng yếu trong thực hiện “Chiến lược năng lực cạnh tranh, liên kết cộng đồng” của hợp tác kinh tế GMS. Hiện, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong hành lang giao thông GMS đồng thời có vai trò quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng GMS. Việt Nam cũng đã tham gia vào tất cả các hành lang kinh tế: Bắc-Nam, Đông-Tây và ven biển phía Nam và là cửa ngõ, cầu nối cho các tuyến hành lang kinh tế này.
Thời gian qua, Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các nỗ lực cải thiện mạng viễn thông tiểu vùng và cải thiện khung chính sách về luật lệ cần thiết cho việc thu hút vốn đầu tư tư nhân tốt hơn vào lĩnh vực này. Cùng với Campuchia và Lào, Việt Nam đã đưa vấn đề này vào trong nghiên cứu xây dựng năng lực và phát triển chính sách ngành viễn thông GMS. Sự tham gia của Việt Nam hiện nay tập trung chủ yếu vào việc xây dựng mạng siêu xa lộ thông tin GMS. Siêu lộ này cung cấp đường truyền viễn thông rộng, gắn kết 6 quốc gia GMS. Việt Nam cũng tham gia vào việc phát triển công nghệ giao tiếp và thông tin trong các địa bàn nông thôn, xây dựng năng lực cạnh tranh công nghệ thông tin, lập kế hoạch cho sự phát triển viễn thông nhằm định hướng cho các sáng kiến hợp tác giữa các nước tiểu vùng trong tương lai.
Xúc tiến thương mại và các biện pháp đầu tư của Việt Nam và các nước GMS được định hướng bởi Khung khổ chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư (SFA-TFI) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 2. SFA-TFI đã tập trung mạnh vào việc giải quyết các vướng mắc như các thủ tục hải quan, các biện pháp thanh tra và kiểm dịch, dịch vụ thương mại…
Trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam tham gia sâu rộng vào Chương trình môi trường tiềm năng. Chương trình này góp phần giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển kinh tế tiểu vùng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia tích cực trong các dự án ưu tiên tiểu vùng như phát triển ngành du lịch tại Khu vực Tam giác phát triển xanh Campuchia – Lào – Việt Nam và Vùng du lịch châu thổ sông Hồng; dự án phát triển tổng thể du lịch Mê Công với các nội dung như cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng và vì người nghèo…
Được biết, với chủ đề “Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược Tiểu vùng Mê Công mở rộng”, Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 4 (GMS – 4) sẽ được diễn ra vào ngày 20/12 tới tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar). Tham dự Hội nghị có lãnh đạo 6 nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự GMS – 4.
Theo chương trình nghị sự, tại GMS – 4, các nhà lãnh đạo GMS sẽ tập trung thảo luận về những biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác GMS, cách thức để các địa phương và khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn và hiệu quả hơn vào thực hiện Khung chiến lược Hợp tác mới GMS giai đoạn 2012 – 2022 và vấn đề huy động đầu tư khu vực tư nhân vào phát triển hành lang kinh tế…
Nguyễn Hoàng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ