Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/12/2011-08:44:00 AM
Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam
(MPI Portal) - Ngày 13/12/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn “ Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam” tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chủ trì Diễn đàn. Đặc biệt, tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.
Quang cảnh Diễn đàn
Trong thời gian qua, các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với một tình hình chung, đó là các thách thức do hậu quả của các cuộc khủng hoảng về kinh tế xảy ra liên tiếp. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, dân số thế giới tăng cao kéo theo nhu cầu về nước, đất, nơi cư trú, năng lượng... cũng tăng nhanh chưa từng có. Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế chưa chú ý đến môi trường, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, giá trị vốn tự nhiên chưa được định giá đúng và đủ, lãng phí tài nguyên trong sản xuất và tiêu dùng đang là những thách thức lớn đối với các quốc gia. Những thách thức này mang một ý nghĩa quan trọng, đặt ra nhu cầu tìm kiếm những công cụ mới và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện có để giải quyết hiệu quả các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, đồng thời có thể biến những thách thức thành cơ hội để phát triển và là động lực tăng trưởng mới trên con đường phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhận định, kinh tế xanh được coi là mô hình mới giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu là biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, an ninh năng lượng. Điều này đã được Chính phủ Việt Nam thể hiện trong nỗ lực thực hiện mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, cải thiện tác động của biến đổi khí hậu, gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, hiện nay, một số nước trên thế giới đang bắt đầu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ở Việt Nam, khái niệm về kinh tế xanh còn khá mới mẻ và cũng chưa có sự nhất quán về nội hàm kinh tế xanh phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam.
Chia sẻ với nhận định này, bà Setsuko Yamazak, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam khẳng định, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cấu trúc kinh tế theo hướng bảo vệ môi trường và khôi phục lại vốn tự nhiên. Đây là cách duy nhất để đạt được một tương lai bền vững cho tất cả công dân Việt Nam.
Theo Báo cáo của bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường - Phó chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, thực tiễn phát triển kinh tế xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Điển hình như Hoa Kỳ đã dành 95 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế hơn 700 tỷ USD để phát triển các ngành năng lượng tái tạo và sản xuất tiết kiệm năng lượng với mục tiêu đến năm 2025, các loại năng lượng tái tạo sẽ chiếm 25% lượng phát điện; các nước EU đầu tư 105 tỷ Euro vào kinh tế xanh với mục tiêu giảm 20% lượng khí thải nhà kính, tăng năng lượng tái tạo lên 20% tổng tiêu thụ năng lượng của cả khối vào năm 2020; Đức đang có nhiều nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” vào năm 2050.
Còn tại châu Á, Hàn Quốc được xem là một trong những nước phát triển đi đầu trong lĩnh vực kinh tế xanh. Từ năm 2008, Hàn Quốc đã đề ra chính sách “Tăng trưởng xanh, ít các-bon” với nội dung tái cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển sang mô hình phát triển dựa vào năng lượng tái tạo.
Các quốc gia ở trong khu vực ASEAN cũng đã đưa kinh tế xanh vào các kế hoạch và chương trình phát triển quốc gia trung và dài hạn. Philippines đã ban hành Chương trình phát triển xanh, tranh thủ hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á để phát triển các dự án tái chế và phát thải các-bon thấp; Malaysia đã đưa ra chính sách phát triển công nghệ xanh với 4 trụ cột chính là năng lượng, môi trường, kinh tế và xã hội.
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tăng trưởng kinh tế vẫn còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Cùng với đó, tài nguyên chưa được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng, vai trò, giá trị của tài nguyên còn chưa được nhận thức đầy đủ, đánh giá đúng tầm. Điều đó dẫn đến hiệu quả sử dụng tài nguyên bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng bên cạnh các vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu tăng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp.
Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Tiềm năng này thực tế bắt nguồn từ một sân chơi đang thay đổi đó là thế giới hiện nay với những rủi ro chúng ta đang đối mặt đã tạo ra những thay đổi cơ bản đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn nhận toàn diện lại cách thức, mô hình phát triển kinh tế truyền thống, đồng thời cũng đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới về cách tiếp cận với nền kinh tế của chúng ta./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1514
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)