(MPI Portal) - Ngày 08/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010.
|
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên (Báo Đấu thầu)
|
Qua báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, mười năm qua, cả nước sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.388 doanh nghiệp. Trong số này có 14 tổng công ty được sắp xếp theo các hình thức: giải thể cơ quan văn phòng 05 tổng công ty, sáp nhập, hợp nhất 08 tổng công ty; chia tách 01 tổng công ty. Đã tổ chức lại 08 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90 để hình thành 11 tập đoàn kinh tế. Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đã thành lập mới 128 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chủ yếu là chuyển từ đơn vị sự nghiệp có thu, đơn vị hạch toán phụ thuộc thành doanh nghiệp và trên cơ sở Ban quản lý các dự án đã đầu tư. Trong đó 72 doanh nghiệp thuộc Bộ, địa phương chủ yếu là hoạt động công ích và 56 doanh nghiệp là công ty con của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Đến tháng 10 năm 2011 cả nước còn 1.309 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, tham gia hoạt động công ích, 857 doanh nghiệp kinh doanh; tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia; quy mô DNNN được nâng lên, chủ yếu là vừa và lớn; có cơ cấu hợp lý hơn.
Theo cơ cấu chủ sở hữu, có 701 doanh nghiệp do địa phương quản lý, 355 doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, 253 doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty 91. Theo lĩnh vực có 248 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; 114 doanh nghiệp xây dựng; 135 doanh nghiệp giao thông vận tải; 341 công ty nông, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy nông; 471 doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch.
Tổng vốn chủ sở hữu cuối năm 2010 của các DNNN trên 700 nghìn tỷ đồng, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 653 nghìn tỷ đồng. Đa số DNNN có quy mô vừa và lớn, nhưng vẫn còn 102 doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỷ đồng, 8 doanh nghiệp có số vốn dưới 1 tỷ đồng, đây là những doanh nghiệp chủ yếu làm công ích, nông, lâm trường ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.
Hiện nay, cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 02 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các tổng công ty nhà nước được tổ chức, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là bước đổi mới mối quan hệ giữa công ty mẹ - tổng công ty với các doanh nghiệp trong tổng công ty.
Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN cũng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh, là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô.
Về cơ bản, vốn Nhà nước đầu tư vào DNNN được bảo toàn và phát triển; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong giới hạn cho phép.
Phần lớn DNNN hoạt động có lãi, số doanh nghiệp thua lỗ đã giảm nhiều, có doanh nghiệp trước đây lỗ nhưng giờ đã có lãi. Năm 2001, số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn chiếm khoảng 60% thì đến năm 2010 chỉ còn 20%. Một số tập đoàn, tổng công ty có số lỗ lớn chủ yếu do cơ chế giá và làm chính sách.
Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từng bước được kiện toàn và gắn với tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN và đổi mới cơ chế đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong 10 năm qua đã cổ phần hóa được gần 4.000 doanh nghiệp, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, góp phần đổi mới tư duy, nhận thức về sở hữu, về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về vai trò nòng cốt của DNNN trong phát triển kinh tế quốc dân.
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN còn khá nhiều tồn tại, như: mộtsố cơ chế, chính sách ban hành thường chậm; chưa kịp thời giải đáp, tháo gỡ được yêu cầu của thực tiễn; còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuần túy mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn; một số tập đoàn, tổng công ty trong các năm 2007, 2008 đã thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; quản lý đất trong các lâm trường còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp Nhà nước vẫn ở mức thấp;…
Nguyên nhân của những tồn tại trên cũng được Báo cáo phân tích là một số Bộ, ngành, địa phương, tổng công ty Nhà nước chưa quan tâm đúng mức và sâu sát trong chỉ đạo thực hiện. Chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành kế hoạch đề ra; các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước được phân công, phân cấp chưa đủ rõ; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của cán bộ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém; chế tài xử lý đối với cán bộ quản lý DNNN có sai phạm chưa cụ thể và chưa đủ nghiêm.
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp tái cấu trúc DNNN trong những năm tới, trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu vẫn là doanh nghiệp Nhà nước phải là lực lượng nòng cốt để kinh tế Nhà nước giữ được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô.
Nhiệm vụ cụ thể là phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hiện có đến năm 2015 theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Theo đó, có 692 doanh nghiệp tiếp tục duy trì 100% vốn Nhà nước (284 doanh nghiệp công ích, an ninh quốc phòng và 408 doanh nghiệp kinh doanh), trong các lĩnh vực: độc quyền Nhà nước, quốc phòng, an ninh, thủy nông, thủy lợi...
Đồng thời, thực hiện cổ phẩn hóa 573 doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở 392 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng; không chi phối ở 181 doanh nghiệp. Thực hiện giải thể, phá sản 13 doanh nghiệp; 31 doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu bằng các phương thức thị trường như mua bán doanh nghiệp hay chuyển nhượng một phần vốn tại doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH có hai thành viên trở lên; bán cho tập thể người lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước, Tập đoàn, tổng công ty không cần nắm giữ cổ phần chi phối; hạn chế việc Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối. Việc thoái vốn sẽ thực hiện công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường.
Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất. Chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh thành các đơn vị sự nghiệp.
Tái cơ cấu từng DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước một cách toàn diện mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển… trên cơ sở xác định rõ nhiệmvụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Các doanh nghiệp Nhà nước tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phải thực hiện hoạch toán kinh doanh, khi đánh giá kết quả hoạt động phải làm rõ hiệu quả của phần hoạt động kinh doanh; phần thực hiện nhiệm vụ công ích thông qua đấu thầu, giao kế hoạch, đặt hàng của cơ quan Nhà nước thực hiện theo quy định của hợp đồng và pháp luật.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có cơ chế chính sách để doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường; hoàn thiện thể chế quản lý của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe các báo cáo về cổ phần hóa DNNN, xử lý tồn tại về tài chính trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; về thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư, quản lý tiền lương và thực hiện thí điểm thuê Tổng giám đốc, Giám đốc trong doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; Báo cáo về cơ chế chính sách sắp xếp DNNN giai đoạn 2001-2010…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc tổng kết sẽ giúp Chính phủ có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới nhằm bảo đảm 2 mục tiêu: DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô; bảo đảm hiệu quả hoạt động của DNNN phải tương xứng với tiềm năng. Thủ tướng cho biết, trên cơ sở nội dung của Hội nghị hôm nay, đề án tái cơ cấu DNNN sẽ được hoàn thiện với nội dung tái cơ cấu cho từng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư