Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/08/2012-09:45:00 AM
Diễn đàn Đầu tư và Tài chính ngân hàng
(MPI Portal) - Trước những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng, ngày 28/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức “Diễn đàn Đầu tư và Tài chính ngân hàng”.

Tham dự diễn đàn về phía nhà tổ chức có PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chủ trì diễn đàn là PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Diễn đàn còn vinh dự đón Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Hành chính, Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh Diễn đàn.
Cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thông qua cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) nhận định, kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam liên tục phải trải qua từ 7-8 tháng khủng hoảng lớn, nhỏ. 4-5 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế suy giảm, trong khi bất ổn chính sách lại có xu hướng gia tăng, việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn biểu hiện thông qua chỉ số lạm phát ngày càng cao và dao động mạnh kể từ năm 2008 đến nay. Tất cả đều có tác động tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2012 được trình bày bởi ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký đầu tư giảm mạnh từ năm 2008 đến 2012, trong khi vốn thực hiện vẫn được duy trì bền vững, tuy nhiên đó chỉ thể hiện bản chất của nền kinh tế. Trong khi trên thực tế, việc giảm đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy rõ ràng vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Trong báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh 2012 của Ngân hàng Thế giới, vị trí xếp hạng của Việt Nam đã bị tụt 8 bậc, từ vị trí 90 xuống 98 trên tổng số 183 quốc gia (nền kinh tế). Theo các chỉ tiêu đánh giá, môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt hạng vì đi chậm hơn các nước khác. Từ số liệu thống kê của WB cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn khá nhiều vấn đề tồn tại từ nhiều năm nhưng chậm được cải thiện. Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại lớn nhất về 3 vấn đề: lạm phát, cơ sở hạ tầng và thiếu lao động chất lượng cao.

Trong thời gian tới, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài sẽ rất gay gắt, Việt Nam cần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện nay, TS.Nguyễn Đức Thành cho rằng, năng suất của các ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay còn kém, nền kinh tế dựa nhiều vào vốn, ít lao động chất lượng, chênh lệch đầu tư và tiết kiệm lớn (đầu tư quá lớn mà không hiệu quả); tăng trưởng huy động vốn lớn hơn tăng trưởng về cho vay vốn. Từ những nhận định trên, TS. Nguyễn Đức Thành kết luận rằng, Việt nam cần tạo được niềm tin của các nhà đầu tư thông qua cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam.

PGS, TS. Trần Đình Thiên chủ trì diễn đàn.
PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, đổi mới mô hình phát triển và tái cấu trúc kinh tế là mấu chốt để đổi mới môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Doanh nghiệp cần được “cứu”

Sức mạnh của nền kinh tế nước nào cũng là từ doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đang gặp những khó khăn lớn chưa từng có kể từ khi bắt đầu đổi mới vào năm 1986. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động và gặp khó khăn ngày càng tăng từ đầu năm đến nay. Cuối năm 2011, con số doanh nghiệp phá sản là 53.000, sang Quý II/2012 là hơn 200.000 trên tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp của cả nước.

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản trên toàn quốc có thể có những biểu hiện khác nhau, nhưng bản chất đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu vốn. Do vậy, giải pháp tình thế, khẩn cấp nhất để cứu các doanh nghiệp và vực dậy nhanh nền kinh tế đất nước đó là tiếp vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất ra của cải vật chất. Giải pháp này chỉ có thể thực hiện dưới sự tổ chức, bảo lãnh của nhà nước, thậm chí là cứu trợ bằng ngân sách.

Trong bài tham luận của mình, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hải Đồ Cồ đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể: khoanh nợ cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất còn đang hoạt động có tình hình tài chính xấu đến rất xấu, Nhà nước bảo lãnh cho vay các khoản mới; Điều tra và giải quyết về cơ bản vấn nạn tín dụng đen; Miễn giảm các loại thuế đến mức tối đa; Tạo thêm các cơ chế và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũ cũng như mới ra đời hoạt động.

Những giải pháp trên chỉ mang tính tình thế bắt buộc, lối ra thực sự cho các doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước, và cao hơn là một mô hình và chiến lược để Việt Nam phát triển nhanh hơn một cách bền vững, lại là một vấn đề lớn, nan giải cần được cân nhắc và tìm giải pháp kịp thời.

Tài chính Việt Nam: tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu

Diễn biến CPI cho thấy lạm phát vẫn còn ở mức cao, theo dự đoán của TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài Chính, điểm uốn quay lại lạm phát cao là tháng 8/2012, có thể đạt 5.04% và sẽ tăng tới 8% vào cuối năm 2012.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, tình hình tài chính Việt Nam hiện nay có thể tóm gọn trong hai vấn đề chính đó là tín dụng tăng trưởng thấp và nợ xấu. Nhà nước cần điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ tiền tệ, chính sách tài khóa tập trung vào việc giải ngân và ứng chi ngân sách. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần kết hợp với nhau nhằm tránh lạm phát cao.

Dự đoán kịch bản lãi suất từ giờ đến hết năm 2012, TS. Vũ Đình Ánh nhận định rằng, đến đầu Quý IV/2012 có thể kéo lãi suất huy động xuống 8%, theo đó lãi suất cho vay bình quân sẽ dao động ở mức 13 đến 14%.

“Lạm phát cao sẽ quay trở lại nhưng có thể yên tâm rằng lạm phát chỉ duy trì ở mức 1 con số”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã bảy tỏ sự tin tưởng rằng diễn đàn sẽ là dịp để các cơ quan nhà nước, các nhà quản lý nhìn nhận về chính sách quản lý, nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp quản lý kịp thời và xác thực cứu sống hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có nguy cơ phá sản. Đây cũng đã trở thành một cầu nối đa chiều, tọa đàm, đối thoại tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1521
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)