Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/09/2011-08:16:00 AM
Tham vấn các đối tác phát triển để điều hành kinh tế vĩ mô Việt Nam hiệu quả và bền vững
(MPI Portal) – Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế và chính trị thế giới, để đánh giá khách quan, toàn diện về các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 8 tháng đầu năm 2011, dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và 2012, lựa chọn các chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ cho thời gian còn lại của năm 2011, năm 2012 và các năm tiếp theo, sáng nay (06/9), tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội nghị tham vấn các đối tác phát triển về kinh tế vĩ mô Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Đến với Hội nghị, về phía Việt Nam, có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các chuyên gia kinh tế của Việt Nam. Về phía khách quốc tế, có sự tham dự của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, ông Eamon Murphy, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Đại sứ và Công sứ một số nước tại Việt Nam, và đại diện các tổ chức quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 8 tháng đầu năm 2011 – Giải pháp cho các tháng cuối năm và năm 2012.

Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày Báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Theo Báo cáo, từ quý III năm 2010, cùng với quá trình phục hồi kinh tế, bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng với lạm phát tăng, thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán cao, hệ thống tài chính ngân hàng thiếu lành mạnh. Tình hình đó đòi hỏi Chính phủ phải đưa ra các biện pháp quyết liệt, kịp thời. Ngày 24/02/2011, Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành, tập trung thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát,ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Sau hơn 6 tháng triển khai Nghị quyết, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và của toàn dân, sự chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực hơn đầu năm, cụ thể là:
Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2011, tuy thấp hơn tăng trưởng của cùng kỳ năm trước (6,16%) nhưng vẫn đạt 5,6%. Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế so với GDP giảm mạnh từ 41,9% GDP năm 2010 xuống 37-38% GDP trong 6 tháng đầu năm 2011, trong đó, giảm mạnh nhất là đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước. Tổng số vốn nhà nước cắt giảm theo NQ 11/NQ-CP của Chính phủ là 81.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và xổ số kiến thiết đã cắt giảm chiếm 11,6%. Số vốn cắt giảm nêu trên được điều chuyển cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ, cấp bách hoàn thành, nhờ đó, số dự án hoàn thành trong năm 2011 tăng thêm 1.053 dự án.
Xuất khẩu tăng nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2011 tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu cũng tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, chỉ tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 8 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ bằng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ là 18,3%).
Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 15,68% so với tháng 12 năm 2010.
Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 18-19%/năm, lãi suất cho vay trung bình khoảng 20%-23%; riêng cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu với lãi suất 16,5-20%. Thanh khoản hệ thống ngân hàng, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại tệ của nhà nước tăng lên trong những tháng gần đây, bảo đảm cân đối ngoại tệ và ổn định tỷ giá.
Mặc dù các kết quả đạt được trên đây khá khả quan, thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các cơ quan trung ương, địa phương và toàn dân, song nền kinh tế những tháng cuối năm 2011 vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn như lạm phát và lãi suất cao gây áp lực lên tỷ giá, áp lực từ thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại hối mỏng. Vì vậy, Hội nghị hôm nay là dịp để Chính phủ lắng nghe những ý kiến tham vấn từ phía đối tác quốc tế, nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cuối năm 2011 và cả năm 2012.
Tại Hội nghị, các đại diện tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế đã tích cực đưa ra nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề thực thi các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2011 và tình hình thực hiện kế hoạch 8 tháng; dự báo về khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cả năm 2011 và dự báo năm 2012; triển vọng tình hình kinh tế thế giới trong các tháng cuối năm 2011 và năm 2012, bao gồm các thuận lợi, khó khăn và những yếu tố có thể tác động tới kinh tế vĩ mô; và đề xuất giải pháp, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2011, năm 2012 và những năm tiếp theo.

Bà Victoria Kwakwa: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP. Ảnh: Lê Tiên

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, kết quả của quá trình bình ổn kinh tế còn mong manh, việc nới lỏng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP có thể tạm thời giảm căng thẳng cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đầu tư quá mức nhưng có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn và có thể dẫn đến khủng hoảng kép (cán cân thương mại và ngân hàng). Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, đồng thời triển khai chính sách tài chính và quản lý nợ, cải cách DNNN và ngành ngân hàng, tăng cường thông tin và truyền thông nhằm xây dựng niềm tin vào quản lý vĩ mô.
Ở một góc độ khác, đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân bất ổn kinh tế vĩ mô là do số lượng tài sản định giá sai và mất tính thanh khoản cao. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam cần định hướng lại và tái cấu trúc nền kinh tế chuyển từ đầu cơ sang tăng năng suất và tạo việc làm tốt hơn; kiểm soát đầu tư công; xây dựng lại các chính sách phát triển công nghiệp để thúc đẩy đa dạng hóa công nghiệp sản xuất các mặt hàng có giá trị cao; tiếp cận phổ cập với các dịch vụ xã hội cơ bản và an sinh xã hội; trao quyền tự chủ thực sự cho trường đại học và hợp tác chặt chẽ hơn với các trường đại học quốc tế.

Ông Benedict Bingham nhấn mạnh tái cơ cấu nền kinh tế là giải pháp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Cùng chung quan điểm với đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam, ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững; đảm bảo tính bền vững của nợ công, tránh nợ xấu; tính ổn định của tiền đồng. Theo ông Benedict, điều quan trọng là Chính phủ cần có những tín hiệu rõ ràng hơnvề việc cải cách cơ cấu sẽ được tái khởi động nhằm tạo niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Bên cạnh những ý kiến trên, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những khuyến nghị liên quan đến tín dụng trong ngành nông nghiệp; đầu tư công; xuất khẩu sang các nước láng giềng ASEAN, khu vực châu Á; công tác phát triển giáo dục, y tế đảm bảo cho người dân ngày càng có điều kiện sống, môi trường sống và hưởng các chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn.
Các đối tác quốc tế cũng khẳng định tiếp tục hợp tác, tư vấn, hỗ trợ tài chính cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe các ý kiến tham vấn. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực từ phía đại diện các tổ chức hợp tác quốc tế và chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu kết luận Hội nghị, trong đó nêu bật quyết tâm theo đuổi thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP, trong đó ưu tiên hàng đầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thay vì ưu tiên tăng trưởng cao. Thủ tướng nhấn mạnh, lạm phát sẽ được kiểm soát dưới mức 18% trong những tháng cuối năm 2011 và ở mức một con số trong năm 2012; tăng trưởng GDP được duy trì ở mức 6%; tốc độ tăng dư nợ tín dụng giảm xuống dưới 20%, tổng cung tiền thanh toán dưới 15%; kiểm soát bội chi ngân sách ở mức 4,8 – 4,9%; thúc đẩy xuất khẩu với mức tăng 25% so cùng kỳ năm trước để giảm nhập siêu. Ngoài ra, các vấn đề như tái cơ cấu nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, chính trị ổn định sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ cần giải quyết trong dài hạn./.

Hương Lan
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1070
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)