Báo cáo số 70 /BC-CTK ngày 19 tháng 3 năm 2012 của Cục Thống kê Yên Bái.
I. SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP, THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
* Trồng trọt:
+ Vụ đông năm 2011-2012 đến nay đã kết thúc. Kết quả đạt:
- Tổng diện tích gieo trồng đạt 8.392,4 ha, giảm 18,19% (giảm 1.866,4 ha) so với năm trước. Diện tích giảm chủ yếu ở diện tích cây ngô (giảm 32,51% = 2.192,3 ha) so với năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của cơn bão số 4, 5 và 6 gây mưa kéo dài làm chậm tiến độ thu hoạch lúa mùa giải phóng đất cho gieo trồng ngô và một số loại cây trồng khác; mặt khác một số diện tích đất bàn giao làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, trường học... Trong các loại cây trồng vụ đông có cây khoai lang và cây rau các loại diện tích gieo trồng tăng khá (khoai lang tăng 7,38%; rau các loại tăng 22,24%).
Riêng đối với cây ngô và cây khoai tây vụ đông năm 2011- 2012 Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 11/3/2011, về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ giống ngô và khoai tây để sản xuất vụ đông (kinh phí hỗ trợ cây ngô là 3.120 triệu đồng cho 4.800 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, hình thức hỗ trợ 50% giá giống ngô lai; hỗ trợ cây khoai tây là 65 triệu cho 120 ha, hình thức hỗ trợ là 5 triệu đồng/1ha).
- Năng suất của một số loại cây trồng vụ đông tăng so với vụ đông năm trước: Năng suất cây ngô đạt 26,69 tạ/ha, tăng 11,35%; đậu các loại đạt 6,22 tạ/ha, tăng 19.39%; đỗ tương đạt 10,65 tạ/ha, tăng 1,43%; lạc đạt 9,89 tạ/ha, tăng 1,75%. Riêng cây khoai lang và rau các loại năng suất giảm so với vụ đông năm trước (khoai lang đạt 47,71 tạ/ha, giảm 2,37%; Rau các loại đạt 114,71 tạ/ha, giảm 4,04%).
- Do diện tích và năng suất cây trồng giảm nên sản lượng của nhiều loại cây trồng vụ đông so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh. Sản lượng ngô đạt 12.147,9 tấn (giảm 24,85% = 4.017,4 tấn,); sản lượng rau các loại đạt 22.297,9 tấn (giảm 13,95% = 3.614,6 tấn); sản lượng đậu các loại đạt 19,9 tấn (giảm 75,22% = 60,4 tấn); sản lượng đỗ tương đạt 9,6 tấn (giảm 86,42% = 61,1 tấn); sản lượng lạc đạt 25,1 tấn (giảm 67,06% = 43,26 tấn); sản lượng khoai lang đạt 5.365,4 tấn (tăng 4,84% = 247,9 tấn).
+ Vụ đông xuân 2012, thời tiết diễn biến bất thường gây rét đậm, rét hại kéo dài đã và đang làm ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm nghiệp. Hiện các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và chăm sóc tốt diện tích các loại cây đã trồng.
Dự ước tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân đạt 57.310,2 ha, giảm 5,02% (giảm 3.032,1 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Cây lương thực có hạt đạt 31.540,7 ha, đạt 95,35% kế hoạch, giảm 6,27% (giảm 2.109 ha) so cùng kỳ. Trong đó diện tích cây lúa đạt 17.801 ha, đạt 101,26% kế hoạch và giảm 0,41% (giảm 73,8 ha) so với năm trước; Diện tích cấy ngô đạt 13.739,7 ha, đạt 88,64% kế hoạch và giảm 12,9% (giảm 2.035,2 ha) so cùng kỳ.
- Các loại cây chất bột đạt 16.779,5 ha, giảm 4,36% (giảm 765,4 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích cây sắn đạt 14.500 ha, đạt 111,54% kế hoạch, giảm 5,18% (giảm 792,4 ha) so với cùng kỳ năm trước; cây khoai lang đạt 1.829,5 ha, bằng 60,98% kế hoạch, tăng 2,23% (tăng 39,9 ha) so cùng kỳ.
- Cây rau đậu các loại đạt 4.930 ha, giảm 0,29% (giảm 14,1 ha) so với cùng kỳ năm trước.
- Đối với cây lâu năm các địa phương đang tập trung chăm sóc những diện tích hiện có, chuẩn bị cây giống, làm đất để trồng mới và trồng cải tạo. Đã chuẩn bị đủ giống chè các loại đảm bảo để trồng cải tạo 500 ha theo kế hoạch. Cây ăn quả trong quý I/2012 đã trồng mới và trồng cải tạo đạt 8,5 ha.
Trong thời gian tới khả năng thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp như rét đậm, rét hại và hạn hán xảy ra. Các địa phương cần có kế hoạch phòng chống rét và chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Tập trung gieo trồng các loại cây hàng năm, chăm sóc và tiếp tục trồng mới các loại cây lâu năm, cây ăn quả theo kế hoạch năm 2012.
* Chăn nuôi
Trong quý I/2012, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Tuy nhiên do thời tiết rét đậm rét hại với thời gian dài, nhất là các địa phương vùng cao, gây thiệt hại tới đàn gia súc trong tỉnh. Tính đến hết ngày 10/03/2012, toàn tỉnh có 164 con gia súc bị chết rét, trong đó có 146 con trâu, 18 con bò. Chia theo các huyện: Mù Cang Chải 80 con, Văn Chấn 58 con, Văn Yên 24 con, Yên Bình 2 con. Hiện nay, rét đậm rét hại vẫn tiếp tục xảy ra, các địa phương cần chú trọng tập trung hạn chế thấp nhất tình trạng gia súc bị chết do đói, rét; cần có sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí cho số gia súc bị chết rét đồng thời đôn đốc hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ chế biến và bổ sung thức ăn tinh, che chắn chuồng trại và quản lý tốt đàn trâu bò.
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong quý I/2012 trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên rải rác ở một số địa phương vẫn xuất hiện dịch cúm gia cầm; các bệnh tiêu chảy, viêm ruột, đóng dấu lợn, lepto, phù đầu... trên đàn gia súc, đã được các địa phương xử lý và khống chế kịp thời.
Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm được chú trọng. Trong quý, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trên cả nước, ngày 20/2/2012 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có công điện số 02/CĐ-UBND về việc triển khai các các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh cúm gia cầm. Các địa phương trong tỉnh đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho mọi người dân; tổ chức lực lượng thường trực, bố trí vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch. Các ngành chức năng đã lập kế hoạch và trình tỉnh xin phê duyệt kinh phí phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay toàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng vắc sin lở mồm long móng cho gia súc được 92.225 liều (mũi 1 được 78.748 liều, mũi 2 được 13.477 liều); Thực hiện kiểm soát giết mổ được 22.582 con gia súc, gia cầm; Kiểm dịch chặt chẽ đối với việc vận chuyển gia cầm từ tỉnh khác vào trong tỉnh hoặc vận chuyển qua tỉnh. Kết quả kiểm dịch vận chuyển được 5.096 con gia súc.
2. Sản xuất lâm nghiệp
Trong quý I/2012, các địa phương đang tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có, chuẩn bị vật tư, gieo ươm bầu giống để phục vụ trồng rừng theo kế hoạch năm 2012. Tính đến nay toàn tỉnh đã gieo ươm được 9.241,3 nghìn cây giống; trồng mới được 4.225,1 ha rừng các loại, đạt 28,2% kế hoạch năm, trong đó: Trồng rừng sản xuất tập trung đạt 3.667 ha. Trồng cây phân tán đạt 837.210 ngàn cây (khoảng 558 ha).
Công tác quản lý khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã, bảo vệ, phòng chống cháy rừng tại các địa phương được chú trọng tăng cường và quan tân thường xuyên. Trong quý I/2012 không để xảy ra một vụ cháy rừng nào trong phạm vi toàn tỉnh.
3. Thuỷ sản
Trong quý I/2012 các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho cá nuôi ở ao như đảm bảo độ ấm cho tầng nước đáy, thả rơm, rạ cho cá trú ngụ, đồng thời chuẩn bị về vật chất và bảo vệ đàn cá bố mẹ cho việc nuôi, sản xuất cá giống phục vụ sản xuất thủy sản năm 2012. Khuyến khích truyền thống nuôi cá ruộng ở huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng, cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các địa phương có lợi thế về sông hồ lớn như Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình, tiếp tục chuyển đổi ruộng một vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đúng chính sách quản lý ruộng đất canh tác của địa phương nhằm phát huy tốt khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong nhiều năm qua.
II. CÔNG NGHIỆP - XÂY DỰNG
1. Công nghiệp
Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994):
* Tháng 3/2012 đạt 267,565 tỷ đồng (chưa có giá trị phân phối điện), tăng 12,6% so với tháng trước, tăng 22,0% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Công nghiệp trung ương đạt 60,033 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, giảm 19,6% so với tháng cùng kỳ.
- Công nghiệp địa phương đạt 186,818 tỷ đồng, tăng 15,2% so với tháng trước, tăng 32,2% so với tháng cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp nhà nước đạt 10,254 tỷ đồng, tăng 12,1% so với tháng trước, tăng 66,0% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp ngoài nhà nước đạt 176,564 tỷ đồng, tăng 15,4% so với tháng trước, tăng 30,8% so với cùng kỳ.
- Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,714 tỷ đồng, tăng 30,7% so với tháng trước, tăng 3,58 lần so với tháng cùng kỳ.
* Dự ước quý I/ 2012 đạt 711,724 tỷ đồng (chưa có giá trị phân phối điện), đạt 18,2% kế hoạch năm, tăng 11,1% so với cùng kỳ 2010 (cùng thời kỳ này năm trước đạt 17,9% kế hoạch, tăng 16,7% so cùng kỳ). Trong đó:
- Công nghiệp trung ương đạt 176,919 tỷ đồng (chiếm 24,8% tổng số), đạt 16,2% kế hoạch năm, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu (than) không ổn định, thiếu vốn nên ảnh hưởng tới việc sản xuất sản phẩm xi măng (Công ty cổ phần xi măng Yên Bình).
- Công nghiệp địa phương đạt 488,004 tỷ đồng (chiếm 68,6% tổng số), đạt 18,4% kế hoạch năm, tăng 15,5% so với cùng kỳ (cùng thời điểm này năm trước đạt 18,9% kế hoạch, tăng 28,6% so cùng kỳ).
- Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 46,801 tỷ đồng (chiếm 6,6% tổng số), đạt 45,8% kế hoạch năm, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ (tăng chủ yếu do Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam sản xuất ổn định, Sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt).
Nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp trong quí I/2012 ổn định, song so với cùng kỳ năm trước mức tăng thấp hơn. Nguyên nhân do chịu ảnh hưởng của tết cổ truyền dân tộc, hầu hết các đơn vị nghỉ sản xuất khoảng 1/3 thời gian trong tháng 1. Mặt khác trong quý I/2012 thời tiết diễn biến bất thường cộng với giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu đầu vào đều tăng, nhất là giá xăng dầu và điện tăng đã có tác động lớn đến hoạt động sản xuất của từng doanh nghiệp.
Sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2012 chủ yếu tập trung vào những ngành, những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, duy trì sản xuất tốt và phát triển so với cùng kỳ năm trước như: Tinh bột sắn tăng 22,3%; gạch xây tăng 35,7%; gỗ xẻ XDCB tăng 3,4% ; đũa gỗ xuất khẩu tăng 12,3% ; giấy bìa các loại tăng 9,1% ; điện thương phẩm tăng 85,7% ; đá bột tăng 9,8%; fenspat phong hoá tằn 48,2%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): IIP tháng 3 năm 2012 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 38,23% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung IIP 3 tháng năm 2012 tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,76 lần; công nghiệp chế biến tăng 1,6% luôn chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp, chỉ số của ngành này tăng 12,3%; sản xuất phân phối điện nước tăng 38,0% so với cùng kỳ năm trước.
2. Thực hiện vốn đầu tư phát triển của nhà nước
* Dự kiến tháng 3/2012, vốn đầu tư phát triển của nhà nước thực hiện 94,995 tỷ đồng, giảm 4,85% so với tháng trước, giảm 33,32% so với tháng cùng kỳ 2011. Trong đó vốn do địa phương quản lý thực hiện 68,301 tỷ đồng, tăng 14,94% so tháng trước, tăng 5,3% so với tháng cùng kỳ. Vốn do trung ương quản lý thực hiện 26,694 tỷ đồng, giảm 14,39% so tháng trước, giảm 65,60% so với tháng cùng kỳ năm trước.
* Dự kiến quý I/2012, vốn đầu tư phát triển của nhà nước thực hiện 238,885 tỷ đồng, giảm 37,94% so với cùng kỳ 2011. Trong đó:
- Vốn địa phương quản lý thực hiện 170,478 tỷ đồng (chiếm 71,36% tổng số), giảm 22,71% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước thực hiện 150,334 tỷ đồng, đạt 19,38% kế hoạch, giảm 4,82% so với cùng kỳ; vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện được 11,910 tỷ đồng, giảm 76,21% so cùng kỳ; vốn tự có thực hiện được 1,622 tỷ đồng, gấp 6,84 lần so cùng kỳ; vốn khác thực hiện 6,612 tỷ đồng, giảm 43,41% so với cùng kỳ.
- Vốn do trung ương quản lý thực hiện 68,407 tỷ đồng (chiếm 28,64% tổng số), giảm 58,37% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước thực hiện 45,653 tỷ đồng, tăng 1,38% so với cùng kỳ; vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 9,644 tỷ đồng, giảm 85,16%; vốn vay thực hiện 6,830 tỷ đồng, giảm 77,77% so với cùng kỳ; vốn tự có thực hiện 6,280 tỷ đồng, giảm 73,37% so với cùng kỳ.
Như vậy, tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển của nhà nước trong quý I/2012 thực hiện thấp, so với cùng kỳ năm 2011 đều giảm cả ở nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương. Việc thực thi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, cộng với trong những tháng đầu năm, thời tiết diễn biến phức tạp, nghỉ tết nguyên đán, giá cả vật liệu xây dựng biến động tăng cũng có phần làm hạn chế việc thực hiện vốn đầu tư của quý I năm 2012. Một số nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương đến nay còn đang trong giai đoạn hoàn thiện danh mục công trình, dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khối lượng thực hiện chủ yếu vẫn là thực hiện các công trình chuyển tiếp và hoàn tất thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2011.
III. VẬN TẢI - THƯƠNG MẠI
1. Vận tải:
* Vận tải hàng hoá:
- Ước tháng 3/2012, khối lượng hàng hoá vận tải đạt 497,720 ngàn tấn; 9.605,650 ngàn tấn.km; 31,246 tỷ đồng doanh thu. So với tháng trước tăng 4,06% về tấn; tăng 4,24% về tấn.km; tăng 5,35% về doanh thu. So với tháng cùng kỳ năm trước tăng 20,19% về tấn; tăng 25,04% về tấn.km; tăng 69,04% về doanh thu.
- Ước quý I/2012, khối lượng hàng hoá vận tải đạt 1.584,86 ngàn tấn; 30.660,630 ngàn tấn.km; 97,398 tỷ đồng doanh thu. So với kế hoạch năm 2012 đạt 24,76% về tấn; 26,66% về tấn.km. So với quý I/2011 tăng 15,08% về tấn; tăng 20,28% về tấn.km; tăng 77,38% về doanh thu.
* Vận tải hành khách:
- Ước tháng 3/2012, số lượng hành khách vận chuyển đạt 753,13 ngàn người; 37.655,76 ngàn người.km; 24,493 tỷ đồng doanh thu. So với tháng trước tăng 4,96% về người, tăng 5,15% về người.km; tăng 5,51% về doanh thu. So với tháng cùng kỳ năm trước tăng 42,99% về người; tăng 41,79% về người.km; tăng 77,44% về doanh thu.
- Ước quý I/2012, số lượng hành khách vận chuyển đạt 2.229,27 ngàn người; 113.222,76 ngàn người.km; 72,889 tỷ đồng doanh thu. So với kế hoạch năm 2012 đạt 28,40% về người; 28,31% về người.km. So quý I/2011 tăng 21,96% về người; tăng 22,89% về người.km; tăng 61,83% về doanh thu.
Nhìn chung, tình hình vận tải hàng hoá và vận tải hành khách trong quý I/2012 đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước cả về khối lượng và doanh thu. Nguyên nhân là do lưu lượng hành khách đi lại lớn và nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán tăng mạnh. Việc cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng và màng lưới giao thông liên huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện hoạt động, đáp ứng kịp thời được nhu cầu vận tải sản xuất cũng như việc đi lại của dân cư.
2. Lưu chuyển hàng hoá
Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh:
- Tháng 3/2012 đạt 608,575 tỷ đồng, tăng 1,78% so với tháng trước, tăng 29,39% so với tháng cùng kỳ 2011. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 42,364 tỷ đồng, tăng 1,57% so với tháng trước, tăng 25,5% so với tháng cùng kỳ năm trước; kinh tế tập thể đạt 0,662 tỷ đồng, tăng 2,41% so tháng trước, tăng 0,66% so với tháng cùng kỳ năm trước; kinh tế tư nhân đạt 171,953 tỷ đồng, tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 19,86% so với tháng cùng kỳ năm trước; kinh tế cá thể đạt 393,596 tỷ đồng, tăng 2,37% so với tháng trước, tăng 34,58% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Hoạt động khách sạn nhà hàng tháng 3/2012 có xu hướng tăng lên so với tháng trước: Số lượt khách phục vụ đạt 32.111 lượt khách, tăng 2,06% so với tháng trước, giảm 11,0% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 50.747 ngày khách, tăng 2,47% so với tháng trước, giảm 9,92% so với cùng kỳ. Ước quý I/2012, Số lượt khách phục vụ đạt 96.232 lượt khách, giảm 8,32%; ngày khách đạt 151.139 ngày khách, giảm 10,04% so cùng kỳ năm 2011.
- Dự ước quý I/2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 1.901,194 tỷ đồng, đạt 27,16% kế hoạch năm, tăng 33,78% so với quý I/2011 Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 128,220 tỷ đồng (chiếm 6,74% trong tổng số), tăng 32,85%; kinh tế tập thể đạt 2,155 tỷ đồng (chiếm 0,11%), tăng 8,66%; kinh tế tư nhân đạt 538,875 tỷ đồng (chiếm 28,35%), tăng 25,31%, kinh tế cá thể đạt 1.231,944 tỷ đồng (chiếm 64,80%), tăng 38,01% so với cùng kỳ 2011.
Chia theo ngành hoạt động: Ngành thương nghiệp đạt 1.584,351 tỷ đồng (chiếm 83,33% trong tổng số), tăng 32,16%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 219,912 tỷ đồng (chiếm 11,57%), tăng 34,67%; ngành dịch vụ đạt 96,931 tỷ đồng (chiếm 5,1%), tăng 65,28 so với cùng kỳ 2011.
Quý I/2012 có tết cổ truyền, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, ổn định. Các đơn vị kinh doanh thương mại có kế hoạch, chủ động tập trung nguồn hàng phục vụ kịp thời nhu cầu tiêu dùng và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường (trong dịp tết không có hiện tượng khan hiếm hàng, “sốt giá” xảy ra). Cùng với đó các hoạt động xúc tiến thương mại như triển lãm, hội chợ … cũng được đẩy mạnh, kích thích tiêu dùng trong nhân dân và kêu gọi các nhà đầu tư đến với Yên Bái, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùmg hàng Việt Nam”
Công tác quản lý thị trường, nhất là trong dịp tết Nguyên đán được chú trọng. Các cơ quan chức năng phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và lợi ích cho người tiêu dùng.
3. Xuất, nhập khẩu
* Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2012 đạt kết quả khá so cùng kỳ năm trước.
- Tháng 3/2012 ước đạt 3.186,5 ngàn USD, giảm 20,8% so tháng trước, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 44,0 ngàn USD, giảm 58,25% so với tháng trước, bằng 23,54% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân đạt 1.831,1 ngàn USD, tăng 7,43% so với tháng trước, tăng 11,78% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.311,4 ngàn USD, giảm 40,75% so với tháng trước, tăng 18,53% so với cùng kỳ 2011.
- Quý I/2012 ước đạt 9.827,1 ngàn USD, đạt 24,57% kế hoạch năm, tăng 21,89% so với cùng kỳ 2011. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 245,0 ngàn USD (chiếm 2,49% trong tổng số), giảm 47,11% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân đạt 5.030,7 ngàn USD (chiếm 51,19%), giảm 7,75% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.551,4 ngàn USD (chiếm 46,31%), gấp 2,16 lần so với cùng kỳ 2011.
Các mặt hàng xuất khẩu quý I/2012 so với cùng kỳ: Mặt hàng rau quả đạt 75,1 ngàn USD, tăng 2,04%; chè đạt 241,7 ngàn USD, giảm 26,62%; dầu thực vật đạt 316,4 ngàn USD, tăng 38,77%; hàng nông sản khác đạt 1.084 ngàn USD, giảm 52,06%; hàng dệt may đạt 52,0 ngàn USD, giảm 39,95%; các sản phẩm bằng gỗ đạt 979,7 ngàn USD, gấp 2,29 lần; các sản phẩm khác đạt 7.078,2 ngàn USD, tăng 52,66% so với cùng kỳ năm 2011.
Xuất khẩu quý I/2012 đạt khá so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng với bạn hàng sớm hơn. Mặt khác do biến động mạnh của tỷ giá đồng ngoại tệ và nhiều mặt hàng xuất khẩu trong quý tăng giá.
* Nhập khẩu: Giá trị kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2012 ước đạt 30 ngàn USD, bằng 7,2% so với tháng trước và bằng 17,26% so với cùng kỳ năm 2011.
Dự kiến kim ngạch nhập khẩu quý I/2012 đạt 476,3 ngàn USD, tăng 39,84% so với cùng kỳ 2011. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu hàng may mặc, máy móc thiết bị, phụ tùng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất giấy.
4- Giá cả thị trường
* Tình hình giá tiêu dùng:
Giá cả thị trường trong tháng 3/2012 tiếp tục có xu hướng tăng do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng và do sự điều chỉnh của Nhà nước về giá điện, tăng giá xăng dầu, chất đốt. Đồng thời do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng và vật nuôi. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2012 so với tháng trước tăng 0,41%; so với tháng 3/2011 tăng 18,29%; so với tháng 12/2011 tăng 3,06%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 19,79%.
Diễn biến của giá cả thị trường ở một số nhóm hàng như sau:
Chỉ số giá lương thực so với tháng trước tăng 0,11%; so với tháng 3/2011 tăng 11,96%; so với tháng 12 năm trước tăng 3,81%. Bình quân 3 tháng so với cùng kỳ tăng 13,77%. Giá thực phẩm so với tháng trước tăng 0,23%; so với tháng 3/2011 tăng 28,40%; so với tháng 12 năm trước tăng 5,37%. Bình quân 3 tháng so cùng kỳ tăng 30,48%.
So với cùng kỳ năm trước giá cả thị trường tăng lên ở hầu hết các nhóm hàng như: Lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, xăng dầu, chất đốt, thuốc và dịch vụ y tế, đồ dùng gia dụng, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, các dịch vụ khác như sửa chữa đồ dùng, bảo dưỡng phương tiện đi lại, giao thông công cộng, hiếu, hỉ...
Giá vàng tháng 3/2012 so với tháng trước giảm mạnh. Chỉ số giá vàng so với tháng trước giảm 0,91%, so với tháng 3/2011 tăng 15,63%, so với tháng 12/2011 giảm 1,14%; bình quân 3 tháng so cùng kỳ tăng 19,25%. Giá vàng biến động chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Giá vàng bình quân tháng này là 4.359.000 đồng/chỉ.
Giá đô la Mỹ tháng 3/2012 giảm nhẹ. Chỉ số giá đô la Mỹ so với tháng trước giảm 0,43%; so với tháng 3/2011 giảm 2,61%; so với tháng 12/2011 giảm 0,85%; bình quân 3 tháng so cùng kỳ giảm 1,11%. Giá đô la Mỹ bình quân tháng này là 20.834 đồng/USD.
Thực hiện Chỉ thị số 2051/CT-TTG của Chính phủ và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về bình ổn giá và kiềm chế lạm phát trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán các ngành chức năng đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh, giá cả hàng hóa của các cơ sở kinh doanh. Theo dõi sát tình hình diễn biến cung cầu và tình hình giá cả thị trường nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Kiểm soát chặt chẽ đối với giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị và cá nhân sản xuất kinh doanh kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Do có sự chuẩn bị tương đối tốt nên trong quý I/2012 và dịp tết Nguyên đán vừa qua không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, sốt giá xảy ra.
Xu hướng tháng tới: Khả năng giá cả thị trường vẫn có xu hướng tăng lên do có sự điều chỉnh giá của Nhà nước ở một số mặt hàng như điện, xăng dầu, chất đốt...
* Tình hình giá cả thị trường nông, lâm, thủy sản của người sản xuất bán:
Giá hàng nông, lâm, thủy sản của người sản xuất hàng nông lâm nghiệp và thủy sản bán có xu thế tăng mạnh ở hầu hết các nhóm. Chỉ số chung của quý 1/2012 tăng 3,5% so với quý 4/2011. Chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp tết Nguyên đán, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao. Cộng với sự ảnh hưởng của thời tiết.
Chỉ số giá nhóm cây trồng hàng năm tăng 2,83%; nhóm cây trồng lâu năm tăng 4,90%; giá các loại thịt gia súc gia cầm đều tăng từ 1% đến 6%; nhóm các mặt hàng lâm nghiệp tăng 3,72%; nhóm thủy sản tăng 4,94% so quý 4/2011.
V. Tài chính, ngân hàng
* Thu chi ngân sách:
- Tổng thu ngân sách địa phương tính đến ngày 8/3/2012 thực hiện 936,593 tỷ đồng, bằng 21,6% dự toán năm. Trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 59,919 tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán năm; thu bổ sung từ ngân sách trung ương thực hiện 883,659 tỷ đồng, bằng 27,3% dự toán.
- Tổng chi ngân sách địa phương đạt 550,229 tỷ đồng, bằng 12,7% dự toán năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển thực hiện 137,123 tỷ đồng, bằng 14,9% dự toán; chi thường xuyên thực hiện 413,106 tỷ đồng, bằng 12,7% dự toán năm.
* Ngân hàng, tín dụng:
- Tính đến hết tháng 2/2012 tổng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách-xã hội và các quỹ tín dụng cơ sở đạt 6.983 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 6.623 tỷ đồng, tăng 0,23% so với 31/12/2011. Trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn giảm 2,56%, dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn tăng 1,7%.
Thực hiện Thông tư số 05/2012/TT/NHNN ngày 12/ 3/ 2012 và Thông báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã đồng loạt giảm mức lãi suất huy động vốn bằng VNĐ đối với tiền gửi từ 1 tháng trở lên của các chi nhánh ngân hàng thương mại là 13%/năm, các quỹ tín dụng nhân dân là 13,5%/năm theo đúng Thông tư và Thông báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời lãi suất tiền vay cũng được các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện điều chỉnh giảm từ 1% đến 1,5% năm cho các đối tượng khách hàng.
Nhìn chung tình hình hoạt động của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng Chính sách - xã hội, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục ổn định, tăng trưởng nguồn vốn, đảm bảo khả năng chi trả, đáp ứng các nhu cầu vốn cần thiết phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống.
VI. TÌNH HÌNH VĂN HÓA - XÃ HỘI
Tình hình văn hoá - xã hội trong quý I/2012 trên địa bàn tỉnh ổn định, an ninh chính trị được giữ vững. Các hoạt động kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng CSVN (3/2/1930-3/2/2012), ngày quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập đoàn 26/3, ngày thầy thuốc Việt Nam ... được tổ chức trang trọng theo đúng kế hoạch của tỉnh. Gắn ý nghĩa của các ngày kỷ niệm với các phong trào thi đua yêu nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đón tết Nguyên đán Nhâm Thìn với không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kệm, an ninh chính trị được giữ vững. Trong đó nổi lên các hoạt động sau:
* Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái, trong dịp tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các ngành, các cấp của địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện chính sách “An sinh xã hội” đảm bảo cho mọi người dân đều được đón tết, đặc biệt đối với người có công với cách mạng, gia đình chính sách và người nghèo, cụ thể như sau:
- Thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng chính sách và người có công với tổng trị giá quà tặng là 1.881,6 triệu đồng (tiền mặt là 1.865,9 triệu đồng; quà là hiện vật qui tiền 18,7 triệu đồng).
- Thăm và tặng quà các cụ tròn 100 tuổi, 90 tuổi và đối tượng bảo trợ xã hội với tổng giá trị quà tặng 399,9 triệu đồng (tiền mặt 295,2 triệu đồng; quả là hiện vật qui tiền 104,7 triệu đồng).
- Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giá trị là 41 triệu đồng.
- Trong quý I/2012 đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Yên Bái tuy gặp không ít khó khăn như thời tiết diễn biến bất thường, giá cả biến động tăng ảnh hưởng tới sản xuất cũng như tiêu dùng, song nhìn chung ổn định. Tuy nhiên trong quý chỉ có tháng 1/2012 thiếu đói sảy ra trên 7 huyện, thị xã, thành phố, đã có 9.505 hộ với 25.146 nhân khẩu bị thiếu đói. Tỉnh đã xuất 377,19 tấn gạo trong nguồn lương thực dự trữ để cứu đói, với mức trợ giúp 15kg gạo/người. Tháng 2 và 3 trong tỉnh không có hiện tượng thiếu đói xảy ra.
* Về giáo dục và đào tạo giữa năm học 2011-2012 (thời điểm 31/12/2011):
- Giáo dục mầm non, toàn tỉnh có 185 trường tăng 3,35%; 2.932 giáo viên tăng 11,48%; 42.764 cháu, tăng 10,15% so cùng kỳ.
- Giáo dục phổ thông, toàn tỉnh có 169 trường với 8.883 giáo viên, tăng 3,18% so cùng kỳ (tiểu học 4.286; trung học cơ sở 3.315; trung học phổ thông 1.282 giáo viên), trong đó giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn chiếm 99,56% trong tổng số. Có 132.478 học sinh, tăng 0,32% so cùng kỳ (Tiểu học 67.717; THCS 44.361; THPT 20.400 học sinh), trong đó đi học đúng tuổi chiếm 95,38% tổng số học sinh đang học.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học trong học kỳ I tiếp tục được giữ vững. Giáo dục cấp tiểu học tỷ lệ học sinh xếp loại giỏi môn tiếng việt đạt 19,1%, tăng 1,07%; môn toán đạt 28,9% tăng 0,13% so cùng kỳ. Cấp trung học cơ sở xếp học lực giỏi đạt 4,5%, tăng 0,7%; xếp loại yếu còn 0,2%, giảm 0,02% so cùng kỳ. Cấp trung học phổ thông xếp học lực giỏi đạt 2,0%, tăng 0,4%; xếp loại khá đạt 28,3%, tăng 2,8%; xếp loại yếu còn 1,6%, giảm 0,1% so cùng kỳ. Tình trạng học sinh bỏ học trong học kỳ I năm học 2011-2012 vẫn còn xảy ra ở các cấp học (cấp học tiểu học 5 học sinh, trung học cơ sở 107, trung học phổ thông 222).
- Giáo dục Không chính quy, toàn tỉnh giáo dục xóa mù cho 245 người dân tộc ít người, trong đó đã được công nhận xóa mù chữ là 235 người. Giáo dục bổ túc có tổng số 4.720 học sinh (bổ túc trung học cơ sở 1.578; trung học phổ thông 3.142 học sinh), trong đó học sinh là dân tọc ít người chiếm 75,1%.
Năm học 2011-2012, toàn ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học, nâng cao chất lượng xóa mù chữ, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, duy trì số lượng, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, quan tâm đầu tư cho các xã vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng, củng cố các điều kiện dạy và học về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng ngành giáo dục.
- Ngành Văn hoá, thể thao đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiều hoạt động văn hóa thể thao phong phú và đa dạng mang chủ đề xuân Nhâm Thìn như: Tổ chức tốt các lễ hội đầu xuân, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động phục vụ bà con dân tộc, vùng sâu, vùng xa trong dịp tết của người H'mông và tết Nguyên đán trên phạm vi toàn tỉnh với khí thế sôi nổi; tổ chức các giải thể thao "Mừng Đảng-Mừng Xuân, Mừng đất nước đổi mới" cũng như các hoạt động thể thao truyền thống diễn ra sôi nổi, rộng khắp các huyện, thị, thành phố, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho toàn thể nhân dân trong tỉnh, góp phần thúc đẩy tinh thần hăng say lao động và sản xuất của nhân dân.
- Ngành Y tế chú trọng tăng cường công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện các tuyến, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế xã, phường, nhất là trong dịp tế nguyên đán Nhâm Thìn. Trong quý I/2012, các dịch bênh truyền nhiễm theo mùa như bệnh cúm, quai bị, tiêu chảy ở trẻ em và đặc biệt là bệnh tay chân miệng cũng đã xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Tính đến 15/2/2012 ngành Y tế đã khám và điều trị 5.411 ca bênh cúm, 1.223 ca tiêu chảy, 201 ca quai bị và 31 ca bệnh tay chân miệng. Hiện khoa nhi của các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh đang quá tải, thường xuyên có từ 2-3 bệnh nhân nhi/1giường. Ngoài việc điều trị bệnh ngành y thường xuyên tuyên truyền cách phòng bệnh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh ở các đơn vị khám chữa bệnh tuyến cơ sở. Chương trình phòng chống HIV/AIDS được tăng cường, tính đến 10/02/2012 số tích luỹ nhiễm HIV là 4.844 người (có địa chỉ tại tỉnh Yên Bái là 4.086 người), số tích luỹ AIDS là 1.006 người (có địa chỉ tại tỉnh Yên Bái là 886 người), số tích luỹ tử vong AIDS là 439 người (có địa chỉ tại tỉnh Yên Bái là 413 người). Chủ động phòng chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ dịch bệnh nguy hiểm, kết hợp với Chi cục thú y tỉnh kiểm soát dịch, nhất là công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết nguyên đán. Trong quý I/2012, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ổn định không có dịch bệnh lớn xảy ra. Thanh tra Y tế đã kiểm tra được 1.654 cơ sở, trong đó phát hiện 303 cơ sở vi phạm ATVSTP, đã phạt cảnh cáo 31 cơ sở và phạt tiền 47 cơ với tổng số tiền là 19 triệu đồng.
- Về trật tự an toàn giao thông: Trong quý I/2012 số vụ và số người bị chết do tai nạn giao thông đều giảm so cùng kỳ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ; Quyết định số 1165/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Công điện số 12/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh. Tính đến hết tháng 2/2012, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông làm 7 chết người, 9 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 4 vụ, số người chết giảm 5 người (giảm 41,67%), số người bị thương giảm 3 người (giảm 25%). Số trường hợp vi phạm giao thông: Lập biên bản 5.757 trường hợp, xử phạt hành chính 1.509 triệu đồng, tạm giữ 26 xe ô tô, 780 xe mô tô, tước giấy phép lái xe 137 trường hợp.
- Thực hiện tiết kiệm: Các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm trong dịp Tết. Không có hiện tượng xa hoa, lãng phí..
- Vấn đề tôn giáo, dân tộc và an ninh nội bộ ổn định, các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, đón xuân vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tóm lại: Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2012 tuy gặp không ít khó khăn, song hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như ổn định sản xuất, đời sống dân cư được quan tâm kịp thời. An ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Tiếp tục khắc phục khó khăn và phát huy những kết quả đạt được trong quý đầu của năm, trong những tháng tới cần được chú trọng quan tâm một số trọng điểm:
- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
- Tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân, nhất là cây lúa; đảm bảo đủ nguồn nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng. Tăng cường, chủ động trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống đói, chống rét và dich bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất tình trạng gia súc bị chết, cần có sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí cho số gia súc bị chết rét. Kiểm dịch chặt chẽ đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ tỉnh khác vào trong tỉnh hoặc vận chuyển qua tỉnh.
- Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tăng cường kiểm tra đôn đốc tiến độ xây dựng các công trình, kiểm tra chặt chẽ các công trình đang đầu tư; thu hồi chuyển đổi các khoản mục đầu tư đã bố trí song chưa cấp bách và không đúng mục tiêu dự án. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số dự án sản xuất công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh sớm đi vào sản xuất.
- Để sản xuất kinh doanh phát triển ổn định và duy trì bền vững, các cấp, các ngành chức năng cần có biện pháp thiết thực, tháo gỡ kịp thời những khó khăn của các doanh nghiệp trong đầu tư và sản xuất, nhất là việc bình ổn giá, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng cáo, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, có các giải pháp cụ thể khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất. Rà soát, đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư.
- Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Giám sát tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 1165/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân tỉnh về việc Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về Một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh./.