Ngày 1/10, ngày họp cuối của phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Cho ý kiến về các nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung chế tài, quy định xử lý trách nhiệm những trường hợp không hoàn thành, không đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, rút ra những bài học kinh nghiệm cụ thể, làm cơ sở định hướng phát triển trong thời gian tiếp theo.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 , Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
An sinh xã hội nói chung, nhất là khu vực nông thôn được bảo đảm. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa có bước phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân của những tồn tại như: Có tới 10/24 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm, cơ cấu ngành trong GDP và một số chỉ tiêu về môi trường thấp so với kế hoạch; hiệu quả đầu tư chưa cao do đầu tư dàn trải, thời gian triển khai dự án, công trình kéo dài nhất là các công trình cảng biển, sân bay, các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, lạm phát tăng cao, dư nợ tín dụng ngân hàng tăng nhanh, thâm hụt thương mại, nhập siêu kéo dài, bội chi ngân sách trong nhiều năm ở mức cao, nợ công tăng cao sắp đến ngưỡng an toàn trong khi hiệu quả đầu tư công thấp. An ninh, trật tự, an toàn xã hội còn xảy ra nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng hơn, bạo lực xã hội gia tăng, tội phạm hình sự đã đến mức báo động, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông chưa giảm.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan, những tồn tại trên xuất phát chủ yếu từ lỗi chủ quan: Công tác chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, tổ chức bộ máy còn bất cập; việc triển khai thực hiện chưa linh hoạt, đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, nhất là trong phân cấp quản lý ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch; nạn tham nhũng, lãng phí. Thêm vào đó, công tác dự báo về các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường, giá cả... chưa theo kịp diễn biến phức tạp tình hình.
Về mục tiêu tổng quát thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các chỉ tiêu: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 35% GDP; số lao động được tạo việc làm 7,94 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm với 62 huyện nghèo; tuyển sinh mới chính quy đại học, cao đẳng tăng bình quân khoảng 6-7%/năm ; tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 8%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 55%; tỷ lệ che phủ rừng là 42-43%.
Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8-6% là sự cố gắng lớn và những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô của những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, có đến 6 trong tổng số 22 chỉ tiêu không hoàn thành, hai chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với nhiều lần điều chỉnh theo điều hành của Chính phủ trong những tháng đầu năm.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, năm 2012 phải là năm khởi động xây dựng hệ thống chính sách, giải pháp, nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để bảo đảm mục tiêu tổng quát đã đề ra cho năm 2012, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng phải được kiểm soát ở mức một con số; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng từ 6-6,5%. Nhập siêu dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và không quá 10 tỷ USD.
Thảo luận tại buổi họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015, trong 2-3 năm đầu, tập trung thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành bước khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. 2-3 năm tiếp theo, phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thắc mắc, kết quả công tác an sinh xã hội chỉ được Báo cáo đề cập sơ sài; đề nghị Chính phủ tập trung làm rõ nguyên nhân chưa đạt các chỉ tiêu phát triển 5 năm qua trong lĩnh vực này, nhất là tác động của lạm phát tăng cao, gây áp lực lớn đến đời sống người dân. Thời gian tới, cần củng cố mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt là trong tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chú trọng đến yếu tố vùng miền…
Đồng tình với chỉ tiêu giữ mức tăng trưởng kinh tế là 7% trong giai đoạn 5 năm tới nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên hoạch định, chuyển đổi mục tiêu đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu để nâng cao hiệu quả.
Đối với chỉ tiêu lạm phát, ông Hiển đề nghị cần giữ ở mức tốt nhất là ở 8-9% trong năm 2012 để những năm tiếp theo giảm dần, tiến tới 5% vào năm 2015; song song với tăng thêm nguồn dự trữ quốc gia, dự trữ tài chính để bổ sung tiềm lực xử lý các vấn đề phát sinh.
Không hài lòng trước tình trạng một số địa phương lạm chi vào ngân sách dành cho giáo dục để ưu tiên phát triển kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đề nghị cần có sự điều hành cứng rắn của Nhà nước để nguồn ngân sách này được sử dụng đúng mục đích. Ông Thi cho rằng, thực trạng này đã tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục trong thời gian qua. Dẫn chứng, hiện nay, quy mô tuyển sinh đào tạo đại học đang vượt xa khả năng đào tạo, dẫn đến càng tuyển sinh đông thì chất lượng đào tạo càng giảm, ông Thi đề nghị, bên cạnh các chỉ tiêu về số lượng trong nhóm các chỉ tiêu phát triển an sinh xã hội, giáo dục đào tạo của giai đoạn 5 năm tới, cần phải có các yếu tố về chất lượng mới đảm bảo hiệu quả phát triển.
Quan tâm đến khâu phân định trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đề nghị làm rõ nguyên nhân của các chỉ tiêu không đạt trong kế hoạch 5 năm qua và phải xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm. Ông Lý đề nghị, cần có chế tài trong việc quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện không đạt các chỉ tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị.
Việc tổng kết thực hiện kế hoạch 5 năm cần làm sâu sắc hơn kinh nghiệm rút ra, để làm căn cứ xây dựng định hướng phát triển thời gian tiếp theo. Đối với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm tới, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện khung pháp lý vì đây là giải pháp quan trọng hàng đầu đảm bảo cho thành công của Kế hoạch.
Nghiêng về phía kịch bản 2 của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo do Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, trong tình hình hiện nay, mức 6,5% là hợp lý trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và diễn biến bất lợi do thiên tai trong nước. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, Chính phủ phải đưa các các giải pháp cụ thể huy động nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch 5 năm tới.
Cho ý kiến về các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ cần nhận định sâu sắc hơn về các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, nhất là về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời đánh giá cụ thể những thuận lợi, tiềm năng phát triển của đất nước trên các mặt chính trị, ngoại giao, tài nguyên, nguồn nhân lực.
Phân tích Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ giai đoạn 5 năm tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoạch định các mục tiêu tổng thể, định hướng phát triển, trên cơ sở đó đặt ra các chỉ tiêu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại; chú ý đến tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu lao động, phấn đấu nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn trong các ngành nghề dịch vụ…
Căn cứ vào hai kịch bản phát triển giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% và 6,5%, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình phương án tăng trưởng 6,5% đến 7% nhưng phải đạt được mức trung bình 7% vào cuối giai đoạn để tại kỳ họp tới, Quốc hội cho ý kiến, thảo luận./.