Cách đây 10 năm, ngày 14/11/2001, các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã khởi động vòng đàm phán Doha đầu tiên về hiệp định tự do thương mại toàn cầu với nhiều hy vọng.
Song một thập niên trôi qua, các vòng đàm phán vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào. Các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới thậm chí còn thừa nhận rằng đàm phán Doha sẽ không bao giờ có kết quả nếu các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục như hiện nay.
Tại hội thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đây tại Cannes (Pháp), các nhà lãnh đạo thế giới nói rằng họ ủng hộ những nhiệm vụ mà Chương trình nghị sự phát triển Doha (DDA) đặt ra, nhưng họ cũng nói rõ "chúng ta sẽ không hoàn thành DDA nếu tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán như trước đây."
Vòng đàm phán thương mại Doha được khởi động nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cải thiện tiếp cận thương mại. Tuy nhiên, các nước công nghiệp hóa và các nước đang phát triển liên tục không đạt được nhất trí về mức độ cắt giảm thuế hàng công nghiệp và trợ cấp nông nghiệp.
Sự tê liệt của Vòng đàm phán Doha đe dọa WTO
Hồi tháng 1/2011, một số nhà lãnh đạo chính trị đã kêu gọi kết thúc đàm phán trong năm 2011, với việc Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo rằng "chúng ta không thể tiếp tục một năm đàm phán khác sau một thập kỷ." Đúng ba tháng sau đó, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy thừa nhận các cuộc đàm phán thương mại này đang trên bờ vực thất bại.
Các nước thành viên sau đó bắt đầu xem xét liệu có thể đạt được thỏa thuận nhỏ về các hạng mục đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia nghèo nhất thế giới hay không. Tuy nhiên, họ nhanh chóng thừa nhận rằng họ không thể ký kết thậm chí là một hiệp định có quy mô thu nhỏ.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh chỉ ra rằng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hiện nay cũng như thực tế rằng một vài nền kinh tế tiên tiến sắp tổ chức bầu cử," sẽ rất khó để hoàn tất đàm phán Doha trong năm nay."
Ông Trần Đức Minh cho rằng "hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp cao ở hầu hết các nước phát triển còn một số đang chuẩn bị bầu cử, vì vậy chúng ta cần phải thực tế. Sau giai đoạn ảm đạm này và sau khi hoàn tất lịch hoạt động chính trị, có thể xuân sẽ lại đến với vòng đàm phán Doha và hy vọng mùa Xuân này có thể đến vào cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013."
Nhà phân tích Karen Hansen-Kuhn thuộc Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại nói: "Rõ ràng rằng các cuộc đàm phán đang không đi tới đâu và chúng sẽ không đi tới đâu vì các điều kiện thay đổi quá nhiều. Chúng ta hiện có các vấn đề về biến động giá lương thực, đầu cơ tài chính cần được giải quyết trong các cuộc đàm phán quốc tế chứ không phải là những vấn đề không phù hợp với tình hình hiện nay hoặc không thực sự có ích."
Bà nhấn mạnh trên thực tế, kêu gọi mở cửa hơn nữa các thị trường khó có thể được ủng hộ trong bối cảnh mà ở đó vấn đề tăng cường an ninh lương thực nổi lên, chứ không phải vấn đề tự do thương mại./.