Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần rà soát, xem xét sửa đổi bổ sung Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2012 để phù hợp với các chính sách của Chính phủ đã đề ra.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: " Lạm phát cao trở lại sẽ ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô". Ảnh: Chinhphu.vn
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong khi phát huy tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển, vẫn tiếp tục khẳng định năm 2012 kiên trì ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát (khoảng 9%), ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tốc độ tăng trưởng 6%, nếu có điều kiện thì vươn lên đạt 6,5%. Phải tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu này, nhất là chính sách tiền tệ, kiểm soát giá cả, chống đầu cơ; kiểm soát nhập siêu; giữ tỷ giá ổn định.... Cần nhận thức, năm 2012 là năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, những hạn chế yếu kém của nền kinh tế còn nhiều, việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cần được kiểm soát chặt chẽ và vững chắc. Nếu điều hành không quyết liệt, chặt chẽ, kiên trì và đồng bộ thì có thể lạm phát cao trở lại, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, làm đảo lộn các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2012.
Liên quan đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, tốc độ tăng GDP năm 2011 dự kiến đạt 5,9% một phần do tác động của cả đầu tư công lớn năm 2010. Năm 2011, công nghiệp cũng tăng khá, nông nghiệp được mùa, tăng 2,2 triệu tấn lúa, khu vực kinh tế dịch vụ cũng phát triển tốt. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện mục tiêu đạt tốc độ tăng GDP trong năm 2012 là 6% (thuận lợi là 6,5%) là rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% cần phát huy tối đa tiềm năng để phát triển, hạn chế và giảm bớt các yếu kém. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều lợi thế so sánh như một đất nước có chính trị, kinh tế - xã hội ổn định; đất nước có nhiều lợi thế về nông nghiệp (trong năm 2011, giá trị xuất khẩu trong nông nghiệp đạt 26 tỷ USD); là một thị trường nội địa đầy tiềm năng (dân số gần 90 triệu người); có cộng đồng Việt kiều đông đảo sống tại nhiều nước trên thế giới (với khoảng 4 triệu Việt kiều và người lao động Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài). Năm 2012 khó khăn lớn là sẽ giảm đầu tư công. Trong năm 2012, tổng vốn đầu tư công dự kiến khoảng 225.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước khoảng 180.000 tỷ đồng và vốn trái phiếu là 45.000 tỷ đồng. Để bù đắp số vốn đầu tư công giảm sút này, cần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế cần phải thúc đẩy mạnh mẽ vận động, xúc tiến thu hút ODA, FDI và quảng bá, xúc tiến du lịch.
Về tình hình kinh tế thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành theo dõi, cập nhật tình hình và đề xuất những giải pháp kịp thời. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng GDP của nhiều nước năm 2012 sẽ bằng và có thể giảm so với năm 2011. Liên quan đến xuất nhập khẩu với khối EU, Thủ tướng Chính phủ nhận định, EU là thị trường với 20% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là xuất siêu, do đó việc kinh tế EU trong giai đoạn tới tiếp tục khó khăn sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động xuất nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam.
Trong kết luận chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 4 vấn đề lớn cần tập trung năm 2012:
Đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra các giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ (dự nợ tín dụng khoảng 15-17%), chính sách tài khóa (thâm hụt ngân sách nhỏ hơn 4,8% GDP); kiểm soát giá cả tại các địa phương; kiểm soát nhập siêu (phấn đấu bằng năm 2011 là 10%), cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng không thiết yếu, sử dụng hàng trong nước đã sản xuất được và nâng cao chất lượng lên; ổn định tỷ giá; thực hiện lãi suất dương,giảm lãi suất cho vay phù hợp với tốc độ giảm lạm phát.
Vấn đề lớn thứ hai mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là cần quan tâm việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong điều kiện lạm phát cao, lãi suất cho vay còn cao thì doanh nghiệp rất khó khăn. Trên cơ sở điều hành kinh tế vĩ mô, giảm bớt dần lãi suất cho vay theo đà giảm lạm phát. Do đó, các địa phương, các ngành còn nhiều tiềm năng, cần bám sát tình hình, cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đầu tư.
Vấn đề thứ ba là thưc hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tái cơ cấu đầu tư công trước hết là giảm tỷ lệđầu tư công hợp lý trong tổng đầu tư toàn xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng đầu tư công, khắc ohujc chi phí đầu tư cao, chất lượng thấp; tập trung đầu tư công vào các công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa kinh tế - xã hội, để ổn định kinh tế xã hội, bao gồm thanh toán các công trình đã hoàn thành và sẽ hoàn thành trong năm 2012. Nếu đầu tư công cao thì phải vay lớn, ảnh hưởng đến ổn định. Các vấn đề về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng cũng sẽ có đề án sớm, gắn với nhau.
Vấn đề thứ tư là an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển y tế, giáo dục, đặc biệt trong điều kiện khó khănđếnđâucũng không được để cho y tế, giáo dục bị giảm sút, đi cùng với đó là giải quyết tốt những vấn đề bức xúc liên quan đến y tế, giáo dục, phòng chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần hết sức chú trọng tới công tác kiểm soát giá cả; chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tình trạng đầu cơ, nâng giá; thực hiện chính sách bình ổn giá; chăm lo một cái Tết chu đáo cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo./.