Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngày 3/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự Hội nghị lần thứ 4 nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Vân Nam với 4 tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu.
|
Toàn cảnh Hội nghị
|
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao cơ chế hợp tác giữa 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang với tỉnh Vân Nam, đồng thời tin tưởng đây là dịp tốt để các bên tiếp tục trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác thiết thực giữa hai bên trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, góp phần đưa quan hệ Việt – Trung không ngừng đơm hoa, kết trái.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, quan hệ giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam cũng có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Cơ chế hợp tác giữa 4 tỉnh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương biên giới hai nước, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân địa phương hai bên, góp phần xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, ông Lý Kỷ Hằng
|
Để tạo bước chuyển mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cùng làm rõ những mặt làm được, chưa làm được để cùng rút kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị những giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn. Các thỏa thuận, hợp tác phải được thực hiện nghiêm túc, thực chất có hiệu quả và tôn trọng những điểm đã thống nhất.
Cần duy trì các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên, bằng nhiều hình thức linh hoạt giữa lãnh đạo 4 tỉnh biên giới Việt Nam với tỉnh Vân Nam, tăng cường hơn nữa mối giao lưu, trao đổi giữa các huyện, lỵ vùng biên hai nước. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị Việt-Trung bằng nhiều hình thức thiết thực để nhân dân địa phương biên giới hai nước nhận thức rõ tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, làm cho quan hệ này không ngừng đơm hoa, kết trái.
Các Bộ, ngành Trung ương hai nước sớm triển khai mở, nâng cấp các cặp lối mở, cửa khẩu: A Pa Chải – Long Phú, U Ma Tu Khòong-Bình Hà, Thanh Thủy-Thiên Bảo để tạo thuận lợi thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các địa phương Việt Nam với Vân Nam. Từng bước cân bằng thương mại giữa hai bên, tích cực nghiên cứu và sớm triển khai một số dự án hợp tác tiêu biểu có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Phó Thủ tướng đề nghị 2 bên cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Các cặp biên giới, cửa khẩu phải trở thành mẫu mực.
Phó Thủ tướng lưu ý cần làm tốt một số công việc sau: Thực hiện nghiêm chỉnh 3 văn kiện quản lý biên giới trên đất liền, phối hợp bảo vệ tốt các công trình xây dựng kè bảo vệ mốc và kè sông, suối biên giới, tránh tình trạng xây dựng kém chất lượng. Hạn chế tình trạng xây dựng kè không đúng với thiết kế đã thống nhất, không lấn sông làm ảnh hưởng tới dòng chảy của sông ở khu vực biên giới.
Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Lý Kỷ Hằng đánh giá cao những ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời nhấn mạnh sự có mặt của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam tại Hội nghị này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Việt Nam với mối quan hệ truyền thống của 4 tỉnh biên giới với tỉnh Vân Nam.
Ông Lý Kỷ Hằng đã nêu bật một số hợp tác tiêu biểu giữa tỉnh Vân Nam và và các tỉnh biên giới Việt Nam, đó là dự án xây dựng cầu sông Hồng giữa Vân Nam - Lào Cai đã thông xe, cửa khẩu Thiên Bảo – Thanh Thủy (Hà Giang) chuẩn bị trở thành cửa khẩu quốc tế. Về phát triển kinh tế mậu dịch, Việt Nam đã 5 năm liên tục trở thành bạn hàng lớn thứ 2 của tỉnh Vân Nam. Hội nghị lần thứ 4 chính là cầu nối, là biểu tượng hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như 4 tỉnh biên giới của Việt Nam với Vân Nam.
Để trở thành cầu nối quốc tế của Trung Quốc hướng tới Đông Nam Á và Nam Á, tỉnh Vân Nam còn phải làm rất nhiều việc, chẳng hạn tỉnh Vân Nam khuyến khích hai bên mua bán nông sản, thủy sản, giống cây trồng, thúc đẩy các dự án đã ký thỏa thuận để sớm triển khai, ủng hộ các triển lãm, hội chợ do hai bên tổ chức. Thúc đẩy nhanh các dự án giao thông đường thủy, đường sắt và đường bộ, tiến tới các dự án vận tải đưa khách du lịch trực tiếp từ Côn Minh tới Sa Pa. Đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả thông quan giũa cửa khẩu Hà Khẩu và Lào Cai. Sớm mở cửa khẩu Đô Long-Sín Mần. Khuyến khích đặt các ngân hàng đại diện của hai bên tại các địa phương mỗi bên.
|
Lễ ký kết các văn bản giữa 4 tỉnh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam.
|
Vân Nam coi phát triển du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mình, theo đó năm 2011 đã có 175 triệu du khách quốc tế đến Vân Nam, Việt Nam cũng góp phần vào chiến lược phát triển du lịch của Vân Nam với 250.000 lượt khách. Tiếp tục mở rộng không gian hợp tác đôi bên biên giới, phiên họp lần này nhằm thúc đẩy và nâng cao khả năng hợp tác giữa 2 bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy cho mối quan hệ chung của hai quốc gia.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Tỉnh trưởng Vân Nam Lý Kỷ Hằng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ của phiên họp 2012 giữa 4 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Vân Nam; biên bản ghi nhớ cơ chế liên lạc về lĩnh vực cảnh sát cảnh vụ giữa 5 tỉnh và Quy hoạch hợp tác giai đoạn 2012 – 2015 giữa Châu Vân Sơn (Vân Nam) và Hà Giang (Việt Nam).
Dự kiến, chiều 3 và ngày 4/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam sẽ đến thăm thôn dân tộc, thăm triển lãm Top 10 thôn Trung Quốc, khảo sát tại Tập đoàn gang thép Côn Minh, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới, thăm Đại học Nông nghiệp Vân Nam và một số cơ sở khác.
Nhóm công tác liên hợp giữa các địa phương Việt Nam có biên giới với Trung Quốc được thành lập năm 2007 nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các địa phương biên giới hai nước Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển ở khu vực biên giới hai nước. 4 năm qua, cơ chế đặc biệt này đã từng bước được quy chuẩn hóa, phát huy vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, phát triển quan hệ giữa các địa phương biên giới hai nước.
Điểm sáng hợp tác giữa Vân Nam và Việt Nam là dự án khai thác một số mỏ sắt, nhà máy thép 1 triệu tấn/năm của Vân Nam tại Lào Cai (dự án đầu tư lớn nhất của Vân Nam ở nước ngoài) và những hợp đồng mua bán điện giữa Vân Nam và Việt Nam.
|
Tứ Lương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ