(MPI Portal) - Chiều ngày 21/11, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Simon Andrews, Giám đốc Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam để trao đổi về kế hoạch tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG).
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (phải) và ông Simon Andrews (trái). Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Tại buổi tiếp, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảm ơn IFC, WB đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công các Diễn đàn Doanh nghiệp vừa qua. Ở các nước đang phát triển, VBF là sự kiện rất quan trọng, là môi trường trao đổi, đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Bộ trưởng mong muốn IFC, WB phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tốt Diễn đàn trong bối cảnh Việt Nam đang tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Về chủ trương chuyển giao tổ chức VBF cho Phòng thương mại các nước và các Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ trưởng hy vọng WB và IFC vẫn tiếp tục quan tâm nhiều hơn và hỗ trợ để VBF hoạt động ngày càng hiệu quả.
VBF và CG là 2 sự kiện thường niên nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp và các nhà tài trợ. Mục tiêu của Diễn đàn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là sự kiện diễn ra trước thềm CG.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, CG năm nay sẽ có chủ đề về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tài chính. Bà mong muốn CG năm nay sẽ được thảo luận sôi nổi hơn, với sự tham dự trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đến từ Malaysia và các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực giảm nghèo điều hành các phiên thảo luận./.
Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) là bộ phận phụ trách khu vực tư nhân thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Nhiệm vụ của IFC là thúc đẩy đầu tư vào khu vực tư nhân tại các nước đang phát triển nhằm xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. IFC cấp vốn cho các dự án đầu tư bằng tiền của mình và qua huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế. IFC cũng cung cấp trợ giúp kỹ thuật và tư vấn cho chính phủ và doanh nghiệp.
IFC là tổ chức đa phương cung cấp vốn cổ phần và vốn vay lớn nhất cho các doanh nghiệp tư nhân tại các nước đang phát triển. Nguồn vốn của IFC là dài hạn và theo điều kiện thị trường.
Vốn điều lệ của IFC do 175 nước thành viên cung cấp, và họ cùng quyết định chính sách và phê duyệt các khoản đầu tư của IFC. IFC chia sẻ rủi ro dự án cùng với chủ đầu tư và các đối tác tài chính khác nhưng không tham gia vào việc quản lý dự án. Sự tham gia của IFC và các dự án giúp đảm bảo và cân bằng như cầu của các bên trong một giao dịch: Nhà đầu tư nước ngoài, đối tác trong nước, các tổ chức tín dụng khác và chính quyền.
Từ năm 1994 đến tháng 10 năm 2011, IFC đã cam kết cấp vốn cho 15 dự án tại Việt Nam. Đối với các dự án này, IFC đã cung cấp 383 triệu USD trong đó 180 triệu USD thuộc sở hữu của IFC và 203 triệu USD thuộc về các ngân hàng tham gia.
IFC hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân tại Việt Nam qua đầu tư và tư vấn. Ưu tiên chiến lược của IFC tại Viêt Nam là tiếp tục tập trung vào xây dựng tổ chức và thị trường tài chính trong nước; Phát triển cơ sở hạ tầng qua tư nhân hoá và đầu tư; Cải cách Doanh nghiệp nhà nước; Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); Cải thiện môi trường đầu tư.
|
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư