(MPI Portal) - Sáng ngày 10/4, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, Bộ Công thương đã tổ chức buổi Hội thảo "Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế và thương mại Việt Nam, khuyến nghị chính sách thực hiện Chiến lược Xuất – Nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030”.
|
Ban chủ tọa Hội thảo.
|
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương Phan Văn Chinh đồng chủ trì buổi Hội thảo. Ngoài ra còn có sự tham gia của các đại biểu các Bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại.
|
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã trình bày tóm tắt báo cáo Tác động của cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam và các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Bộ Công thương giai đoạn 2011 – 2015. Báo cáo này do nhóm cán bộ đến từ: Bộ Công thương, Viện quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế VIệt Nam và Trung tâm phân tích kinh tế thuộc Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Báo cáo bao gồm 3 phần chính:
Thứ nhất,cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các Hiệp định khu vực thương mại tự do FTA: trình bày tiến trình hội nhập của Việt Nam, được bắt đầu từ năm 1995 với ba sự kiện lớn (Diễn biến đàm phán BTA ký năm 2000; Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tham gia hiệp định MĐT ASEAN và Đàm phán gia nhập WTO và trở thành thành viên năm 2007).
Thứ hai,diễn biến tác động của hội nhập đến nền kinh tế và hoạt động thương mại của Việt Nam. Báo cáo nêu rõ tác động của hội nhập đến các chính sách về đầu tư, tài khóa, tiền tệ (tỷ giá) và thương mại; tác động đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động thương mại trong đó có xuất, nhập khẩu và thương mại nội địa.
Thứ ba,khuyến nghị chính sách phát triển xuất khẩu, hạn chế nhập siêu giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu đến năm 2020. Báo cáo đưa ra các dự báo triển vọng kinh tế và thương mại thế giới, việc thực thi các cam kết hội nhập của nước ta, tác động của nó đến hoạt động thương mại nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung. Các kiến nghị được đưa ra theo hướng thay đổi tư duy chính sách thương mại mới; đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu dựa trên các chính sách về tỷ giá, đầu tư, các biện pháp hoàn thiện cơ chế quản lý xuất khẩu, tổ chức thị trường và xúc tiến thương mại.
|
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất-Nhập khẩu Bộ Công thương.
|
Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Quá trình hội nhập sâu rộng mở ra các cơ hội phát triển cũng như những khó khăn thách thức, làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Tình hình hiện nay (ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Chiến lược 2011 – 2020) đòi hỏi phải có những thay đổi chiến lược, chính sách xuất nhập khẩu mới. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành trong bài phát biểu của mình đã đưa ra một số kiến nghị về tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập siêu bao gồm: Trước hết cân nhắc chính sách tỷ giá dựa trên tỷ giá trung bình thị trường và mức độ linh hoạt trong điều hành Ngân hàng nhà nước. Đối với chính sách đầu tư, khuyến nghị hạn chế đầu cơ tài sản, cắt giảm đầu tư công, chuyển hóa tiết kiệm tích lũythành dự trữ quốc gia và đầu tư phát triển; thu hút FDI; sử dụng ODA gắn với hiệu quả, tính bền vững nợ công và nợ nước ngoài; đấu thầu gắn với lựa chọn công nghệ hài hòa giữa chi phí thấp và hiệu quả sử dụng; phát triển cụm ngàng và công nghiệp hỗ trợ. Cần nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông – lâm – thủy sản; hoàn thiện cơ chế quản lý xuất khẩu; tổ chức thị trường và xúc tiến thương mại; quản lý nhập khẩu và giảm nhập siêu.
|
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất – Nhập khẩu, Bộ Công thương.
|
Đánh giá chiến lược xuất nhập khẩu 2001 – 2010, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất – Nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết xuất khẩu hàng hóa trung bình cả giai đoạn đạt 17,42% năm vượt 1,42% so với chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược là 16%. Nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 – 2010 tăng trưởng 18,42%. Thời kỳ 2001 – 2010, Việt Nam trong tình trạng nhập siêu với tổng kim ngạch là 62 tỷ USD, chiếm 15,86% so với xuất khẩu. Với mục tiêu tổng quát“Phấn đấu đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gấp trên 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2000 USD, cán cân thương mại được cân bằng”,ông Phan Văn Chinh nêu lên các giải pháp thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020 bao gồm:
-Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
-Phát triển thị trường.
-Điều chỉnh chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.
-Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics.
-Đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
-Kiểm soát nhập khẩu.
-Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của Hiệp hội ngành hàng.
|
Toàn cảnh Hội thảo.
|
Hội thảo đã đi sâu phân tích những tác động của Hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam và đưa ra những giải pháp hội nhập có hiệu quả tập trung vào chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo đuổi các mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững trong thời đại ngày nay phải được thực hiện bằng các công cụ chính sách tinh vi hơn, khoa học hơn và có tính liên ngành, đa ngành hơn./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư