Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/10/2011-16:00:00 PM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011
(MPI Portal) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng ngày 26/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung. Tham dự cuộc họp có đại diện của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và Tổng công ty đã tập trung thảo luận các vấn đề chủ yếu như: tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu tháng 10 và 10 tháng năm 2011; tình hình giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản thuộc các nguồn vốn; các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút vốn ODA và FDI; tình hình phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm…
Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011, một số nội dung chính của báo cáo như sau:
Về sản xuất công nghiệp
Nhìn chung, giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn mức kế hoạch cả năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,2% trong tháng 10/2011 so với tháng 9 và tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2011, IIP tăng 7% so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng đầu năm 2011, các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng dương, ví dụ như xi măng tăng 8,8%, sắt thép tăng 13,5%, phân hoá học tăng 2%, than đá tăng 2,6%, vải dệt tổng hợp tăng 22%.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn còn một số khó khăn như giá cả nguyên liệu đầu vào và giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, thiếu lao động phổ thông cho một số ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ…, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay bị hạn chế, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mức cao.
Về tình hình sản xuất nông nghiệp
Tình hình sản xuất nông nghiệp được đánh giá là tương đối ổn định. Sản xuất nông nghiệp tháng 10 năm 2011 tập trung chủ yếu vào thu hoạch lúa mùa tại các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa hè thu, thu đông và gieo cấy lúa mùa tại các địa phương phía Nam. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định và không có biến động lớn do dịch bệnh đuợc khống chế. Thủy sản đạt sản lượng tương đối cao, ước đạt 467,2 nghìn tấn, tăng 4,4% so với năm ngoái.
Hoạt động của khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10/2011 ước đạt 167,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,55% so với tháng 9/2011. Tính cả 10 tháng đầu năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hoá uớc đạt 1.561 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2010.
Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách trong 10 tháng 2011 đã đạt kết quả khả quan. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 665,3 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động của ngành bưu chính, viễn thông cũng đạt kết quả cao. Trong 10 tháng đầu năm, số thuê bao mới trong cả nước ước đạt 130,7 triệu thuê bao, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về hoạt động xuất nhập khẩu
Xuất khẩu
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu đuợc cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2011 ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu uớc đạt 78 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 37,1 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm truớc là là dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, máy tính và linh kiện. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua chủ yếu là Hoa Kỳ, ASEAN, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhập khẩu
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 9,1 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86,4 tỷ USD, tăng 27,2%, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 38,3 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm chủ yếu là ASEAN, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhập siêu 10 tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu, trong đó thị trường nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt khoảng 11,1 tỷ USD, ASEAN 6,5 tỷ USD, Hàn Quốc 6,5 tỷ USD và Đài Loan hơn 5,5 tỷ USD.
Về thu chi ngân sách nhà nước và giá cả
Tổng thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 10 ước đạt 23.960 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến 15/10/2011 đạt 529.925 tỷ đồng.
Chi ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 10 ước đạt 30.140 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 10/2011 đạt 574.490 tỷ đồng. Chi ngân sách nhà nước trong kỳ đã đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ của ngân sách, đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu hoạt động của bộ máy nhà nước, tập trung xử lý nhu cầu phát sinh góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 tăng 0,36% so với tháng trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 14 tháng trở lại đây. CPI tháng 10/2011 so với tháng 12/2010 tăng 17,05%; so với tháng 10/2010 tăng 21,59%, bình quân 10 tháng năm 2011 tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư phát triển
Về vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, tính đến hết tháng 10/2011, nguồn ODA cho vay lại đạt 3.800 nghìn tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm. Nguồn vốn trong nước cho vay đầu tư thực hiện ước khoảng 18.697 nghìn tỷ đồng, bằng 81,29% kế hoạch năm theo Nghị quyết 11/NQ-CP.
Tính đến ngày 20/10/2011, tổng vốn ODA đã ký đạt 4.717,41 triệu USD. Tổng giá trị giải ngân 10 tháng đầu năm 2011 ước đạt khoảng 2.330 triệu USD, bằng 97% kế hoạch năm. Theo báo cáo của 2 địa phương lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì tính đến nay cả hai thành phố này đều đạt kết quả giải ngân ODA tốt.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2011, cả nước có khoảng 861 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 8.876 triệu USD. Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong 10 tháng năm 2011 là 264 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm là 2.398 triệu USD. Tính chung cả vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm ước đạt 11.274 triệu USD, tổng vốn thực hiện ước đạt 9.000 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ.
Về phát triển doanh nghiệp
Số lượng đăng ký kinh doanh, tính đến ngày 20/10/2011 cả nước có gần 64 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh đạt 397,2 nghìn tỷ đồng. Riêng thành phố Hà Nội, năm 2011, có 1.450 doanh nghiệp mới được đăng ký, tuy nhiên có đến 2.800 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động.
Nhận định và đánh giá tình hình
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung chủ trì Hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011. Ảnh: Lê Tiên
(Báo Đấu thầu)
Với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương nên tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011 tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty không đuợc chủ quan mà phải tiếp tục đưa ra những chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nghiêm túc tuân thủ việc thực hiện theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ.
Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có bước phát triển, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, nhập siêu giảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt bảo đảm cân đối các nhu cầu chi một cách chủ động. Tốc độ lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khó khăn, tồn tại hiện nay như giá cả vẫn còn xu hướng tăng, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đang ở mức cao. Giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu tăng cao. Nhập siêu vẫn còn lớn. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1190
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)