Trong cuộc bán đấu giá trái phiếu chính phủ trung hạn và dài hạn ngày 13/9, Italy đã huy động được 6,5 tỷ euro với lãi suất thấp nhất trong hơn hai năm qua.
Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ Đức ủng hộ kế hoạch can thiệp vào các thị trường trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để giữ lãi suất trái phiếu ở mức thấp và giảm chi phí đi vay cho các nền kinh tế gặp khó khăn nhất trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Đợt đấu giá trái phiếu ngày 13/9 được đánh giá là thước đo tin cậy tâm trạng của các nhà đầu tư đối với kinh tế Italy, bởi số trái phiếu trên có dải kỳ hạn rộng. Thành công của đợt bán đấu giá lần này một phần nhờ vào thông tin Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - ngày 13/3 lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Chủ tịch ECB Mario Draghi về mua trái phiếu của của các nước mang gánh nợ lớn, sau một thời gian kiên quyết phản đối.
Mặc dù, ECB không tham gia vào cuộc đấu giá trái phiếu ngày 13/9, nhưng sự hiện diện của ECB có thể cảm nhận được khi Italy huy động được 4 tỷ euro trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 2,75% (thấp hơn đáng kể so với 4,65% trước đó), 1,5 tỷ euro trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lãi suất 5,32% (giảm từ mức 5,9%) và 1 tỷ euro kỳ hạn 5 năm với lãi suất 3,71% (so với 4,6% trước đây).
Theo Ngân hàng trung ương Italy, nhu cầu trái phiếu cao gấp ba lần so với lượng trái phiếu chào bán.
Trên các thị trường thứ cấp, trái phiếu kỳ hạn 10 năm đóng cửa phiên 13/9 với lãi suất 5,01%, giảm 0,36% và tiến gần đến mức thấp nhất kể từ ngày 20/3 là 4,91%. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn này hôm 24/7 đã tăng lên mức cao 6,61%, xấp xỉ ngưỡng "nguy hiểm" 7%.
Lãi suất trái phiếu giảm là điềm báo tốt lành cho nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này. Bộ trưởng tài chính Italy, Vittorio Grilli, trước đó nói rằng Italy sẽ không cần sự hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp từ Liên minh châu Âu. Thủ tướng Italy, Mario Monti, đầu tuần này dự báo kinh tế Italy sẽ tăng trưởng dương trở lại, một phần nhờ lãi suất trái phiếu giảm.
Bên cạnh thông tin tích cực trên, hiện vẫn tồn tại không ít mối quan ngại đối với kinh tế nước này.
Người ta lo ngại liệu Italy và Tây Ban Nha có thể tạo được nhịp độ tăng trưởng cần thiết để giảm nợ (hiện ở mức 123% GDP). Trong vòng 6 năm qua, kinh tế Italy đã tăng trưởng âm trong 5 năm. Nền kinh tế này được dự báo giảm tối thiểu 2% trong năm 2012. Confindustria dự đoán kinh tế Italy sẽ giảm tối thiểu 2,4% trong năm 2012 và 0,6% năm 2013./.