Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/05/2012-09:42:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2012 tỉnh Đồng Tháp
1/ Sản xuất Nông nghiệp - Thủy sản:
Vụ Đông xuân:
Vụ Đông xuân 2011-2012 toàn tỉnh đã xuống giống 216.249 ha, tăng894 ha so với vụ Đông xuân 2010-2011; Trong đó, diện tích Lúa xuống giống 208.322 ha, tăng 1.467 ha so với vụ Đông xuân năm trước, so với kế hoạch đạt 101,13%; Diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày 7.927 ha, giảm 573 ha. Đến ngày 15/4, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông xuân 2011-2012, chậm hơn so với vụ Đông xuân năm trước. Theo tính toán sơ bộ, năng suất lúa bình quân chung toàn vụ ước đạt 72,13 tạ/ha, tăng 0,48 tạ/ha so với vụ Đông xuân 2010-2011. Sản lượng lúa thu hoạch vụ Đông xuân 2011-2012 ước tính đạt 1.502.584 tấn, tăng 20.571 tấn so với vụ Đông xuân 2010-2011. Hiện nay giá lúa trên thị trường đang đứng ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước do tình hình xuất khẩu gạo không được khả quan trong các tháng đầu năm 2012, vì vậy lượng lúa hàng hóa trong dân còn khá nhiều, trong khi theo kế hoạch của các công ty xuất khẩu gạo thì từ ngày 15/04 đã kết thúc việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vì vậy đang tạo nhiều lo lắng cho bà con nông dân.
Diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày vụ Đông xuân xuống giống được 7927 ha ít hơn so với vụ đông xuân năm trước 573 ha, bao gồm một số cây chủ yếu như: Bắp (Ngô) 1.257 ha; Khoai lang 513 ha; Đậu nành 65 ha; Rau các loại 4.401 ha. Đến nay hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày vụ Đông xuân 2011-2012 đã thu hoạch đạt trên 90% diện tích xuống giống.
Do ảnh hưởng của bão số 01, một số diện tích lúa Đông xuân sắp thu hoạch đã bị ngã đổ, gây thiệt hại nhẹ. Bên cạnh đó một số diện tích lúa Đông xuân còn bị sâu bệnh gây hại: Rầy nâu gây hại 2.062 ha; Bệnh lem lép hạt gây hại 2.868 ha.
Vụ Hè thu:
Song song với thu hoạch vụ Đông xuân, đến ngày 15/4 toàn tỉnh đã xuống giống được 122.890 ha cây trồng vụ Hè thu năm 2012 bằng 66,83% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó lúa Hè thuxuống giống 115.361 ha, đạt 60,72% kế hoạch xuống giống (kế hoạch 190.000 ha), ít hơn 52.319 ha (hay 31,2%) so cùng kỳ năm trước; Hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày xuống giống 7.529 ha, bằng 46,46% so với cùng kỳ năm trước.
Trên trà lúa hè thu 2012, rầy nâu gây hại trên 9.259 ha giai đoạn mạ -đẻ nhánh, trong đó nhiễm nặng 126 ha còn lại chỉ nhiễm ở mức trung bình và nhẹ; sâu cuốn lá gây hại 541 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh; Bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá gây hại 695 ha. Các loại bệnh khác xuất hiện rải rác, gây hại nhẹ trên hoa màu và các loại cây trồng ngắn ngày khác như bọ trĩ, rầy mềm, sâu ăn tạp, sương mai, thán thư ...
Ngành chăn nuôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đàn Heo, giá heo hơi giảm nhiều trong thời gian gần đây do có các thông tin không tốt về thịt heo trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay giá heo hơi dao động ở mức 4.500.000- 4.600.000 đồng/tạ, vì vậy thu nhập của người chăn nuôi đã giảm xuống rất nhiều trong thời gian qua, trong khi đó giá thức ăn, giá con giống và các loại chi phí khác cũng hầu như không hề giảm càng làm cho người chăn nuôi thêm khó khăn. Đàn gia cầm của tỉnh dù tăng chậm nhưng đã từng bước được khôi phục. Về tình hình bệnh dịch, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về tái bùng phát bệnh dịch trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, chủ yếu tập trung vào đàn Heo (bệnh lở mồm, long móng; bệnh tai xanh; bệnh thương hàn; bệnh dịch tả heo) và đàn Vịt, gà (bệnh cúm gia cầm. Cơ quan chức năng đã tổ chức tiêm phòng cho đàn heo, trâu, bò các bệnh: Bệnh tụ huyết trùng: 63.690 con heo và 4.860 con trâu, bò; LMLM: 12.225 con heo và 3.450 con trâu, bò; Bệnh tai xanh: 8.355 con heo; Dịch tả heo 75.000 con; Cúm gia cầm trên gà 187.712 con, cúm gia cầm trên vịt: 1.166.435 con mũi 1 và 104.241 con mũi 2; Dịch tả vịt 306.000 liều; Tụ huyết trùng gia cầm 43.000 liều; Newcastel 204.475 liều. Ngoài ra ngành chức năng thực hiện tốt khâu cấp sổ quản lý đối với các đàn vịt chạy đồng nhằm kiểm soát được dịch bệnh, tính từ đầu năm đến nay đã cấp được 390 sổ, gồm 289 sổ vịt đẻ với số lượng vịt 239.537 convà 101 sổ vịt thịt với số lượng vịt nuôi là 71.615 con.
Ngành nuôi trồng Thủy sản: Trong tháng 04/2012 toàn tỉnh đã thu hoạch được 30.889 tấn cá tra. Giá cá tra nguyên liệu liên tục sụt giảm trong thời gian qua hiện chỉ còn 22.800 – 23.500 đồng/kg (đối với cá đủ chuẩn xuất khẩu) thấp hơn so với đầu năm khoảng 2.000-2.500 đồng/kg vì vậy ở giai đoạn này người nuôi trồng hầu như không có lãi. Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản, giá cá tra nguyên liệu giảm là do nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, còn ngân hàng thắt chặt tín dụng đã tác động tiêu cực đến sản xuất và chế biến cá tra. Giá cá tra nguyên liệu có thể phục hồi trong thời gian tới khi nhu cầu xuất khẩu tăng lên, khi nguồn nguyên liệu trong dân còn ít, trong khi các doanh nghiệp thì không thể tự túc được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào.
Tính từ đầu năm đến nay diện tích thả nuôi tôm càng xanh của tỉnh là 262,4ha chủ yếu tập trung ở các huyện: Tam Nông, Lấp Vò. Tổng lượng tôm giống thả nuôi từ đầu năm đến nay là 26 triệu con. Trên diện tích đang nuôi tôm phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.
2/ Sản xuất Công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4-2012 ước tính đạt 1.134.005 triệu đồng (giá so sánh 1994), tăng nhẹ (tăng 0,66%) so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,26%. Xét theo thành phần kinh tếthì Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 10,39% so với cùng kỳ năm trước; Khu vực doanh nghiệp nhà nước có giá trị sản xuất (tính theo giá cố định 1994) thực hiện trong tháng 04-2012 là 57.516 triệu đồngbằng 96,90% so với tháng 3-2012 và bằng 93,93% so với cùng kỳ; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị sản xuất thực hiện trong tháng 04-2012 là 24.827 triệu đồng, bằng 101,38% so với tháng 03-2012 và chỉ bằng 96,04% so với cùng kỳ năm trước. Hai sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đều có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước và tương đương tháng 03-2012: Thủy sản chế biến tháng 4 ước tính đạt 14.396 tấn bằng 101,42% so với tháng trước và tăng 8,01% so với cùng kỳ năm trước; Thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản tháng 4 ước tính đạt 114.650 tấn bằng 99,01% so với tháng trước và tăng 15,15% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm chủ yếu còn lại của sản xuất công nghiệp trong tháng 4-2012 có một số sản phẩm có giảm so với tháng trước (thuốc viên, thuốc lá điếu) và cùng kỳ năm trước (cát khai thác, thuốc lá điếu, quần áo may sẵn, trang in opsep) còn lại đều có mức tăng trưởng dương.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá cố định 1994 đạt 4.263.835 triệu đồng tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai thác giảm 17,40%; Công nghiệp chế biến tăng12,04%; Công nghiệp sản xuất điện và phân phối nước tăng 0,85%. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2012 có tốc độ tăng sản lượng so với cùng kỳ năm trước là: Thủy sản đông lạnh tăng 6,10%; Gạo xay xát tăng 8,66%; Thức ăn thủy sản tăng 12,43%; Thuốc là điếu đầu lọc tăng 2,73%; Thuốc viên các loại tăng 8,99%; Các sản phẩm còn lại đều có sản lượng sản phẩm giảm hoặc tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các sản phẩm có sản lượng sản phẩm giảm hoặc tăng không cao so với cùng kỳ năm trước là do tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn trong khi đó chi phí sản xuất (vốn, xăng dầu, điện, nhân công) đều tăng.
Giá cá nguyên liệu hiện nay đã giảm xuống ở mức thấp hiện chỉ còn 22.800 – 23.500 đồng/kg (đối với cá đủ chuẩn xuất khẩu) thấp hơn so với đầu năm khoảng 2.000-2.500 đồng/kg và thấp hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá nguyên liệu giảm nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đều không tăng lên do các chi phí đầu vào khác như chi phí vốn, điện, nước, xăng dầu, nhân công đều tăng. Điều quan trọng hiện nay đối với các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu là do giá cá giảm nên nguồn nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới khả năng sẽ bị thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến khả năng chế biến cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra, nhất là các doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu riêng.
Hiện nay đang vào mùa nắng nóng phụ tải tăng lên nhưng chưa có hiện tượng cúp điện luân phiên xảy ra như một số năm trước đây.
Theo số liệu của cơ quan chức năng trong qúi I/2012 có 99 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 275.969 triệu đồng; Trong đó có 5 Công ty cổ phần, vốn đăng ký 19.100 triệu đồng; DN tư nhân 29 đơn vị, vốn đăng ký 64.150 triệu đồng. Cũng trong qúi I/2012 có 48 doanh nghiệp bị giải thể.
3/ Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản:
Kế hoạch vốn đầu tư năm 2012 của tỉnh là 1.657.860 triệu đồng, trong đócác nguồn vốn chủ yếu là: vốn ngân sách tập trung, vốn xổ số kiến thiết, Chi đầu tư xây dựng cơ bản, Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu.
Lãi suất ngân hàng cao, tiếp cận khó cùng với các chi phí xăng dầu, nhân công tăng làm chi phí xây dựng tăng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Ước tính tổng mức vốn đầu tư thực hiện tháng 4 của tỉnh đạt 177.243 triệu đồng, bằng 113,26% so với tháng trước và bằng 89,58% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó các công trình thuộc trung ương quản lý thực hiện 2.360 triệu đồng, bằng 143,20% tháng trước và bằng 10,68% so với cùng kỳ năm trước; Các công trình thuộc địa phương quản lý thực hiện 174.883 triệu đồng, bằng 112,94% tháng trước và bằng 99,50% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm vốn đầu tư xây dựng của tỉnh ước thực hiện được 607.652 triệu đồng giảm 11,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đầu tư thuộc địa phương quản lý thực hiện được 596.978 triệu đồng đạt 36,01% kế hoạch vốn năm 2012 và bằng 92,34% so với cùng kỳ năm trước.
4/ Thương mại - dịch vụ:
Lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong các tháng đầu năm, giá cả hàng hóa không tăng nhiều trong các tháng đầu năm, nhất là giá vật liệu xây dựng, giá xăng. Giá nông sản hàng hóa (lúa) sau khi giảm xuống đã tăng nhẹ trở lại nhờ chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của VFA, trong khi đó vụ Đông xuân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong, bà con nông dân đã bước vào gieo cấy, chăm sóc vụ Hè thu. Các nguyên nhân này đã ảnh hưởng đáng kể đối với sức mua hàng hóa trên thị trường. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa nói chung và tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng nói riêng trong tháng 4-2012 đều tăng nhưng không cao so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng trong tháng 04-2012 đạt 3.459 tỷ đồng, bằng 101,80% so với tháng trước, và tăng 15,55% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng mức bán lẻ của ngành Thương nghiệp trong tháng 4-2012 đạt 2.853 tỷ đồng, bằng 101,46% so với tháng trước và tăng 16,11% so với cùng kỳ năm trước; Tổng mức bán lẻ của ngành Khách sạn nhà hàng trong tháng 04-2012 đạt 541 tỷ đồng, bằng 109,52% so với tháng trước và tăng 17,65% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 4 tháng đầu năm 2012 tổng mức bán lẻ đạt 13.898 tỷ đồng, tăng 24,51% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng bán lẻ hàng hóa thương nghiệp ước đạt 11.430 tỷ đồng, tăng 25,55% so với cùng kỳ năm trước; Bán lẻ Khách sạn nhà hàng 4 tháng đầu năm ước đạt 2.202 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 17,65% so với 4 tháng đầu năm 2011.
Hoạt động của ngành dịch vụ trong tỉnh vẫn giữ được sự ổn định, doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 63 tỷ đồng tăng 54,29% so với cùng kỳ năm trước; 4 tháng ước tính đạt 252 tỷ đồng, tăng 42,78% so với cùng kỳ năm 2011.
Hoạt động dịch vụ vận tải chuyên nghiệp trong tháng 4-2012 chịu ảnh hưởng mạnh của đợt tăng giá xăng, dầu ở đầu tháng 3-2012. Do giá xăng dầu tăng nên giá cước vận tải cũng đã được các đơn vị vận tải điều chỉnh tăng. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu đi lại của người dân và giá thành vận chuyển hàng hóa, là nguyên nhân chính làm chỉ số giá vận tải tăng cao trong tháng 4-2012 đồng thời làm giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành vận tải. Hiện nay ngành vận tải đã lên kế hoạch phục vụtrong các tháng 4,5 và tháng 6-2012 nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân trong các ngày lễ 30-04 và 01-05 và kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 4-2012 ước đạt 260 ngàn tấn và 4 tháng đầu năm ước tính 1.002 ngàn tấn, tăng 1,73% so với cùng kỳ; Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 4 ước tính 1.495 ngàn lượt người và 4 tháng đầu năm ước tính 6.164 ngàn lượt người, tăng 2,05% so với cùng kỳ;Tổng doanh thu dịch vụ vận tải tháng 4 ước tính 84.548 triệu đồng và 4 tháng đầu năm ước tính 346.323 triệu đồng tăng 10,55% so với cùng kỳ năm 2011.
5/ Hoạt động xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4-2012 ước đạt81,388 triệu USD, bằng 108,07% so với tháng 03-2012 và bằng 103,50% so với cùng kỳ năm 2011. Nếu xét theo thành phần kinh tế, trong tháng 04-2012 thành phần kinh tế Nhà nước tăng 13,23% so với tháng trước và giảm 3,40% so với tháng 04-2011; Thành phần kinh tế tư nhân có mức tăng 5,24% so với tháng trước và tăng 9,20% so với cùng kỳ năm trước. Hai mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh là thủy sản chế biến và gạo trong tháng 4-2012 có diễn biến khác hẳn nhau: Trong khi mặt hàng Thủy sản chế biến có giá trị xuất khẩu tăng 2,69%, khối lượng xuất khẩu tăng 5,51% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng30,70% về giá trị và tăng 42,90% về khối lượng thì mặt hàng gạo lại có diễn biến khác hẳn: tăng 101,47% về giá trị và 117,07% về khối lượng so với tháng trước; giảm 42,50% về giá trị và 37,30% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu khác còn lại (ngoại trừ sản phẩm may) trong tháng hầu hết đều có giá trị xuất khẩu tăng so với tháng trước và giảm sản lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Bánh phồng tôm về giá trị tăng 4,84% so với tháng 03-2012 và giảm 8,60% so với cùng kỳ năm trước; Về sản lượng giảm 5,44% so với tháng 03-2012 và giảm 8,30% so với cùng kỳ năm trước; Sản phẩm may về giá trị tăng 6,51% so với tháng 03-2012 và tăng 6,60% so với cùng kỳ năm trước; Hàng hóa khác có giá trị xuất khẩu tăng so với tháng trước 2,81% nhưng giảm 7,60% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 279,352 triệu USD giảm 1,30% so với cùng kỳ. Trong đó thành phần kinh tế Nhà nước đạt 107,022 triệu USD giảm 9,0% so với cùng kỳ; thành phần kinh tế tư nhân đạt 172,224 triệu USD tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước là: Thủy sản tăng 19,80%; Sản phẩm may có giá trị xuất khẩu tăng 37,90%. Riêng mặt hàng gạo đã có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 4/2012, khả năng trong các tháng tới lượng gạo xuất khẩu sẽ có tăng trưởng cao hơn trong các tháng đầu năm.
Nhập khẩu: Với nhập khẩu, các mặt hàng nhập chủ yếu vẫn là vật tư nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất nội địa như xăng dầu, vải may mặc và nguyên liệu sản xuất tân dược. Trị giá xăng dầu nhập khẩu tháng 4 ước tính 55.000 ngàn USD và 4 tháng đầu năm ước tính 223.138 ngàn USD, bằng 102,50% so với cùng kỳ năm trước; Nguyên phụ liệu sản xuất tân dược tháng 4 ước tính nhập 2.925 ngàn USD và 4 tháng đầu năm ước tính nhập 10.112 ngàn USD, bằng 81,80% so với cùng kỳ năm trước; Vải may mặc tháng 4 ước tính nhập 850 ngàn USD và 4 tháng đầu năm ước tính nhập 2.443 ngàn USD, bằng 137,50% so với cùng kỳ năm trước. Tổng trị giá hàng nhập khẩu tháng 4 ước tính 58.775 ngàn USD giảm 11,59% so với tháng trước vàbằng 116,70% so với tháng 04-2011. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2012 ước tính đạt235.706 ngàn USD, bằng 100,60% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu không tăng trong các tháng đầu năm nguyên nhân chính là do giá nhập khẩu xăng dầu và giá xăng dầu tăng trong những tháng đầu năm 2012 (khối lượng nhập giảm 13,6%; giá trị nhập tăng 2,50% so với cùng kỳ năm trước).
6/ Giá cả thị trường:
Giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động tăng trong thời gian dài, chênh lệch giữa giá xăng, dầu trong nước và các nước có cùng biên giới Việt Nam khá lớn do đó Nhà nước đã phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước vào đầu tháng 3-2012, xăng A92 hiện ở mức 22.900 đồng/lít, dầu hỏa 20.800 đồng/lít ...Tuy giá xăng dầu trong nước tăng nhưng giá tiêu dùng và giá các loại vật tư khác không biến độngnhiều. Giá các loại vật tư nông nghiệp tương đối ổn định: Urê ở mức 10.200 – 11.000 đồng/kg: DAP giá từ 13.700 – 17.100 đồng/kg; NPK giá từ 12.500 – 16.000 đồng/kg. Riêng vật liệu xây dựng giá không tăng nhưng tiêu thụ rất chậm trong thời gian gần đây.
Giá nông sản hàng hóa: Ba mặt hàng chính trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh là Lúa, Cá tra, Heo trong các tháng đầu năm 2012 đều liên tục bị rớt giá, điều này đã ảnh hưởng khá mạnh tới thu nhập của bà con nông dân. So với đầu năm giá Heo hơi giảm khoảng 4.000-6.000đồng/kg; Giá Cá tra nguyên liệu (đối với cá đủ chuẩn xuất khẩu) thấp hơn so với đầu năm khoảng 2.000-2.500 đồng/kg; Giá Lúa (loại thường) khoảng 5.000-5.200 đồng/kg giảm khoảng 1000 đồng/kg. Đối với giá lúa nhờ chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Nhà nước (đã kết thúc vào 15-04-2012) nên đã ổn định trở lại, hiện nay tình hình xuất khẩu gạo đang khả quan hơn sẽ hỗ trợ cho giá lúa gạo trong nước tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Giá tiêu dùng: Sau một thời gian dài liên tục tháng sau tăng cao hơn tháng trước, lần đầu tiên trong tháng 4-2012 chỉ số giá tiêu dùng đã giảm 0,05% so với tháng 03-2012. Mức giảm tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa, nó phản ánh quá trình kiên trì thực hiện các chính sách về kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đề ra từ đầu năm 2011 đến nay đã đạt được các kết quả quan trọng. Nếu so với tháng trước trong tháng 4-2012 ngoài nhóm hàng Giao thông do ảnh hưởng của tăng giá xăng đầu tháng 3-2012 nên có chỉ số giá tăng cao hơn 1%, còn lại các nhóm hàng khác đều có chỉ số giá tăng dưới 1% hoặc giảm, hoặc không tăng.Nhóm hàng có mức giá tăng cao nhất trong tháng 4-2012 so với tháng trước là Giao thông tăng 2,51%, kế đến là Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,80%; Thứ 3 là May mặc, mũ nón giày giép tăng 0,44%.
Nếu so với tháng 12-2011 thì mức tăng giá tiêu dùng tháng 04-2012 là 2,36%, một mức tăng thấp so với nhiều năm lại đây và thấp hơn mức tăng 7,99% của 4 tháng đầu năm 2011 (Năm 2006 tăng 3,75%; Năm 2007 tăng: 2,71%; Năm 2008 tăng 11,51%; Năm 2009 tăng: 2,80%; Năm 2010 tăng 4,19%). So với tháng 12 năm trước nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất là Ăn uống ngoài gia đình tăng 8,71%, kế đên là Nhóm hàng Giao thông tăng 5,59%. Có hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng 12-2011 là Lương thực giảm 6,42%; Bưu chính viễn thông giảm 0,13%.
Giá Vàng trong tháng tiếp tục biến động, chỉ số giá vàng giảm 2,24% so với tháng trước và giảm 1,36% so với tháng 12-2011, bình quân 4 tháng đầu năm 2012 giá vàng tăng 20,42% (vàng 99,9%) so với cùng kỳ.
Tỷ giá USD Mỹ tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 0,05% so với tháng 12-2011, bình quân 4 tháng đầu năm 2012 giảm 1,76%.
7/ Một số tình hình xã hội:
Ngành giáo dục tập trung hoàn thành chương trình giảng dạy năm học 2011-2012 và đang triển khai kế hoạch tổ chức thi học kỳ 2 cho các cấp học và chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp cấp 3 theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Song song đó ngành cũng phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng trong học đường, nhằm giảm thấp nhất ảnh hưởng của bệnh tới quá trình học tập củahọc sinh.
Ngành Y tế thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh thường xuyên đồng thời triển khai có hiệu quả công tác phòng chống các loại bệnh dịch trong mùa hè, tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngành lao động trong qúi I/2012 đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức sàn giao dịch việc làm lần thứ nhất tại TP Cao Lãnh, đã có hơn 1.000 người đến sàn giao dịch việc làm, kết quả các doanh nghiệp đã tuyển dụng được 130 lao động. Tính chung từ đầu năm đến cuối tháng 03/2012 đã có 9.736 lao động được giải quyết việc làm. Về công tác trợ cấp thất nghiệp trong tháng 3/2012 đã tiếp nhận và thẩm định các hồ sơ thất nghiệp và ra quyết định trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 327 lao động.
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh trong tháng 03 năm 2012 trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 11 người chết và bị thương 08 người; Tai nạn khác xảy ra 16 vụ làm chết 10 người, thiệt hại 05 căn nhà trị giá khoảng 155 triệu đồng./.

Website Đồng Tháp

    Tổng số lượt xem: 1493
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)