Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/09/2012-15:29:00 PM
Triển vọng tăng trưởng trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và CHLB Đức
(MPI Portal) - Trong khuôn khổ chuyến thăm của ngài Philipp Rosler, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức tới các nước đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là Việt Nam và Thái Lan, điểm dừng chân đầu tiên của phái đoàn Đức là Hà Nội. Ngày 18/9, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngài Philipp Rosler đã có buổi gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Cũng trong buổi sáng ngày 18/9, hai vị Bộ trưởng đã tham dự lễ khai mạc Diễn đàn đối thoại Việt – Đức.
Phái đoàn Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có bà Jutta Frasch, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam; bà Cornelia Pieper, Quốc Vụ Khanh nước CHLB Đức, cùng các cán bộ thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp CHLB Đức và đoàn 50 doanh nghiệp Đức. Chủ trì Diễn đàn là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, cùng tham dự còn có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành của Việt Nam; đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và Đức, cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Diễn đàn này có ý nghĩa rất quan trọng để các doanh nghiệp Đức hiểu thêm về tiềm năng phát triển và chính sách của Chính phủ Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng hiểu thêm về các mối quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp Đức. Diễn đàn sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai bên, phát triển các kế hoạch hợp tác cụ thể đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Hai nước đã ký một số Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, các hiệp định Hàng hải, Hàng không… Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
Trong những năm qua, Đức là một trong những nước viện trợ vốn ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam. Cho đến nay, tổng vốn ODA Đức đã cung cấp cho các dự án tại Việt Nam lên tới hơn 1 tỷ Euro.
Về thương mại, đến nay CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại).
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 8 năm 2012, Cộng hoà Liên bang Đức có 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 904 triệu USD. Đức xếp thứ 24 trong số 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 52% tổng vốn đầu tư). CHLB Đức là một trong những địa bàn trọng điểm trong công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam với lợi thế về công nghệ hiện đại, tiềm năng về vốn, chất lượng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp CHLB Đức Philipp Rosler phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Cũng trong phiên khai mạc, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp CHLB Đức Philipp Rosler bày tỏ sự ấn tượng trước những thành tựu kinh tế và xã hội mà Việt Nam đã đạt được. Việt Nam là một nền kinh tế quốc dân mạnh trong ASEAN, mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. CHLB Đức với các thế mạnh về năng lượng, y tế và công nghệ tiên tiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các khó khăn vì mục tiêu phát triển bền vững.
Cần nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư tại Việt Nam
Theo ý kiến của bà Christiane Laibach, thành viên HDQT của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), với một loạt các dự án đầu tư của KfW tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng, bà nhận thấy việc đầu tư tại Việt Nam còn nhiều thách thức, đặc biệt là về tiến độ triển khai dự án, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và khung khổ pháp lý còn nhiều bất cập.
Việt Nam cần cải thiện cơ sở pháp lý nhằm thu hút hơn nữa vốn đầu tư từ nước ngoài, đảm bảo môi trường thuận lợi và tâm lý yên tâm cho các doanh nghiệp Đức nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam.
Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tập trung cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng
Trước mục tiêu tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam, Việt Nam cần nguồn vốn rất lớn để tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong Kế hoạch tổng thể hợp tác phát triển giữa Việt Nam và CHLB Đức, đã nhấn mạnh tiếp tục mở rộng khai thác than, sản xuất điện, thủy điện. CHLB cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Ông Trần Tuấn Dũng, Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sử dụng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều phương án, đặc biệt chú trọng huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, cơ quan quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và các ngân hàng phát triển song phương… Đồng thời ông cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quyết định 26/2006/QĐ-TTg về Phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, theo đó dần đưa giá điện của Việt Nam tăng tương đương với mức bình quân giá điện tại khu vực.

Diễn đàn Đối thoại Việt – Đức. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Buổi đối thoại trên cơ sở đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức đồng thời củng cố mối quan hệ hợp tác thương mại đầu tư tốt đẹp giữa hai nước cũng như tìm kiếm khả năng mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp Đức và Việt Nam. Diễn đàn đối thoại Đức – Việt sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư kinh doanh.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn đối thoại Việt – Đức đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng tiết kiệm cho vay nhà ở Schwabisch Hall (BSH) và ký kết Hợp đồng sản xuất xe buýt mẫu giữa Vinamotor và công ty Siemens Vietnam.
Tại buổi họp báo sau Diễn đàn, Bộ trưởng Philipp Rosler cho biết hai vị Bộ trưởng đã có những trao đổi tích cực về vấn đề năng lượng, đặc biệt là sử dụng năng lượng tái tạo với cam kết hỗ trợ từ phía CHLB Đức. Thêm vào đó, hai bên cũng trao đổi hợp tác về y tế, thương mại bán buôn và bán lẻ.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của CHLB Đức với tư cách là đối tác lớn và tiềm năng của Việt Nam. Sau buổi làm việc, hai bên đã đi đến thỏa thuận hợp tác trên 3 lĩnh vực chính: năng lượng (năng lượng tái tạo), công nghệ và y tế; cùng với nhiều các lĩnh vực hợp tác khác. Bộ trưởng cũng cho biết, theo sáng kiến của Bộ trưởng Philipp Rosler, một tổ công tác sẽ được thành lập giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các dự án đầu tư theo hình thức công-tư (PPP), đây sẽ là cơ sở để đầu tư phát triển giữa hai quốc gia tăng mạnh và hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ hy vọng rằng, chuyến thăm lần này sẽ là cơ sở cho một bước phát triển cao hơn nữa trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1545
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)