Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ngày 10/4, Tây Ninh đề nghị ADB xem xét cân đối vốn tài trợ khoảng 40 triệu USD (gần 840 tỷ đồng) trong tổng số 54 triệu USD để triển khai thực hiện các tiểu dự án tại đô thị Mộc Bài.
|
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh minh họa. (Nguồn: baotayninh.vn)
|
Đô thị Mộc Bài sẽ được đầu tư xây dựng và phát triển theo hướng bền vững trên 3 nội dung chính gồm tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm tốt môi trường và an sinh xã hội; củng cố quốc phòng an ninh và tăng cường quan hệ hữu nghị với nước láng giềng.
Theo Ban quản lý Khu Kinh tế Tây Ninh, quy hoạch đô thị Mộc Bài đến năm 2020 có quy mô đất đai 7.400ha. Trong đó đất dân cư 1.033ha, đất chuyên dụng 963ha, đất dịch vụ thương mại 370ha, đất du lịch sinh thái 600 ha, đất nông lâm nghiệp 4.284ha và đất giao thông 150ha. Quy mô dân số đến năm 2020 là 70.000 người (nội thị là 60.000 người).
Mục tiêu trước mắt của dự án là ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng góp phần kích thích sản xuất phát triển, chuyển đổi dần hành lang giao thông trục Xuyên Á thành hành lang kinh tế vững mạnh; thu hút đầu tư đối với tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân; ổn định đời sống cho 70.000 dân cư trong đô thị, tạo việc làm cho 58.000 lao động (trong đó có 38.000 lao động đến từ vùng phụ cận và nơi khác).
Trong giai đoạn 2011-2020, khu đô thị Mộc Bài sẽ được tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư còn gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa có hoặc chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ; hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu; chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý đô thị còn thấp. Hiện Mộc Bài chủ yếu là đất nông lâm nghiệp, dân cư không tập trung, đất thương mại dịch vụ chỉ mới quy hoạch được khoảng 50 ha tại cửa khẩu.
Trong thời gian tới, Mộc Bài dự kiến ưu tiên đầu tư các hạ tầng như xây dựng và mở rộng hệ thống cấp nước có công suất từ 7.000m3/ngày đêm đến 30.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống giao thông nội thị; hệ thống xử lý nước thải, công suất 9.000m3/ngày đêm; bãi chôn lấp rác; hệ thống cảng khô… Tổng nhu cầu vốn cho các tiểu dự án trên khoảng 54 triệu USD.
Làm việc với đoàn công tác của ADB, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Tây Ninh cho biết, cơ sở thực hiện kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng ưu tiên tại đô thị Mộc Bài phù hợp với dự án phát triển các đô thị hành lang tại Việt Nam do ADB đề xuất xây dựng nhằm phát triển năng lực các đô thị này; biến hành lang trong khu vực thành hành lang kinh tế đồng bộ thông qua việc nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở hạ tầng ưu tiên và hỗ trợ tăng cường thể chế.
Việc phát triển các đô thị hành lang là một cách tiếp cận mới để phát huy tối đa lợi ích kinh tế giữa các quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong từ việc giao thông thuận lợi, phát triển các hoạt động thương mại và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng ưu tiên tại Mộc Bài là phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển kinh tế biên giới.
Mục tiêu lâu dài của dự án phát triển đô thị hành lang tiểu vùng Mekong là xây dựng Mộc Bài nằm trên hành lang Xuyên Á thành đô thị vệ tinh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời xây dựng đô thị Mộc Bài thành trung tâm các hoạt động thương mại cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và một số quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nghe đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Tây Ninh thuyết trình và trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thảo, đoàn công tác của ADB cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu hồ sơ, khảo sát thực địa và làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xem xét đáp ứng theo yêu cầu của tỉnh./.