Theo mạng tin Science News, mới đây các chuyên gia thời tiết và các nhà khoa học nông nghiệp trên thế giới cảnh báo, khi châu Á bắt đầu bước sang mùa gió mùa, tình trạng biến đổi khí hậu nhanh sẽ dẫn đến những đợt hạn hán và lũ lụt kéo dài, từ đó có thể đe dọa tình hình sản xuất lúa gạo và cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực.
Nam và Đông Nam Á là quê hương của hơn 1/3 dân số thế giới và cũng là nơi có số người nghèo và suy dinh dưỡng chiếm một nửa tổng số người nghèo và suy dinh dưỡng của thế giới. Không áp dụng các biện pháp mới trong sản xuất lương thực, biến đổi khí hậu trong khu vực sẽ làm mất khoảng 50% sản lượng nông nghiệp trong 3 thập kỷ tới. Và do nông nghiệp được coi là xương sống của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, nên sản lượng lương thực giảm như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho các nước.
Hiện nay, người nông dân cũng đang chịu sức ép không chỉ phải đối phó với biến đổi khí hậu mà còn phải hạn chế lượng khí thải nhà kính từ sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, cùng với việc chuyển đổi sử dụng đất và khai thác rừng bừa bãi, chiếm gần 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Ông Bruce Campbell, chuyên gia của Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Nông Nghiệp và An ninh Lương thực (CCAFS) thuộc Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), cho biết biến đổi khí hậu đang đe dọa sản lượng lương thực, chăn nuôi, đánh bắt cá và trồng rừng, trong khi dân số thế giới bùng nổ đang đặt ra những nhu cầu mới về sản xuất lương thực.
Những xu hướng mâu thuẫn này đòi hỏi châu Á và thế giới phải cải cách các hệ thống nông nghiệp để có thể sản xuất đủ lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con người và hỗ trợ phát triển kinh tế bất chấp những điều kiện ngày càng thay đổi nhanh chóng.
Gần đây, Đông Nam Á trải qua những đợt biến đổi thời tiết khắc nghiệt, như trận lũ lụt khủng khiếp năm 2011 ở Thái Lan xẩy ra sau một đợt hạn hán kỷ lục khắp khu vực năm 2010. Những sự kiện này, cộng với nhiều diễn biến thời tiết cực kỳ khắc nghiệt khác trên thế giới, đã ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu và các chiến lược phát triển con người cũng như hệ sinh thái.
Trong thập kỷ 1970-1980, hầu hết các nước châu Á đã tự cung cấp lương thực nhờ các khoản đầu tư trong cuộc Cách mạng Xanh, từ đó tìm ra các loại lúa mới và nhiều giống cây trồng khác, công tác quản lý cây trồng và nước tưới tốt hơn. Hiện nay các khu vực châu thổ của các con sông lớn ở châu Á là các vựa lúa của thế giới để đáp ứng nhu cầu lúa gạo toàn cầu. Nhưng tình trạng biến đổi ngày càng tăng giữa các mùa đang tạo sức ép đối với các nguồn cung cấp nước, trong khi đó mực nước biển dâng đang biến các nguồn cung cấp nước ngọt thành nước lợ, đẩy tiến trình sản xuất lúa gạo của châu Á vào tình trạng khó khăn.
Lúa gạo ở châu Á được gieo trồng ở các vùng châu thổ rộng lớn, thấp và các khu vực ven sông như châu thổ sông Mekong-nơi sản xuất hơn một nửa lúa gạo của Việt Nam. Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chất lượng nước và tăng độ mặn của các khu vực này. Hơn nữa, một số vịnh sông lớn, trong đó có vịnh Chao Phraya ở Thái Lan và sông Hồng ở Việt Nam, đang được coi là "chết" do tất cả nguồn nước đầu nguồn bị chặn lại.
Tại Nam Á, các vịnh sông Ganges và Indus là nơi bảo đảm an ninh lương thực của hơn một tỷ người, nhưng nhiều dấu hiệu nguy hiểm đang nổi lên: 88% người Ấn Độ sinh sống ở các vịnh sông đang trong tình trạng thiếu nước hoặc thiếu lương thực. Tại Đông Nam Á, mặc dù sử dụng nước tưới dễ dàng, nhưng gần 70% vụ gieo trồng vẫn thiếu nước và dễ bị ảnh hưởng bởi những đợt biến đổi khí hậu.
Trước tình hình đó, các nước khu vực phải nhanh chóng đầu tư các nguồn lực để tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm điều chỉnh sản xuất lương thực và quản lý những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu./.