Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã trình bày đôi nét về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua với những khó khăn về kinh tế như tỷ lệ lạm phát tăng cao, bất ổn về tỷ giá ngoại hối, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn… Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương và doanh nghiệp quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, trong năm 2011 Việt Nam đã được những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.
Bước vào năm 2012, tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến tăng 6% đến 6,5%, chỉ số tiêu dùng bình quân dưới 10%.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết thêm, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến nay đã có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, gồm 13.588 dự án với tổng vốn đăng ký trên 200 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 1.596 dự án với tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng đầu danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
|
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
|
Các dự án đầu tư của Nhật Bản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, thông tin truyền thông và xây dựng. Trong số các nhà đầu tư Nhật Bản, các doanh nghiệp đến từ tỉnh Aichi cũng đã tiến hành các hoạt động đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm. Hầu hết các doanh nghiệp Aichi đều hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam trong một số ngành sản xuất tiêu biểu như khuôn đúc, sản xuất linh kiện ô tô, linh kiện điện tử, dụng cụ dùng trong công nghiệp…
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, hiện nay, Chính phủ Việt Nam chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghệ thông tin; dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo và phát triển kết cấu hạ tầng.Hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, ảnh hưởng môi trường.
Tọa đàm giao lưu kinh tế Aichi – Việt Nam lần này là cơ hội cho các doanh nghiệp Aichi và doanh nghiệp Nhật Bản giao lưu và trao đổi khả năng hợp tác, mở rộng lĩnh vực sản xuất trong thời gian tới tại Việt Nam, đặc biệt là việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Aichi nói riêng và Nhật Bản nói chung./.