Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng các nước giàu nhất trên thế giới cần tiến hành ngay các biện pháp giảm nợ nhằm ổn định tình hình tài chính công vốn đang căng thẳng.
Theo OECD, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến khoản nợ của các nước tăng cao, do Chính phủ chi tiêu nhiều, vay mượn nhiều nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, nợ công của các quốc gia thành viên OECD trung bình ở mức 100% GDP.
Mục tiêu đề ra là các nước thành viên giảm tỷ lệ nợ xuống 50% GDP vào năm 2050.
OECD cho biết nhiều quốc gia sẽ phải tiết kiệm số tiền tương đương 3% GDP/năm để giảm gánh nặng nợ.
Riêng Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ nợ lên đến 200% GDP, sẽ phải tiết kiệm số tiền lên tới 12% GDP.
Còn đối với các nước như Mỹ, Anh và New Zealand sẽ phải tiết kiệm hơn 8% GDP.
Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone) đã khiến nhiều quốc gia chuyển hướng từ việc tiến hành các chương trình kích thích kinh tế để đối phó với suy thoái sang tăng thuế và cắt giảm chi tiêu nhằm kiềm chế thâm thủng ngân sách.
Tuy nhiên, OECD cũng thừa nhận rằng các chính sách "thắt lưng buộc bụng" tuy có thể giúp cải thiện tình hình tài chính công nhưng lại là vật cản đối với đà tăng trưởng kinh tế.
Do đó, trong ngắn hạn, quá trình thực hiện các biện pháp "khắc khổ" cần tính đến những tác động đối với tăng trưởng và tạo lập sự cân bằng./.