Theo số liệu được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố ngày 19/9, trong tháng Tám vừa qua, Trung Quốc chỉ thu hút được 8,33 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 1,43% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ ba giảm liên tiếp.
Như vậy, vốn FDI vào Trung Quốc trong tám tháng đầu năm nay chỉ đạt 74,99 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, giảm 4,1%, từ Mỹ giảm 2,85% và từ các nước châu Á giảm 5%.
Riêng FDI từ đối tác Nhật Bản cũng chỉ tăng 16,2%, giảm mạnh so với mức tăng 50% của năm 2011.
Số liệu trên được công bố trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng tăng trưởng chậm, chỉ đạt mức 7,6% trong quý 2 năm nay và là mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn ba năm qua.
Các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân khiến dòng vốn FDI vào nước này giảm là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu, thiếu các dự án lớn, giá cả tăng cao và nhu cầu sụt giảm ngay chính trong nội tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tháng ngày 19/9, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định nền kinh tế nước này phải đối mặt với những khó khăn lớn và vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu đề ra hồi đầu năm nay.
Theo số liệu công bố đầu tháng này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tám tháng đầu năm nay tăng 6,2%, thấp hơn mục tiêu mà chính phủ đề ra từ đầu năm là duy trì mức tăng 10% trong năm nay.
Chính phủ Trung Quốc tuần trước cho biết đã thông qua gói các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu để duy trì ổn định ngoại thương. Các biện pháp này bao gồm đẩy nhanh quá trình hoàn thuế cho các nhà xuất khẩu, khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng các khoản cho vay và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Để kích thích nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc cũng đã nới lỏng nguồn cung tiền tệ, giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, khuyến khích hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại trong nước để đẩy mạnh cho vay đầu tư./.