(MPI Portal) - Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio + 20) đã chính thức diễn ra từ ngày 20 - 22/6, tại Rio de Janeiro, Brazil. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị Rio+20 có hơn 40.000 đại biểu trong đó có 130 vị đứng đầu Nhà nước và chính phủ, các nghị sỹ quốc hội, các thị trưởng, các quan chức chính phủ, các nhà kinh doanh và các nhà lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự...Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam.
Hội nghị Rio+20 nhấn mạnh tới 7 lĩnh vực cần ưu tiên quan tâm để phát triển bền vững, đó là: việc làm, năng lượng, thành phố, an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, nước, đại dương và khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai. Hội nghị là dịp để đánh giá những tiến triển đã đạt được hướng tới phát triển bền vững và loại bỏ nghèo đói, định hướng tương lai cho những mục tiêu trên.
Hội nghị cũng là cơ hội để các quốc gia trên thế giới khẳng định lại những cam kết, đồng thời đưa ra những cam kết mới, những nỗ lực toàn cầu mới cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, củng cố và tăng cường các cam kết chính trị, các mối quan hệ hợp tác và đối tác cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, tại Hội nghị lần này đã thông qua Văn kiện quan trọng, phản ánh những định nghĩa, khái niệm, biện pháp nhằm giải quyết một số vấn đề chính liên quan đến 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt trong đó xác định định hướng phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa nghèo; xây dựng khung thể chế tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Hội nghị Rio+20. Ảnh: Hoàng Mai (MPI)
|
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên bàn tròn cấp cao bàn về phương hướng thực hiện các kết quả của Hội nghị Rio+20. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện “Diễn đàn thượng đỉnh về vốn tự nhiên”do Ngân hàng Thế giới và Anh tổ chức; tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện “Những thay đổi phát triển bền vững toàn cầu và tăng trưởng xanh cho tất cả chúng ta” do Ngân hàng Thế giới và Đức tổ chức. Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã tham dự lễ ký kết thành lập Viện tăng trưởng xanh toàn cầu.
Tại Phiên họp bàn tròn cấp cao bàn về phương hướng thực hiện những kết quả của Hội nghị RI0+20, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đề xuất các đối tác phát triển tăng cường hơn nữa các chính sách nhằm mở rộng và đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, có hiệu quả; tăng cường hơn nữa nguồn hỗ trợ phát triển chính thức , đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững quốc gia, trong đó có xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kêu gọi Liên hợp quốc tăng cường hơn nữa vai trò và nhiệm vụ ở tất cả các cấp trong việc làm cầu nối, huy động và điều phối hiệu quả các nguồn lực cần thiết để thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện những cam kết mà Hội nghị lần này đạt được; đồng thời khuyến nghị Liên Hợp quốc tiếp tục hỗ trợ cho mô hình thí điểm “Một Liên hợp quốc” ở Việt Nam và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam coi Phát triển bền vữnglà mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai. Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 21 quốc gia và cũng vừa ban hành chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020. Về việc cải tổ và nâng cấp các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc, Việt Nam cho rằng cần xây dựng một lộ trình cho việc cải tổ đối với Ủy ban Kinh tế xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC); Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (CSD) và Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) theo các giai đoạn với các tiêu chí phù hợp.
Tại Hội nghị Rio+20, Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị như Liên Hợp quốc cần đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 và 2030 và thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Về kinh tế xanh, Việt Nam khuyến nghị thành lập các trung tâm về kinh tế xanh tại các vùng trên thế giới. Các Trung tâm này sẽ giám sát các chỉ tiêu chủ yếu của kinh tế xanh của các nước trong khu vực, cung cấp các dịch vụ tư vấn về xây dựng chính sách và các thực tiễn điển hình, giúp Liên Hợp quốc xây dựng và xuất bản các báo cáo hàng năm của thế giới về kinh tế xanh.
Về phía Việt Nam, Việt Nam luôn sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN và Liên Hợp quốc để thành lập Trung tâm Kinh tế xanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng kêu gọi Liên Hợp quốc thành lập mạng lưới Liên Hợp quốc và Chương trình Liên Hợp quốc để giải quyết hiệu quả vấn đề nước biển dâng, kết hợp kiến thức, công nghệ và nguồn lực của các nước phát triển và đang phát triển để khắc phục vấn đề toàn cầu này.
Tại Rio+20, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết chi hơn 500 tỷ USD nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn cầu, trong đó có 323 tỷ USD sẽ được dành cho sáng kiến "Năng lượng bền vững cho tất cả" để thế giới đạt được sự tiếp cận phổ cập các nguồn năng lượng bền vững vào năm 2030.Hội nghị Rio+20 cũng đưa ra một loạt cam kết, bao gồm trồng 100 triệu cây xanh, trao quyền cho 5.000 nữ doanh nhân trong các doanh nghiệp kinh tế xanh ở châu Phi, mỗi năm tái chế 800.000 tấn nhựa PVC.
|
Ảnh: Internet
|
Đặc biệt, bế mạc Hội nghị Rio+20, các nhà lãnh đạo thế giới đã đạt được đồng thuận về Văn bản chính trị cuối cùng có tên gọi "Vì tương lai chúng ta mong muốn". Văn bản này nhằm kêu gọi thế giới thực hiện các hành động như bắt đầu quá trình thiết lập các Mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể hóa phương thức nền kinh tế xanh, tập trung cải thiện bình đẳng giới, thừa nhận tầm quan trọng của cam kết tự nguyện về phát triển bền vững./.
Một số hình ảnh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Hội nghị Rio+20.
Tùng Linh (tổng hợp)
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư