Ngày 04/06/2012-23:14:00 PM
(MPI Portal) – Chiều ngày 04/6/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG giữa kỳ) năm 2012 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị với phiên họp cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2012 và dự kiến cả năm 2012.
|
Các đại biểu tham dự Hội Nghị CG giữa kỳ 2012 tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tham dự Hội nghị CG giữa kỳ lần này có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, nhiều Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đại diện các đoàn ngoại giao, các tổ chức có tài trợ cho Việt Nam và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đồng Chủ tịch của Hội nghị CG giữa kỳ lần này là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị liên quan đến các vấn đề quan trọng như: (1) Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012; (2) Đối thoại với các tỉnh miền Trung về giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; (3) Tham vấn về đổi mới phương thức tổ chức Hội nghị CG.
Mở đầu phiên họp chiều ngày 04/6/2012, Hội nghị đã nghe Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng năm 2012 và dự báo cả năm 2012. Với 7 nhóm giải pháp lớn đã được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 như (1) Kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; (2) Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh; (3) Nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ; (4) Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; (5) Tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (6) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cườngphòng, chống tham nhũng; (7) Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh: “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo nhận định của Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh, nhờ có những nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn dân triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã có những chuyển biến đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã có các tham luận đánh giá về kinh tế vĩ mô trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Đại diện cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Sanjay Kalra đã trình bày tham luận đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 5 tháng đầu năm 2012, theo đó IMF luôn tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các chính sách hiện nay, IMF đánh giá cao những kết quả bước đầu đã đạt được. Tuy nhiên, cũng kiến nghị với Chính phủ Việt Nam không nên nới lỏng các chính sách tài khóa sớm, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát, mặc dù có thể làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một nhận định khác của IMF là tình hình kinh tế thế giới hiện rất phức tạp, sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam trong năm 2012.
|
Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Hội nghị cũng được nghe Báo cáo của ông Alain Cany, đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Liên quan đến môi trường đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tin tưởng mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các bước đi đúng đắn để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, để có thể cải thiện sức cạnh tranh dài hạn của thị trường Việt Nam, nhiều kế hoạch và giải pháp cụ thể cần được triển khai trên thực tế. Đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, việc tiếp cận vốn vẫn là một khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước rất mong mỏi gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ sớm đến được với doanh nghiệp, các khoản vốn vay với lãi suất ưu đãi cần dựa trên tiêu chí về công nghệ, đảm bảo việc làm chứ không dựa trên tiêu chí đánh giá “phương án kinh doanh có hiệu quả”, ông Alain Cany bày tỏ.
Hội nghị cũng được nghe các ý kiến bình luận và câu hỏi từ 10 đại diện các nhà trợ phát triển cho Việt Nam như WB, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Đại sứ quán Nhật Bản, Australia, Hà Lan, Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Canada và Vương quốc Anh. Đại sứ Australia Allaster Cox đã có những lời lẽ tốt đẹp chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã bước đầu kiểm soát lạm phát, triển khai tốt Nghị quyết 11, cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, tỷ giá lành mạnh và ổn định. Đồng tình với ý kiến của Đại sứ Australia, đại diện sứ quán Pháp, Canada và WB cũng đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam bước đầu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
|
Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tuy nhiên, đại diện cho các nhà tại trợ cũng bày tỏ một số quan ngại về khả năng lạm phát quay trở lại, tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đối với kinh tế trong nước, tình hình cải cách trên các lĩnh vực đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước chưa có lộ trình rõ ràng, chính sách về mô hình đối tác công-tư (PPP) chưa phát huy hiệu quả trong thực tế, các rào cản giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thông tin minh bạch về số liệu tài chính, ngân hàng, chính sách hạn chế thương mại và kiểm soát giá, đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nghề.
Thay mặt cho phía Việt Nam, đại diện của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có báo cáo giải thích và các bình luận chia sẻ quan điểm với các nhà tài trợ.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hoàng Trung Hải. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu chỉ đạo kết thúc phiên họp buổi chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2012 đã có “chuyển biến” và đạt được kết quả “tích cực” ban đầu như chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối năm 2011; kim ngạch xuất khẩu tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, tồn kho lớn, sức mua giảm, lãi suất tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao và khó tiếp cận. Kế hoạch tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% là khó thực hiện, dự kiến khoảng 6% trong năm 2012. Do tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý I chỉ đạt 4% và Quý II dự kiến 4,5-4,6%.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2012
-Chỉ số giá tiêu dùng: tháng 5 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,78% so với cuối năm 2011, tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước.
-Chính sách tiền tệ: trần lãi suất huy động đã giảm 3% so với cuối năm 2011, lãi suất cho vay giảm 1-4%. Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 4,47% so với cuối năm 2011; tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng 5,42%.
-Xuất nhập khẩu: tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt 42,86 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu ước đạt 43,48 tỷUSD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 5 tháng khoảng 660 triệu USD, bằng 1,45% kim ngạch xuất nhập khẩu, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua.
-Thu chi ngân sách: tổng thu ngân sách ước đạt 291,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán năm, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước ước trên 338 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán hàng năm.
-Vốn đầu tư phát triển: Vốn đầu tư từ ngân sách ước đạt trên 66 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch năm.
Dự báo một vài chỉ tiêu kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012
-Tăng trưởng kinh tế năm 2012 phấn đấu khoảng 6%
-Kiềm chế lạm phát dưới 10%, thậm chí thấp hơn (7-8%)
Quang Tùng Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|